Khủng hoảng kinh tế có thể khiến các hãng ôtô khắp thế giới bị ảnh hưởng, nhưng Bufori vẫn giữ vững lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Trung Đông. Thậm chí, các khách hàng còn sẵn lòng đợi gần 2 năm để nhận được một chiếc xe xuất xưởng từ nhà máy ở Kuala Lumpur, với giá bán ngang ngửa một số siêu xe và xe siêu sang đình đám.
Một trong số những người không tiếc tiền để tậu một chiếc Bufori là Hong Tan, một nữ doanh nhân thành đạt người Malaysia hoạt động trong ngành công nghệ xanh và là một "tín đồ" về trà. Hong Tan đã đặt hàng Bufori một chiếc xe với các đặc điểm như có chỗ đựng bộ ấm trà và tương đồng với liệu pháp dầu thơm.
Tuy nhiên, giá bán cực đắt cũng là một lý do khiến thương hiệu này không phổ biến trong giới nhà giàu châu Á, với số lượng vượt qua cả Bắc Mỹ lần đầu tiên vào năm 2011. Trong đó, giới nhà giàu Thái Lan và Indonesia đã tăng gần 10%, theo báo cáo của Asia-Pacific Wealth.
Nhà sáng lập đồng thời là giám đốc của Bufori, Gerry Khouri, cho biết ông đưa hãng vào hoạt động vào năm 1987 tại quê nhà Australia, nhưng sau đó quyết định chuyển tới Malaysia vào đầu những năm 1990 khi nhu cầu từ khu vực này bắt đầu tăng cao.
Trong 3 năm qua, đơn đặt hàng của Bufori đã tăng từ 15 đến 20% mỗi năm. "Trung Quốc và Trung Đông là 2 thị trường lớn nhất của chúng tôi hiện nay". Ngoài ra, một số đại gia ở Đông Nam Á, Hong Kong, Nhật và châu Âu cũng muốn có một chiếc Bufori.
Cũng theo Khouri, người từng tự làm chiếc xe đầu tiên ở sân sau nhà lúc mới 21 tuổi, xe Bufori có thiết kế cổ điển riêng biệt với sức mạnh có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Geneva, mẫu limousine 4 cửa hạng sang của Bufori với những đường nét thanh lịch và cổ điển, sử dụng động cơ 6,4 lít V8 công suất tới 470 mã lực và mô-men xoắn cực đại 630 Nm.
Nhưng Khouri cũng thừa nhận rằng thời gian chờ đợi quá dài có thể khiến một số khách hàng quay sang với những thương hiệu sang trọng quen thuộc như Bentley và Rolls-Royce.
"Xe của chúng tôi làm thủ công. Không có máy móc - hãy nhìn quanh bạn mà xem, chỉ có con người". Nhà máy rộng 4.600 mét vuông ở Kuala Lumpur là nơi các công nhân của Bufori bận rộn tự tay lắp ráp các bộ phận vào thân xe được đúc sẵn. Trên tầng trên, những người khác cắt và khâu da cũng bằng tay.
Với khoảng 100 nhân công, Bufori chỉ xuất xưởng 60 xe mỗi năm. Nhu cầu vượt quá khả năng khiến hãng này đối mặt với nguy cơ bởi họ đang bị giảm doanh số. Khouri muốn mở rộng nhà máy để tăng tốc độ sản xuất, nhưng anh cũng rất thận trọng vì muốn duy trì chất lượng sản phẩm.
Chiếc coupe Bufori La Joya mất 3.500 giờ mới hoàn thiện, trong khi mẫu limousine Geneva cần tới 9.000 giờ. Tuy nhiên, những khách hàng nếu có đủ kiên nhẫn thì chưa bao giờ bị thất vọng. Nữ doanh nhân Hong Tan, người đã mất 20 tháng để nhận xe, tỏ ra rất hài lòng: "Thật đáng để chờ đợi. Nó còn hơn một chiếc xe. Với tôi, Bufori là một nghệ thuật".
Theo VNE