Tại Hanoimilk, một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề và cũng là nơi phát hiện một lô sữa dính melamine một cách vô ý. Đó là nhóm sữa Hi –P socola sản xuất ngày 26-27/6/2008 với 11.000 thùng.
WHO cho biết, melamine có thể vô tình đi vào sản phẩm do thôi nhiễm từ bao gói hoặc dung dịch làm sạch một số thiết bị.
Hàm lượng melamine trong lô sữa sản xuất ngày 26-27/6/2008 tại Hanoimilk là 0,15 mg/kg. So với quy định vừa ban hành của WHO, không quá 0,2 mg trên một kg thể trọng trẻ em mỗi ngày, hàm lượng trên vẫn an toàn với trẻ em.
Vấn đề là, khi phát hiện melamine trong một lô sữa sản phẩm nêu trên, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xử lý toàn bộ sản phẩm sữa Hi –P socola đang lưu thông trên thị trường, kể cả các lô sản xuất vào ngày khác.
Phải thu hồi 22.000 thùng tổng trị giá 5 tỷ đồng, Hanoimilk ức quá mang tất cả các mẫu sữa Hi –P socola của tất cả các ngày sản xuất đi khắp nơi xét nghiệm, từ Viện Dinh dưỡng của chính Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương II, đến các phòng thí nghiệm Singapore, Hàn Quốc. Kết quả, các lô sữa đó không nhiễm melamine. Thế mà người ta vẫn khăng khăng Hanoimilk phải tiêu hủy toàn bộ số sữa Hi –P socola thu hồi.
Bị đẩy vào khốn khó?
Ngày 24/9, đến Hanoimilk để “lật tẩy” các bao sữa nhập từ Trung Quốc, người ta thấy có cả công an môi trường và kinh tế. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm nguyên liệu thực phẩm sữa bột nguyên kem, tức là sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Hanoimilk còn bị triệu hồi lên Thanh tra Bộ Y tế, chứng kiến biên bản phạt hành chính trong lĩnh vực y tế về việc nhập và kinh doanh 275 tấn sữa bột nguyên kem, cứ như thể Hanoimilk vừa nhập sau khi Bộ Y tế lên tiếng về quả bom melamine. Trên thực tế, doanh nghiệp nhập lô hàng từ đầu năm 2008, thời điểm không quan chức nào ở Bộ Y tế, và không ai trên thế giới, nghe nói đến câu chuyện melamine trong sữa.
Hình phạt là 180 tấn sữa Trung Quốc tồn kho trị giá 16 tỷ đồng sẽ bị tiêu hủy; 95 tấn trót bán trước khi bão melamine nổ ra, Hanoimilk phải đi thu hồi. “Bán cho người ta, tiêu thụ rồi, không biết phải thu kiểu gì” - Ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk, than thở. Từ trát đó, Sở Y tế Hà Nội triệu Hanoimilk lên giải trình vào báo cáo tiến độ thực hiện hình phạt.
Ngay sau khi sự cố lên báo chí, doanh thu của Hanoimilk, nơi có hơn 900 công nhân và đại đa số là thanh niên, liên tục giảm. Từ chỗ mỗi ngày thu 1,5 tỷ đồng, nguồn này tụt còn 500 triệu đồng/ngày, nhất là khu vực miền Bắc. Thiệt hại lớn nhất là ở Hà Nội, giảm 80%. “Dư chấn” dai dẳng đến mức, tại thời điểm này, thị trường Hà Nội mới hồi phục 50% trong khi toàn quốc khoảng 60%.
Một trong những nguyên nhân khiến “vết thương” thị trường khó lành có lẽ là Hanoimilk liên tiếp bị nạn. Ngày 2/10, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hoàng Thủy Tiến ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm nguyên liệu thực phẩm sữa bột nguyên kem như nêu trên.
Cùng ngày Hanoimilk nhận kết quả phân tích 18 mẫu sữa mà họ tự gửi lên Viện Dinh dưỡng ngày 26/9, rồi hăm hở lên Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhờ công bố toàn bộ kết quả, cả tốt lẫn xấu. “Đại diện Cục nói, kết quả tốt, doanh nghiệp tự công bố; còn kết quả xấu, Cục sẽ công bố” - Phó Tổng Giám đốc Hanoimilk Đặng Anh Tuấn, kể lại.
Nói là làm: Chỉ công bố kết quả xấu! Vấn đề là kết quả xấu được công bố nhỏ giọt và không giải thích mức độ xấu thế nào, có ảnh hưởng đến sản phẩm đang lưu hành trên thị trường hay không. Sau đó doanh thu của Hanoimilk chỉ còn 50 triệu đồng/ngày.
Thật trớ trêu, ngày 15/10, Hanoimilk được Bộ NN&PTNT và Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam trao tặng cúp vàng cho sản phẩm “Sữa tươi Hanoimilk 100% có đường”. Hai hôm sau, Chánh Thanh tra Bộ Y tế trong một công văn mới có một câu muộn mằn, “đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xem xét để có thông tin xác thực về các sản phẩm và nguyên liệu sữa có melamine” của Hanoimilk “để thực hiện quyền được thông tin của người tiêu dùng”.
