MC Lê Anh: 'Được làm nghề trong đại dịch là một… hạnh phúc'

TPO - MC Lê Anh là gương mặt quen thuộc trên truyền hình và các sân khấu của sự kiện lễ hội, ca nhạc. Anh còn là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, ĐH KHXH&NV Hà Nội. Các công việc này đều chịu tác động không ít từ đại dịch Corona.

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra ảnh hưởng gì tới công việc của anh?

Công việc của tôi thuộc các lĩnh vực truyền thông, sự kiện, truyền hình và giảng dạy ĐH. Hiện tại sinh viên trường ĐH KHXH& NV (ĐHQGHN) nơi tôi công tác đang được gia hạn nghỉ Tết đến hết 9/2 nên tôi cũng chưa có tiết dạy nào trên lớp. Qua mạng xã hội và hệ thống phần mềm ứng dụng dạy và học, trường vẫn liên lạc và “chỉ đạo từ xa” với sinh viên thường xuyên. Trước Tết tôi có giao nhiệm vụ cho các nhóm sinh viên vừa ăn Tết, vừa đi chơi, vừa làm khảo sát về lễ hội đầu xuân cho môn Tổ chức Sự kiện, những ngay từ mùng 3-6 Tết, tôi đã lưu ý các em theo dõi thời sự và diễn biến dịch nCoV và đến giờ thì đã yêu cầu các em không tham dự lễ hội, các hoạt động kiến tập sẽ được nới thời gian ra một vài tuần sau Tết, khi hết dịch.

Còn công việc truyền hình yêu cầu đi nhiều và gặp gỡ nhiều cũng là một nguy cơ, nhưng chúng tôi không có lựa chọn khác. Vả lại được làm nghề ở lúc có ý nghĩa như thế này là một hạnh phúc. Tôi vẫn thường chat riêng với anh Thái Bình, phóng viên thường trú VTV tại Trung Quốc, một gương mặt bịt khẩu trang rất quen với khán giả cả nước những ngày này, để có thêm nguồn tin gửi đến mọi người. Xin nhấn mạnh lại, tôi, chúng tôi rất hạnh phúc được làm việc của mình có ích cho đất nước.

MC- TS Lê Anh- Ảnh: NVCC

Làm nghề trong thời điểm này khiến anh hạnh phúc? Anh có thể nói rõ thêm?

Cuộc sống có rất nhiều thử thách, ai đó sẽ thấy vui khi mình chia sẻ được, giúp đỡ được người khác những lúc như thế. Khi cả cộng đồng lớn gặp những vấn nạn như dịch bệnh, thiên tai... sự xuất hiện của các phóng viên, BTV, MC Đài truyền hình Quốc gia nhận được một sự quan tâm lớn ở công chúng, bởi thông tin mà họ truyền tải, giúp người dân có những quyết định quan trọng, củng cố niềm tin, lạc quan vượt qua những thời điểm khó khăn.

Do đó, cảm giác của chúng tôi những ngày này là hạnh phúc trong áp lực, chỉn chu hơn, kỹ càng hơn và thấu đáo hơn nhưng phải nhanh hơn, hào hứng và khẩn trương hơn trong việc cung cấp, truyền tải thông tin hữu ích cho người dân. Có những bản tin suốt gần 20 phút đầu tiên, hai MC căng thẳng vì thông tin về bệnh dịch quá nhiều và phải cập nhật sát nút, nhưng bù lại sau đó là một cảm giác nhẹ nhõm khi phản ánh được đúng yêu cầu của Đài, đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.

Trong vai trò MC, Lê Anh bị hủy bao nhiêu show, thiệt hại thế nào?

Mùa xuân, mùa lễ hội đầu năm, tôi đi show từ sớm ở Yên Bái, Vĩnh Phúc mùng 4-5 Tết. Sau đó phát dịch thì toàn bộ các show diễn trong tháng 2 dương lịch đã bị huỷ bỏ. Các nhà tổ chức sự kiện và bầu show còn vất vả hơn các MC chúng tôi ấy! Hai liveshow ca nhạc đã treo quảng bá 29/2 và 1/3 mà tôi có hợp đồng diễn cũng chưa biết có làm được không.

Giống như người nông dân vào vụ mùa, ngư dân vươn khơi mùa cá thì làng sự kiện nói chung và các nghệ sỹ, MC “thất thu” là thấy rõ trong mùa đầu tiên của năm mới rồi. Tôi tranh thủ đọc sách và làm nghiên cứu khoa học, cũng là một công việc thường xuyên rất tốn thời gian của một giảng viên.

Nếu buộc phải đi làm vào thời điểm này, anh có cách gì phòng tránh?

Tôi tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, giữ và tăng cường thói quen rửa tay trên 20 giây sát khuẩn thường xuyên trong ngày, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc tay và cự li quá gần! Tuy nhiên đứng dẫn chương trình và các MC nữ cứ bảo “sao anh đứng xa em thế”, thì tôi lại mềm lòng! (cười) Không thể đem micro đi tiệt trùng nhưng tôi cũng cố gắng không chạm tay vào đầu mic.

Trong cuộc sống hàng ngày và tại nhà anh có những cách gì để phòng chống dịch bệnh?

Ngoài việc rửa tay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn, tôi cố gắng ít dùng tay tiếp xúc trực tiếp với các phương tiện công cộng như nút bấm thang máy, lan can thang cuốn... (tôi ở nhà chung cư). Tôi cũng có thói quen súc rửa họng mũi bằng nước muối sinh lý, nhỏ mắt thường xuyên, tập thêm các bài thể dục để tăng sức đề kháng, ăn uống sạch và nhiều vitamin. Dịp này tôi được ngủ nhiều hơn, nên cũng thấy khoẻ và an tâm hơn!

Anh nhận định thế nào về những thiệt hại của ngành văn hoá- du lịch những ngày bão Corona?

Thật buồn khi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì tất cả các lễ hội của nhân dân đều bị đình chỉ, các điểm di tích danh thắng cũng chịu lây cảnh bị giới hạn, nhà hàng quán ăn vắng khách, ngành du lịch lữ hành thì vô cùng ảm đạm...

Nhưng cái lo còn lớn hơn cái buồn, nên tôi nghĩ ngành văn hoá- du lịch có thể chia sẻ khủng hoảng này trong ngắn hạn! Tuy nhiên tôi cũng muốn nhắn nhủ, lo lắng để thể hiện sự cẩn trọng thì tốt, chứ lo lắng đến mức thiếu lý trí, phân biệt đối xử và kỳ thị người khác thì là một diễn biến tệ hại, ảnh hưởng đến hình ảnh ngành du lịch và sự thân thiện của người Việt ta!

Ví dụ gần đây, nhiều khách sạn nhà hàng đuổi, từ chối và tỏ thái độ với du khách Trung Quốc sang Việt Nam từ trước thời điểm phát dịch dịp Tết âm lịch là hành động chưa đẹp.

Hành động kì thị, đánh đồng người Trung Quốc mà bạn gặp với nguy cơ gây bệnh là một thứ sợ hãi thiếu căn cứ. Cũng giống như việc người châu Âu né du khách châu Á vì nhầm tưởng là người Trung Quốc khi sang châu Âu du lịch vậy.