Fabio dos Santos là cầu thủ nước ngoài đầu tiên nhập quốc tịch Việt Nam. Sau 6 năm thi đấu cho CLB Đồng Tâm Long An, mùa giải 2007, Santos được thực hiện các thủ tục nhập quốc tịch để trấn giữ khung thành đội bóng của ông bầu Võ Quốc Thắng dưới tư cách 1 nội binh với cái tên mới, Phan Văn Santos.
Bước qua năm 2008, Santos đã được ông thầy cũ ở CLB Đồng Tâm Long An, HLV H.Calisto triệu tập vào đội tuyển Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho AFF cup 2008. Tuy nhiên, cầu thủ gốc Brazil đã không tận dụng được cơ hội, thi đấu không tốt và bị loại khỏi tuyển Việt Nam.
Sau Santos, giải bóng đá VĐQG V.League bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các cầu thủ nhập tịch. Theo thống kê, số lượng cầu thủ nhập tịch ở V.League có lúc lên tới 14 người, chỉ ít hơn so với giải VĐQG của Singapore. Có thể điểm qua các cầu thủ này như Huỳnh Kesley Alves (Bình Dương), Nguyễn Rogerio (Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Helio (SLNA), Lê Tostao (Thanh Hoá), Đoàn Văn Sakda (HA.GL), Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max (Ninh Bình)…
Cầu thủ ngoại chỉ “kiếm cơm”?
Thực tế, việc thực hiện thủ tục nhập tịch cho các ngoại binh bắt nguồn từ nhu cầu nâng cao sức mạnh của các đội bóng tại V.League. Do việc LĐBĐVN (VFF) đưa ra chính sách hạn chế cầu thủ ngoại để bảo vệ cầu thủ nội, nhiều đội bóng đã “lách luật” bằng cách nhập tịch cho các ngoại binh.
Khi yếu tố mục đích được đưa lên hàng đầu, thì việc các cầu thủ trên ngoài đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn thì những vấn đề khác để đảm bảo là một công dân Việt Nam đích thực đôi khi bị đẩy xuống thứ yếu. Đơn cử, hiếm có cầu thủ ngoại nào trong số hơn chục trường hợp đã nhập tịch có thể nói trôi chảy tiếng Việt.
Chỉ một vài người thực sự gắn bó với Việt Nam như quê hương thứ 2, lấy vợ là người Việt Nam như trường hợp của tiền đạo Huỳnh Kesley Alves.
Giới bóng đá không lạ gì những giao kèo liên quan tiền “lót tay” các CLB phải chi cho cầu thủ ngoại để đổi lại việc cầu thủ này chấp nhận nhập quốc tịch Việt Nam.
Dĩ nhiên, “cậy răng” các CLB và cầu thủ cũng không chịu hé câu chuyện chẳng mấy hay ho này. Tất cả chỉ thực sự “bung bét” sau khi thủ môn Đinh Hoàng La, do khúc mắc với CLB The Vissai Ninh Bình, đã “tung hê” hết mọi chuyện trước công luận vào năm 2011.
Theo tố cáo của cầu thủ gốc Ukraine, đội bóng của ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã chi 50.000 USD để anh chịu nhập quốc tịch Việt Nam. Nhiều người tin rằng khi nhập tịch, cầu thủ cũng được CLB trả lương cao hơn so với các đồng nghiệp nước ngoài. Sau khi đưa nhau ra toà, Đinh Hoàng La đuối lý và buộc phải chấp nhận “nhịn” The Vissai Ninh Bình.
Nói vậy không có nghĩa tất cả cầu thủ nước ngoài khi nhập tịch Việt Nam đều chỉ vì chuyện “kiếm cơm”. Tiền đạo Huỳnh Kesley Alves là số ít có thể trao đổi bằng tiếng Việt, và đã lấy vợ người Việt Nam. Một vài cầu thủ thực sự coi Việt Nam là quê hương thứ 2.
Chủ tịch VFF hiện nay, ông Lê Hùng Dũng khi còn là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, là một trong số thiên về việc phải cẩn trọng khi triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển.
“Khi nào Thái Lan và Malaysia triệu tập cầu thủ nhập tịch thì Việt Nam cũng gọi”, đây là phát biểu của ông Dũng ở thời điểm vấn đề cầu thủ nhập tịch được nêu ra trước đây. Ngay ở thời điểm trên, ông Lê Hùng Dũng cũng cho rằng, Huỳnh Kesley Alves là trường hợp có thể xem xét.
Nếu chỉ vì yếu tố thành tích đơn thuần, có thể tin không nhiều người chấp nhận triệu tập một ngoại binh vào đội tuyển Việt Nam, nếu cầu thủ đó không thực sự xứng đáng đại diện cho màu cờ sắc áo quốc gia, cả về chuyên môn và con tim.
Theo thống kê, số lượng cầu thủ nhập tịch ở V.League có lúc lên tới 14 người, chỉ ít hơn so với giải VĐQG của Singapore. Có thể điểm qua các cầu thủ này như Huỳnh Kesley Alves (Bình Dương), Nguyễn Rogerio (Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Helio (SLNA), Lê Tostao (Thanh Hoá), Đoàn Văn Sakda (HA.GL)...