Tổng thiệt hại của Hanoimilk tính đến giữa tháng 11/2008, theo ông Trần Đăng Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hanoimilk, khoảng 42 tỷ đồng. Sáu năm qua, mỗi năm Hanoimilk đầu tư 20 tỷ đồng cho quảng cáo thương hiệu.
Tại thị trường chứng khoán, thương hiệu của Hanoimilk từ 10 triệu USD giảm còn một triệu USD. Giá cổ phiếu của Hanoimilk trên sàn giao dịch của hơn 4.000 nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giảm 30-50%, tương đương 20-30 tỷ đồng. Khoảng 30% lao động nghỉ không lương, nhiều người chuyển công tác, hàng nghìn hộ nuôi bò giảm sản lượng do không tiêu thụ được sữa.
Trước, mỗi ngày Hanoimilk thu mua trên 20 tấn sữa tươi từ sáu tỉnh thành phía Bắc gồm Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Nay, dự án liên doanh Tuyên Quang với Úc nuôi hơn 5.000 bò sữa với vốn 314 tỷ đồng có nguy cơ tạm dừng.
Hanoimilk là một trong ba công ty thu mua sữa tươi lớn nhất nước. Năm 2003 bắt đầu sản xuất, tăng trưởng 20%/năm, mỗi năm Hanoimilk nộp 50 tỷ đồng thuế. Doanh số năm 2007 đạt 323 tỷ đồng. Năm 2008 dự kiến đạt 400 tỷ đồng và sản xuất 130 triệu hộp sản phẩm. Tám tháng đầu năm, họ mua 5,2 triệu lít sữa trong khi mỗi con bò sản xuất 10-12 kg/ngày.
Có lẽ còn lâu lắm Hanoimilk mới phục hồi như thời trước bão melamine cho dù có hẳn Công văn (số 7697/VPCP-KGVX ngày 10/11/2008) của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, đứng đầu là Bộ Y tế, “xem xét và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn”.
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa tự nghiên cứu được bất cứ vấn đề gì về melamine. Nhiều người hoài nghi cách xử lý melamine dẫu biết mỗi nước có quyền hành xử khác nhau. Không rõ có phải vì không đủ thông tin hay không mà cách xử lý như vừa qua không những khiến dư luận hoang mang mà còn khiến doanh nghiệp phải chịu những thiệt hại không đáng có.
Sẽ ban hành giới hạn melamine trong thực phẩm
Bộ Y tế cho rằng cần tách rời vấn đề ban hành mức giới hạn an toàn của melamine với mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được (TDI) đồng thời cần có tài liệu đánh giá mức độ đào thải của melamine trong thực phẩm của con người.
Sau khi nghe các ý kiến của Bộ Y tế, TS Jean Marc Olivé - Trưởng đại diện WHO cho biết, ngày 5/12/2008, WHO đã thống nhất đưa ra mức TDI là 0,2mg/kg thể trọng và cũng khuyến cáo mức giới hạn đối với melamine trong các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ là 0,1ppm và người lớn là 0,2ppm. TS Jean Marc Olivé yêu cầu Việt Nam nên đưa ra mức giới hạn an toàn đối với melamine sau khi đã có khuyến cáo của WHO.
TS Jean Marc Olivé khẳng định có thể phân biệt được vấn đề cố tình cho thêm melamine vào thực phẩm và việc melamine thôi nhiễm vào thực phẩm vì lượng melamine bị thôi nhiễm có hàm lượng rất thấp. Hiện nay chưa có tài liệu liên quan đến độc tính của phức melamine với acid cyanuric.
Ngoài ra, đại diện WHO cho rằng cần giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi ban hành mức giới hạn tối đa melamine đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, sản phẩm có hàm lượng melamine thấp hơn mức quy định sẽ cho phép tiếp tục lưu thông trên thị trường; sản phẩm có hàm lượng melamine cao hơn mức quy định không cho phép tiếp tục lưu thông trên thị trường và tiến hành tiêu hủy.
WHO yêu cầu khi ban hành quyết định, Bộ Y tế cần đưa ra nguyên tắc tuyệt đối cấm hành vi cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Về vấn đề độc tính của phức melamine với acid cyanuric hiện chưa có tài liệu chứng minh cũng như chưa có tài liệu liên quan khuyến cáo về mức TDI, do đó Bộ Y tế cần ban hành quy định về giới hạn melamine theo từng thời kỳ.
TS Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế bảo lưu ý kiến tuyệt đối cấm bổ sung melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, căn cứ vào khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế đồng ý xem xét ban hành ngưỡng giới hạn tối đa cho phép của melamine trong thực phẩm.
Trong thời gian tới Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sẽ tổ chức xin ý kiến Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ và các chuyên gia để đưa ra mức giới hạn an toàn đối với melamine trong thực phẩm.