Mạo danh lãnh đạo, lập website giả

TP - Lợi dụng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã giả mạo lãnh đạo, thậm chí giả mạo luôn website của chính quyền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Facebook của bác sỹ Trần Khoa là giả tạo

Lừa tiêm vắc-xin để chiếm đoạt tài sản

Ngày 28/7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TP HCM phối hợp với Công an TP Thủ Đức kiểm tra, tạm giữ đối tượng Nguyễn Minh Phụng (SN 1995, ở TP Thủ Đức) để làm rõ, xử lý hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đăng tải các thông tin cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, dược phẩm, tổ chức dịch vụ tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19. Mục đích của Phụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Nguyễn Minh Phụng đã đăng tải trên các ứng dụng mạng xã hội facebook, Zalo… các thông tin, cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để làm giấy tờ thông chốt kiểm soát dịch (600.000 đồng/tờ); đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, Astra Zeneca 1.080.000 đồng/liều).

Đối tượng Nguyễn Minh Phụng tại cơ quan công an

Ngoài ra, Phụng còn đăng bán các loại dược phẩm để chữa trị khi nhiễm COVID-19; bán hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền được chuyển.

Hiện Công an TP Thủ Đức đang điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đối với Nguyễn Minh Phụng.

Giả Zalo cô giáo lừa phụ huynh nộp tiền học phí

Mới đây, theo hồ sơ của cơ quan chức năng, đối tượng lập tài khoản Zalo giả mạo, lấy hình cô Q. làm ảnh đại diện. Sau đó kết bạn Zalo với nhiều phụ huynh trong lớp, nhắn tin yêu cầu nộp tiền học phí cho con vào số tài khoản mang tên “Pham Quynh Nhi”. Do tin tưởng, đã có 6 phụ huynh chuyển tổng số tiền 25,8 triệu đồng vào tài khoản này. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ.

Tình trạng lừa đảo qua Zalo đang nở rộ trên mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Các đối tượng thường gửi đường link chứa virus lừa nạn nhân truy cập để đánh cắp tài khoản. Điển hình chị L. (trú tại Hải Phòng) sau khi nhấn vào đường link tải phần mềm mightytext và đăng nhập chạy quảng cáo fanpage do một người quen qua mạng gửi và bị đánh cắp tài khoản Zalo. Đối tượng đã đăng nhập Zalo và rút số tiền 7 triệu đồng trong tài khoản Zalopay liên kết với thẻ ngân hàng. Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn dùng tài khoản Zalo này nhắn tin mượn tiền của nhiều bạn bè trong danh bạ”, chị L. nói.

Ngoài ra, ông T. (SN 1958, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9/2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Sau khi đăng nhập vào đường link trên, ông T. phát hiện, tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng.

Lập website giả cơ quan nhà nước, đăng tin cá độ

Giữa tháng 6/2021, nhiều người phản ánh khi truy cập vào tên miền “nhadep8888.com”, xuất hiện các nội dung lạ chèn vào như: “cách vào bet365_đặt cược bóng đá việt nam_tập đoàn bet365 bắc ninh”. Nhiều người dùng nhầm tưởng đây là Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bắc Ninh, do có các thông tin, hình ảnh, giao diện giống hệt với các thông tin đã đăng tại địa chỉ bacninh.gov.vn của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.

Đầu tháng 6/2021, Trung tâm VAFC đã hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý, chặn truy cập đối với 3 trang web giả mạo, mạo danh EVN gồm: dienlucevn.com, lichcatdien.info, sotaydien.com. Các trang web giả này đã đăng tải thông tin không chính thống liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng, đối tác.

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, Sở TTTT tỉnh này đã kiểm tra, rà soát và nhận thấy tên miền “nhadep8888.com” được đăng ký thông qua tổ chức quốc tế, ẩn giấu thông tin, có máy chủ tại nước ngoài.

Ngày 29/6, Sở TTTT tỉnh Bắc Ninh đề nghị Cục An toàn thông tin hỗ trợ, phối hợp để có biện pháp xử lý đối với tên miền quốc tế “nhadep8888.com”. Sau đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC - thuộc Cục An toàn thông tin) đã ngăn chặn truy cập đối với trang web này.

Gây hoang mang, tạo bất ổn xã hội

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TTTT TP HCM cho biết, thời gian qua, trên không gian mạng lan truyền không ít thông tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật xâm phạm tình hình trật tự - xã hội.

Chỉ từ tháng 4/2021 đến nay, Thanh tra Sở TT&TT TPHCM đã xử phạt 16 trường hợp vi phạm hành chính về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền xử phạt là 132,5 triệu đồng.

Hiện, Sở đã phối hợp với Công an TP HCM phát hiện, xử lý các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP HCM đối với 3 chủ tài khoản là “Hà Phan Minh Nguyệt”, “Hiệp Lưu” về thông tin “Bí thư thành phố chỉ đạo… 7 ngày…” và “Ngân Hà Trần” liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”.

Sở TT&TT TP HCM cũng xem xét, xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung hiểu nhầm, hiểu sai, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của 5 chủ tài khoản: “Nguyễn Thuỳ Dương (Dương Dịu Dàng)”, “Hằng Nguyễn”, “Quang Dung Nguyen”, “Thao Minh”, “Đặng Huỳnh Lộc”.