Mất ngủ: Mệt người, hại não

Mất ngủ không chỉ khiến cơ thể bạn uể oải, mệt mỏi mà còn có thể khiến các tế bào thần kinh bị chết.
Ảnh minh họa: Internet

Mất ngủ - ngủ ít hơn bình thường 2 giờ/đêm

Theo thống kê, có đến 163 căn nguyên gây ra bệnh mất ngủ. Trong đó, lối sống hiện đại với nhịp sống dồn dập chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Theo Hội tâm thần học Mỹ, trong một năm có đến 40% số người lớn ở quốc gia này than phiền về mất ngủ và trong số đó, có 15-25% là mất ngủ mãn tính.

Theo PGS.TS Bùi Quang Huy (Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103): Giấc ngủ là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Mỗi năm, con người bỏ ra 220 giờ để ngủ (khoảng 40% thời lượng cuộc đời). Thế nào là mất ngủ? Mất ngủ không thể so sánh người này với người kia được. Có người ngủ 6 tiếng/ngày được coi là đủ, có người phải 8 tiếng, 10 tiếng mới đủ... Như vậy, một người chỉ được coi là mất ngủ nếu như bạn ngủ ít hơn bình thường của chính bạn 2 giờ mỗi ngày một đêm. Chẳng hạn, nếu trước đây, bạn ngủ được 8 tiếng/ngày, nhưng giờ đây chỉ ngủ được 5 tiếng hay 4,5 tiếng thì được coi là mất ngủ chứ không phải đợi đến khi thức trắng cả đêm.

Ngoài biểu hiện trên, mất ngủ còn được xem xét dựa trên các yếu tố cụ thể là: Thứ nhất, bạn có dễ đi vào giấc ngủ hay không? Ví dụ, bạn lên giường lúc 9h mà đến tận 10, 11 giờ mới ngủ được thì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo. Thứ hai, bạn có thức dậy giữa chừng lúc đang ngủ mà không vì bất cứ một lý do nào từ ngoại cảnh như: buồn vệ sinh, có tiếng động mạnh, đau bụng... không? Thứ ba, Bạn có giữ được giấc ngủ lâu không? Chẳng hạn, nếu không may tỉnh giấc vào lúc 2,3 giờ sáng thì bạn có ngủ tiếp được không? Nếu hội tụ tất cả các yếu tố này thì không cần bàn cãi gì nữa mà có thể kết luận là bạn đang gặp rắc rối liên quan đến giấc ngủ.

Thực tế cho thấy, tình trạng mất ngủ được đánh giá là trầm trọng nếu nó kéo dài trên 3 tháng. Thông thường, những người mất ngủ vào ban ngày sẽ thấy rất mệt mỏi, tinh thần uể oải, nhưng đến buổi trưa, buổi chiều thì thấy bình thường. Đến buổi tối những người này lại hơi vui vẻ, hưng phấn nên rất khó vào giấc ngủ. Lúc xem tivi, lúc trò chuyện, lúc đọc báo họ có thể ngủ gật nhưng đến khi vào giấc ngủ thì lại rất tỉnh táo.

Có thể gây chết tế bào thần kinh

Mất ngủ không chỉ khiến chúng ta rơi vào tình trạng mệt mỏi mà chỉ cần sau một đên, nhan sắc đã có sự đi xuống thấy rõ, biểu hiện rõ nhất là mắt trũng, da nhăn. Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng: Hệ thống thần kinh và da của con người cùng chung một nguồn gốc bào thai nên hoạt động chung của cơ thể có thể phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp ra ngoài da. Một giấc ngủ không đủ thì tuần hoàn trong cơ thể kém, khiến người bệnh mặt kém hồng hào, mắt kém nhanh nhẹn... Đây là những ảnh hưởng tuy nhỏ nhưng chúng ta cần lưu ý nếu không muốn rơi vào tình trạng sớm lão hóa.

Không chỉ gây sa sút về nhan sắc, mất ngủ còn khiến trí tuệ bị giảm sút. Sở dĩ như vậy là vì khi ngủ ngon giấc, các mạch máu được lưu thông, khả năng lao động của trí óc nhờ thế được phục hồi. Khi mất ngủ, trí óc sẽ trở nên kém nhạy bén, dẫn đến tình trạng hay quên, thiếu tập trung...

Ngoài những vấn đề trên ra, các nhà nghiên cứu tại trường đại học Mexican Metropolitan Autonomous (UAM) còn khẳng định: tình trạng mất ngủ triền miên có thể làm xuất hiện một số phân tử có độc tính trong máu. Khi dòng máu chứa độc tính này tiếp cận với hệ thống thần kinh trung ương, nó sẽ ảnh ưởng tiêu cực đến chức năng thần kinh của cơ thể.

Cụ thể, nó làm giảm chức năng bảo vệ của hàng rào máu não, gây kích thích quá mức các tế bào thần kinh. Như vậy, về lâu, về dài, nếu không được ngăn chặn kịp thời, hiện tượng này sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, thay đổi hành vi hoặc thậm chí gây chết các tế bào thần kinh.

Cần loại bỏ lý do gây mất ngủ

Thông thường, những người bị mất ngủ một, hai hôm thì không chú ý đến vấn đề này. Sau đó, nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, họ sẽ tìm cách tự khắc phục bằng những bài thuốc truyền miệng như đếm cừu, uống tâm sen... nhưng thực sự vẫn không hiệu quả. Khi đó, họ mới tìm đến bệnh viện và lúc này, tình trạng có thể đã kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng và tương đối khó chữa trị.

Trong điều trị mất ngủ, ngoài các đơn thuốc hỗ trợ của bác sĩ, loại bỏ căn nguyên gây ra tình trạng này là điều quan trọng nhất. Cụ thể, nếu mất ngủ vì một bệnh nào đó (hay tiểu đêm nhiều chẳng hạn) thì phải chữa bệnh tận gốc; nếu lý do là bởi công việc căng thẳng thì cần giảm tải công việc, không nên quá sức; nếu vì lo lắng thì cần tìm cách giải thoát tư tưởng khỏi mối lo này bằng cách gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, không ở một mình...

Ngoài ra, bạn không nên sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê bởi đây là những yếu tố khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, bạn đừng ngủ trưa quá nhiều, chỉ 30 phút/ngày là đủ.

Tương tự như vậy, đừng nên ăn quá no vào buổi tối, bởi cảm giác ậm ạch sẽ khiến bạn khó chịu và khó ngủ. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng là cách thư giãn cơ bắp, giúp giấc ngủ đến nhanh hơn. Một bí kíp nữa là hãy ngủ ở nơi thoáng mát, nhiều không khí lưu thông để cơ thể cảm thấy thoải mái, không có cảm giác trằn trọc, khó chịu.

Mất ngủ là không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn hao tốn tiền bạc khi chữa trị, thế nên, yếu tố phòng bệnh vẫn luôn được đề cao. Theo đó, dù công việc có bận rộn thế nào, bạn cũng không nên quá gắng sức, đặc biệt là gắng sức trong một thời gian dài. Hãy dành thói quen khoa học là làm việc có giờ, nghỉ ngơi hợp lý.

Bên cạnh đó, việc ăn uống cũng cần điều độ, tránh ăn các thực phẩm cay, nóng, khó tiêu. Về tâm lý, cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao cũng cần thực hiện thường xuyên. Theo khuyến cáo của Viện Y học thể dục thể thao Mỹ, mỗi người nên đi bộ 30 phút/ngày.

Theo Theo SKGĐ