40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM

Máu và hoa trên đất nước Chùa tháp

Chiến thắng ngày 7/1/1979 là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Campuchia trong những gian đoạn gian khó của lịch sử hai dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 / 7/1/2019), Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài về mối quan hệ trọn vẹn nghĩa tình giữa hai nước dưới nhiều góc nhìn, từ cựu Quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, giới học giả nghiên cứu quốc tế cho đến thế hệ trẻ Campuchia ngày nay.
Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 271, Sư đoàn 302, Mặt trận 479 họp triển khai nhiệm vụ tiến công căn cứ của địch. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày tham gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và hơn 30 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước nhưng ký ức về những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại xứ Chùa tháp vẫn in sâu trong tâm trí Đại tá Lã Văn Nho. Ông nguyên là Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 271, Sư đoàn 302, Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Giữa cái lạnh buốt của mùa đông xứ Bắc đã tràn ngập khắp phố phường Hà Nội vào một ngày cuối năm 2018, căn phòng nhỏ tại trụ sở Hội Cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm có phần ấm áp bởi những kỷ niệm “vẫn luôn nóng hổi” của Đại tá Lã Văn Nho về một thời từng là bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên khắp nẻo đường của đất nước Angkor. Với ông, gần 10 năm chiến đấu tại chiến trường K là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ.

Không nhớ sao được khi đó là những tháng ngày ông cùng đồng đội đã dành cả tuổi thanh xuân tham gia thực hiện sứ mệnh cao cả của dân tộc-tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ, thần tốc cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Và cũng làm sao có thể quên được khi trong cuộc chiến ấy, biết bao đồng đội của ông, nhiều người đã ngã xuống, có người trở về với một phần máu thịt để lại trên đất nước bạn.

Theo dòng hồi ức của cựu chiến binh Lã Văn Nho, đầu tháng 1-1979, trước sức tiến công như vũ bão của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng Pol Pot đã tan rã từng mảng trong khi chính quyền Khmer Đỏ các cấp bỏ chạy. “Khi tiến hành truy quét tàn quân Pol Pot, trên các trục đường, chúng tôi bắt gặp hàng đoàn người dân Campuchia đói khát, rách rưới, dắt díu nhau, nhiều người mệt lả, ngất xỉu. Đơn vị chúng tôi đã phải dừng lại triển khai cứu dân rồi mới tiếp tục truy quét địch”, ông nhớ lại.

Gần 10 năm tại chiến trường Campuchia, ông và đồng đội đã đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ. Với ông cũng như những cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 479, thời tiết khắc nghiệt ở những nơi họ hành quân ngang qua thậm chí còn khủng khiếp hơn cả việc phải đối mặt với tàn quân Pol Pot. “Có những ngày chúng tôi phải hành quân bộ 50-60km đường rừng núi truy quét tàn quân địch. Khi ấy là vào mùa khô, những cánh rừng khộp mênh mông không kiếm đâu ra giọt nước. Có lần sư đoàn phải dùng xe bọc thép chở nước đến cứu bộ đội rồi sau đó chúng tôi mới tiếp tục hành quân được”, ông kể.

Có lẽ địa danh ám ảnh nhất với những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại Campuchia như ông chính là Melai. Theo người dân địa phương, Melai là nơi rừng thiêng, nước độc đến mức voi cũng không dám ở. “Căn bệnh sốt rét đái huyết cầu tố hoành hành trong khi dùng phác đồ điều trị bệnh sốt rét thông thường không khỏi, phương tiện đi lại không có, nhiều người đã mãi nằm lại vùng đất này. Mãi tới năm 1985, chúng ta mới nghiên cứu tìm ra phác đồ điều trị phù hợp. Từ đó, cơn ác mộng sốt rét này mới giảm hẳn”, ông nhớ lại.

Người lính tình nguyện Lã Văn Nho (thứ 3, từ trái sang) và đồng đội tại Angkor Wat ngày 24-8-1987 - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông cho biết, Quân tình nguyện Việt Nam lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn giúp đỡ tận tình quân và dân Campuchia với tinh thần không để người dân nước bạn chết vì đói và bệnh tật. Ông vẫn còn nhớ như in một buổi sáng sớm tháng 7-1984, ở cương vị tiểu đoàn trưởng, ông nhận được tin có 3 người dân Campuchia tử vong do dịch tả tại một xã vùng sâu của huyện Varin, tỉnh Siem Reap. “Nhận được tin dữ, chúng tôi khẩn trương triển khai lực lượng quân y, tập trung mọi nỗ lực điều trị ngay trong ngày và những ngày tiếp theo cứu sống được 16 người, cả người lớn và trẻ nhỏ, dập tắt được dịch tả năm đó”, ông kể.

Và tất nhiên, ở chiều ngược lại, bộ đội Việt Nam cũng được người dân Campuchia đùm bọc, cưu mang như người anh em, người con trong gia đình. Với ông, cho dù có khi chỉ là ít hoa quả, bao thuốc lá, nhưng đó lại là cả tấm chân tình của người dân xứ Chùa tháp đôn hậu dành cho Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội nhà Phật-những người cùng chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh với họ để khép lại một trang sử đau thương, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do cho đất nước Campuchia.

40 năm trước, Campuchia gần như chỉ còn là đống tro tàn. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh sau khi khép lại trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, Campuchia đã thực sự hồi sinh. Hai lần quay trở lại Campuchia để thăm chiến trường xưa, người lính tình nguyện năm nào đã không khỏi vui mừng khi được chứng kiến cuộc sống hòa bình và những thay đổi to lớn trên đất nước Angkor. Trong lòng ông luôn tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ công sức vào sự hồi sinh đó.

“Chúng tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho các cựu Quân tình nguyện Việt Nam. Tôi cũng nghẹn lòng khi nghĩ về những đồng đội thân yêu đã ngã xuống tại Campuchia. Máu của người Việt Nam chúng ta đã giúp nở hoa trên đất nước chùa Tháp, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước thêm bền chặt”, ông xúc động nói.

(còn nữa)

Theo Theo Quân đội nhân dân