MC Quyền Linh tiết lộ tuổi thơ bán hàng rong kiếm sống qua ngày

TPO - Khi nghe lại "tiếng rao" năm xưa trong chương trình "Ký ức vui vẻ", MC Quyền Linh tiết lộ quá khứ từng buôn gánh, bán bưng để kiếm sống. 

Tập 7 chương trình “Ký ức vui vẻ” chuẩn bị lên sóng với sự tham gia 5 khách mời đặc biệt: nghệ sĩ Bạch Long, diễn viên Đình Toàn, Văn Báu, Thúy Diễm và nghệ sĩ Võ Minh Lâm.

Trong đoạn trailer được gửi tới người hâm mộ trước giờ G, tiếng rao và những quán hàng rong khiến nhiều người không khỏi xao xuyến, bồi hồi.

Kí ức về gánh hàng rong chợt ùa về khi được tái hiện trên sân khấu "Kí ức vui vẻ". 

MC Lại Văn Sâm tự sự: “Ngày xưa, đêm mà nghe tiếng rao, chúng tôi còn đố nhau xem những người bán hàng hôm nay bán được nhiều hay ít. Đôi khi cảm xúc của người bán bộc lộ qua tiếng rao. Nếu tiếng rao có phần vui vẻ thì có lẽ đắt hàng, hôm nào nghe tiếng rao mệt mỏi, rời rạc thì chắc ế hàng. Còn tiếng rao bây giờ thì không cảm nhận được vì họ thu âm và phát qua loa”.

Tiếp lời, diễn viên Văn Báu chia sẻ: “Nghe tiếng rao tôi lại nhớ đến miền Bắc thời kì đầu khi chúng tôi mới lớn lên thì tiếng rao nó không ngọt ngào như MC Lại Văn Sâm nói đâu. Tiếng rao nó phản ánh thực chất cuộc sống của người lao động. Họ không biết làm gì khác ngoài việc nấu một nồi xôi hay gánh chè… rồi thuê một vài đứa trẻ đi các phố rao bán”.

NSND Hồng Vân trầm ngâm khi nhắc nhớ về tiếng rao và hàng rong.

“Tiếng rao ở miền Nam, có tiếng êm đềm mà cũng có tiếng dễ sợ lắm. Trước đây ở gần nhà tôi có một cô bán xôi bắp nhưng tôi nghe nghe tiếng rao là “ăn…cắp”. Lần nào nghe tôi cũng hết hồn”- NSND Hồng Vân mang lại không khí hài hước cho cả trường quay với câu chuyện của mình.

Là một trong những nghệ sĩ có nhiều cơ hội tiếp xúc với miền nông thôn Việt Nam, Quyền Linh được MC Lại Văn Sâm đặt câu hỏi cảm nhận về tiếng rao.

 

Quyền Linh gây bất ngờ khi anh tiết lộ, anh từng là người đi rao bán bánh đúc, bánh lọt. “Ở dưới quê, Linh đi bán rong tới 5,6 năm với tiếng rao: “Ai bánh đúc, bánh lọt, nước cốt dừa hông?”. Đó là lúc khoẻ mình rao đầy đủ, còn đến xế chiều khi đã mệt thì rao: “Ai đúc… lọt hông?”- Quyền Linh chia sẻ.

Với Thuý Diễm, cô ấn tượng âm thanh tiếng gõ. “Cứ đêm mà nghe tiếng gõ, không có bất cứ tiếng rao nào hết nhưng tôi vẫn biết là chuẩn bị có đồ ăn rồi chạy ra đầu ngõ đứng đợi. Tới bây giờ thì kí ức đó xa vời quá. Lâu lắm rồi tôi không được nghe những âm thanh đó nữa. Đôi khi thèm những món ăn mộc mạc đó mà không có”- Thuý Diễm tâm sự.

“Tiếng rao” không còn quá xa lạ đối với bất kỳ người dân Việt Nam nào, mỗi vùng đều có một cách thể hiện tiếng rao khác nhau nhưng chung quy lại đó đều là những âm thanh gợi nhớ lại một thời mà hiện nay ít còn nghe thấy được hoặc ít cảm nhận được do cuộc sống vôi vã hơn, âm thanh xe cộ chen chúc và đôi khi những tiếng rao còn thu âm sẵn.