Tiểu đường dạng 1, còn có tên tiểu đường phụ thuộc insulin không có gì liên quan đến thói quen dinh dưỡng, như trong trường hợp tiểu đường dạng 2. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ triệu chứng khó chịu tương tự, có điều mạnh mẽ hơn và duy trì liên tục.
Khởi đầu tiểu đường dạng 1 thường bất ngờ, khó nhận biết, tuy nhiên nhiều bệnh nhận mặc dù cảm thấy mệt mỏi, song không hề ý thức được rằng, mối nguy hiểm đe dọa thậm chí tính mạng của họ. Phần nhiều tiểu đường dạng 1 liên tưởng đến bệnh trẻ em và thanh thiếu niên (thời gian khá dài mang tên “tiểu đường tuổi trẻ”), cho dù sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Theo những nghiên cứu mới nhất, trung bình cứ 10 nạn nhân bệnh này, chỉ có một dưới tuổi 14. Với 10% tiếp theo, những biểu hiện đầu tiên xuất hiện vào quãng giữa tuổi 14 và 18 và trong 80% còn lại bệnh bắt đầu trước tuổi 40.
Câu chuyện một bệnh nhân
Câu chuyện của nữ nhân viên ngân hàng 27 tuổi có thể là thí dụ điển hình về khởi đầu tiểu đường dạng 1. Mùa thu hai năm trước chị bị sốt cao, sau đó toàn thân ê ẩm, đau cơ và và xuất hiện suy nhược toàn thân – đó là trận cúm đã làm chị rã rời chân tay. Sau vài ngày nằm liệt giường, lúc nào chỉ cũng buồn ngủ (thậm chỉ ngủ gục trên bàn làm việc), mệt mỏi và suốt ngày khát nước: có thể uống ba chai nước khoáng/ngày (trước đây một chai cũng khó). Chị cũng liên tục phải vào toa lét – thậm chí có cảm giác, lượng nước tiểu thải ra nhiều hơn lượng nước đã uống. Người sụt cân, cho dù bữa ăn nào cũng thấy ngon miệng. Nạn nhân lo lắng, cho dù tự biện minh, “phong độ sau cúm bắt buộc phải như vậy”. Tuy nhiên tình hình ngày càng xấu, cuối cùng chị gõ cửa phòng khám vì lời khuyên của đồng nghiệp.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ đường cao kỷ lục 470 mg% (tiêu chuẩn: 80-110 mg%). Bác sĩ kết luận, chị bị tiểu đường dạng 1 và lập tức phải nằm viện. Đó là cú sốc đối với mọi người. Không ai nghĩ, chị bị tiểu đường, bởi trong gia đình không có ai mắc bệnh này. Chị vẫn gặp may. Bởi nếu bệnh không được phát hiện kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc cơ thể với các triệu chứng: buồn nôn, ói mửa, rối loạn ý thức, mạch đập nhanh, hơi thở chua hơn dấm. Có thể xuất hiện những mảng da biến mầu, má “đỏ như gấc”. Ngủ li bì là giai đoạn tiếp theo, có thể dẫn đến tử vong.
Lỗi nhỏ, nhưng hệ trọng
Tổn thương tế bào beta tuyến tụy là nguyên nhân trực tiếp của tiểu đường dạng 1. Đó là những tế bào chịu trách nhiệm sản xuất insulin – hormone hạp thấp nồng độ đường trong máu. Có thể xảy ra tình trạng hủy diệt những tế bào này trong trường hợp cơ thể bị nhiễm virus (cúm – như trường hợp nữ nhân viên nhà băng trên, quai bị, bệnh vàng da hoặc virus Coxsacki – thủ phạm gây viêm não, viêm cơ tim, viêm tinh hoàn…).
Bảo vệ cơ thể nhiềm virus, vì những nguyên nhân chưa được lý giải, hệ miễn dịch của cơ thể bắt đầu coi protein trên vỏ tế bào beta như protein của virus. Hậu quả, tế bào sản xuất insulin bị tiêu diệt oan. Trong nhiều trường hợp bệnh có nền tảng di truyền, vậy nên có thể chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vài người trong cùng gia đình mắc bệnh tiểu đường dạng 1 là chứng cứ xác nhận điều đó. Tuy nhiên việc kế thừa những gien khuyết tật của người thân chỉ có ý nghĩa xác nhận thiên hướng nguy cơ. Nạn nhân bệnh này buộc phải suốt đời bổ sung insulin, bởi thiếu nó cơ thể không thể hoạt động.
Hormone quý hơn vàng
Insulin giúp glucoza (tức đường xuất hiện trong quá trình tiêu hóa chất bột) từ máu thẩm thấu vào tế bào. Nhờ insulin, nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể như não bộ, cơ thịt, mô mỡ, gan, thận, tim…hoạt động bình thường. Ở những người mắc bệnh, quá trình sản xuất insulin bị đảo lộn, vì thế cần bổ sung insulin nhân tạo. Việc tái tạo trung thành nhất nhịp cơ thể sản xuất insulin là mục đích của liệu pháp insulin. Có thể đạt được điều đó bằng cách sử dụng các loại biệt dược, số lần bổ sung insulin.
Cấy ghép tế bào beta
Cách đây không lâu trên thế giới đã thử nghiệm phương pháp điều trị tiểu đường mới nhất – cấy ghép tế bào beta. Sử dụng những enzym đặc biệt, người ta lấy ra tế bào mật từ cơ thể người cho hiến đã qua đời. Cứ một kilôgam trọng lượng cơ thể người bệnh cần từ 7 đến 9 ngàn tế bào, vì thế mỗi bệnh nhân thường đòi hỏi hai, thậm chí ba người cho hiến (tại các nước phương Tây ngày càng có nhiều người đang sống cho hiến). Kỹ thuật cấy ghép tế bào cũng tiến hành giống kỹ thuật truyền máu. Tiếp theo những tế bào này “làm tổ” ở buồng gan và bắt đầu sản xuất insulin (phải sau ba tháng mới có thể hoạt động bình thường). Trong thời gian đó người bệnh cần được thường xuyên bổ sung insulin nhân tạo.
Tiếc rằng giải pháp này rất tốn kém, vì thế vẫn ít được thực hiện.
Trần Bằng
Tri Thức Trẻ