Mảng kinh doanh cốt lõi tăng trưởng khả quan, OCB dự kiến áp dụng Basel III vào cuối năm 2022

Cùng với việc tập trung vào các sản phẩm cốt lõi nhằm tăng thu nhập, OCB luôn chú trọng quản trị rủi ro, tăng chất lượng tài sản. Ngân hàng dự kiến sẽ áp dụng sớm tiêu chuẩn Basel III vào cuối năm nay.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với nhiều mảng kinh doanh cốt lõi ghi nhận kết quả khả quan.

Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 20,4% so với cùng kỳ mang về 3.372 tỷ đồng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng trưởng từ 3,7% vào cuối năm 2021 lên 3,76% tại thời điểm cuối tháng 6/2022.

Tăng trưởng thu nhập từ lãi của ngân hàng ở mức cao trong kỳ đạt được là nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế Việt Nam dần trở lại quỹ đạo bình thường sau đại dịch. Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của OCB đạt 113.753 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm, theo sát với hạn mức cấp tín dụng của NHNN.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công nghệ số và các mảng phi tín dụng, thu nhập từ mảng dịch vụ của OCB đạt 359 tỷ đồng tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập mảng kinh doanh thẻ tăng gần 133%, thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng gần 18%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.739 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đáp ứng theo quy định của NHNN.

Kết thúc quý II, tổng tài sản của OCB đạt 188.857 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 của ngân hàng đạt 123.698 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Cùng với việc tập trung vào các sản phẩm cốt lõi ngân hàng cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tín dụng, thu hồi xử lý nợ xấu.

Trong những năm gần đây, nhờ chính sách quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm. Tính đến cuối tháng 6/2022, con số này được kiểm soát ở mức 1%.

Bên cạnh đó, các khách hàng được cơ cấu lại của ngân hàng ghi nhận sự phục hồi tốt sau đại dịch. Số dư nợ gốc đã cơ cấu giảm hơn 30% trong 6 tháng đầu năm chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, làm giảm áp lực lên trích lập dự phòng của ngân hàng.

OCB là một trong số những ngân hàng triển khai trước hạn việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Việc tuân thủ đầy đủ ba trụ cột Basel II giúp OCB xác định, đo lường, đánh giá các rủi ro trọng yếu một cách hiệu quả, từ đó xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và quy trình phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng. Hiện OCB đang tập trung triển khai những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn như Basel III, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong năm 2022, OCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng quy mô và năng lực cạnh tranh.

Đột phá từ mảng số hoá

Trong thời gian qua, OCB đã tạo dấu ấn trên thị trường với nhiều sản phẩm công nghệ số ấn tượng. Ngân hàng đã phối hợp với đối tác bất động sản cho ra mắt nền tảng tìm và vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home với nhiều tiện ích, ưu đãi và khá đặc biệt trên thị trường. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đã có gần 200.000 lượt truy cập vào website Unlock Dream Home, hơn 5.000 người đăng ký được tư vấn và hơn 26.000 bất động sản đa dạng ở nhiều tỉnh thành cùng hàng trăm khách hàng đã được tiếp cận khoản vay và chọn được ngôi nhà như ý.

Nền tảng tìm và vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home đang tạo được dấu ấn trên thị trường.

Sản phẩm ngân hàng số OCB OMNI được mở rộng nhiều tính năng “độc đáo” như chuyển khoản theo lô dành cho khách hàng cá nhân, thanh toán qua Facepay, cài đặt hạn mức giao dịch theo nhu cầu lên tới 5 tỷ đồng/ngày, có thể lên đến 20 tỷ/ ngày với tài khoản thụ hưởng tin cậy, mở thẻ tín dụng IGEN hoàn toàn online,... Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể trải nghiệm giải trí nhận quà với đa dạng các hình thức game tương tác như quay số online cho khách hàng gửi eSaving hay “Đảo vàng OMNI” cho khách hàng có duy trì tiền gửi CASA, “Cắt bánh sinh nhật”,…

Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm OCB OMNI ghi nhận số lượng người dùng tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước với hơn 500.000 user, số lượng giao dịch tăng gấp 2,8 lần với 13,5 triệu lượt; số dư tiền gửi eSaving tăng gấp 3 lần.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có nhiều giải pháp, hoạt động nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng doanh nghiệp như giải pháp thanh toán số OCB ProPay từ cơ bản đến chuyên biệt, theo nhu cầu của từng đơn vị, giúp các công ty tự động hóa việc quản lý khoản thu - chi trong doanh nghiệp, giảm thiểu rất nhiều sai sót và có thể tận dụng thời gian xử lý sai sót để tối ưu các hoạt động khác. Tính đến 30/6/2022, tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm này tăng gần 140% so với thời điểm cuối năm 2021.