Ngày 28/4, Hiệp hội phần mềm Nga (Russoft), Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), Hội người Việt Nam tại Liên Bang Nga tổ chức Diễn đàn Nga - Việt lần thứ nhất về trí tuệ nhân tạo (AI), theo hình thức trực tuyến.
Tham dự diễn đàn, có ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thành phố St. Petersburg; bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa); ông Valentin Makarov, Chủ tịch Hiệp hộp phần mềm Nga Russoft; ông Andrey Bezrukov, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Chủ quyền công nghệ Nga; cùng các chuyên gia, đại diện các công ty công nghệ, cơ sở đào tạo của hai nước
Phát biểu khai mạc, ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg nhắc lại quyết định của Thống đốc Saint Petersburg coi hợp tác với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của thành phố. Ông Kalganov khẳng định, chủ đề về trí tuệ nhân tạo rất thiết thực, trong bối cảnh nhu cầu hệ thống điều khiển và tự động hóa ngày càng cao, đồng thời hy vọng, diễn đàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vinasa khẳng định, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, nhân lực dồi dào. Với tốc độ phát triển nhanh về viễn thông và công nghệ, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp.
Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích các start-up trong lĩnh vực này, đồng thời có nhu cầu rất lớn về xây dựng các hệ thống điện tử như chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ kỹ thuật số, thành phố thông minh, đào tạo về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Big Data…
Tại diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận về tình hình trong lĩnh vực công nghệ cao ở hai nước và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, nêu những ưu tiên hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời đưa ra các đề xuất tương tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Về phía Việt Nam, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land, Tiến sỹ Trần Hoàng Tùng, Giám đốc Dự án AI về Xây dựng tính năng định giá bất động sản cho biết, trong thị trường bất động sản, hàm lượng sử dụng công nghệ hiện vẫn còn ít.
Thông thường, các giao dịch mua – bán đều tìm đến các chuyên gia, nhà môi giới hoặc trên qua internet. Tuy nhiên, trên thị trường bất động sản, có rất nhiều thông tin ảo, nhiễu, thiếu kiểm chứng khiến người mua thiếu cơ sở để đưa ra quyết định chính xác. Thậm chí, không ít trường hợp mua phải dự án không có thực, hớ giá quá cao.
Đại diện Meey Land cho rằng, những vấn đề này có thể giải quyết được bằng Trí tuệ nhân tạo (AI) bằng việc phân tích dữ liệu để tìm ra các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá bất động sản. So sánh giá giao dịch bất động sản theo khu vực và thời gian giúp người dùng có góc nhìn toàn cảnh về lịch sử giao dịch. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc ra quyết định cuối cùng.
Không chỉ dừng lại ở việc kết nối thông tin và tìm kiếm bất động sản phù hợp, hệ thống định giá của Meey Land cho phép người mua tính toán được phương án tài chính của mình và khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng dựa trên công cụ định giá từ việc phân tích các dữ liệu trên thị trường.
Việc hệ thống hóa các dữ liệu bằng AI của Meey Land sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, rút ngắn thời gian giao dịch và tăng thanh khoản.
Phần trình bày của đại diện Meey Land đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều đơn vị tham dự Diễn đàn khi khắc họa được tầm quan trọng và tính tiện lợi đột phá của công nghệ trong giải quyết những vấn đề bất cập đang tồn tại trong đời sống kinh tế, xã hội.
Kết thúc hội nghị, ông Chủ tịch Valentin Makarov đề xuất, các doanh nghiệp của Nga và Việt Nam có thể thúc đẩy các dự án chung thiết kế và sản xuất các nền tảng cho thị trường phần mềm toàn cầu; thành lập các liên doanh phân phối phần mềm tại thị trường của nhau, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng thành phố, năng lượng thông minh, hệ thống trao đổi và thanh toán quốc tế, triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chung…