Mới sáng sớm, cảng cá Lý Sơn đã bước vào cảnh mua bán tấp nập. Từng thuyền thúng ra vào cảng với những mẻ lưới nặng trĩu cá cơm.
Ông Lê Văn Mỹ (45 tuổi, thôn Tây, xã An Vĩnh) phấn khởi: Chưa năm nào cá cơm lại được mùa như năm nay. Trung bình mỗi thúng đạt từ 1,5 đến 2 tạ trong những ngày này là chuyện thường. Các thuyền máy công suất lớn đánh bắt cá cơm đến cả tấn cũng khá dễ dàng.
Thường mùa cá cơm bắt đầu từ tháng hai, tháng ba âm lịch, nhưng theo ngư dân, vụ cá cơm trúng đậm từ vài tuần đổ lại đây. Ngư dân thi nhau chong đèn trên thuyền thúng đánh bắt từ 3 - 4 giờ đến 6 giờ sáng đã được những mẻ lưới đầy.
“Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, cá cơm kéo đến dày đặc, cứ thấy ánh đèn điện là nổi lên mặt biển nên dùng lưới đánh bắt rất thuận lợi. So với nghề đánh bắt xa khơi, kéo lưới cá cơm dễ dàng và an toàn hơn.
Chỉ cần 1 - 2 người trên mỗi thúng là có thể khai thác được rồi và cũng không cần phải kéo lưới xa bờ”, ông Nguyễn Cao (50 tuổi, thôn Tây, xã An Vĩnh) cho biết thêm.
Tuy sản lượng đánh bắt mỗi ngày khá lớn, nhưng lượng cá cơm vẫn được tư thương mua ngay tại cảng. Số còn lại được người dân dự trữ làm mắm, hoặc phơi khô ăn dần.
Theo ông Mỹ, càng vào buổi sáng sớm, giá cá cơm càng cao, có khi đạt 8-10 nghìn đồng/kg, thời điểm gần trưa giá cũng được 5 - 6 nghìn đồng/kg nên ngư dân tranh thủ đánh bắt và vào bờ sớm.
Trường hợp có áp thấp, giá cá cơm cũng giảm đôi chút vì tư thương sợ mua nhiều sẽ không tiêu thụ được. Tuy nhiên, tính trung bình mỗi thúng nhỏ chừng vài tạ cá cơm cũng kiếm bạc triệu mỗi đêm.
Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết: Toàn huyện có gần 400 tàu thuyền các loại với 2.600 lao động và hơn 300 thuyền thúng khai thác cá cơm.
Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2010, ngư dân toàn huyện đã khai thác được 2.500 tấn hải sản các loại, trong đó sản lượng cá cơm chiếm 1/3, thu hàng trăm tỷ đồng...
Tỏi được mùa, được giá
Tại các cánh đồng tỏi trên huyện đảo Lý Sơn, người dân phấn khởi bước vào mùa thu hoạch.
Kể từ ngày tỏi được đăng ký thương hiệu, đầu ra của tỏi Lý Sơn ổn định hơn, đặc biệt vụ tỏi năm nay người dân vừa được mùa vừa được giá.
Năng suất vụ tỏi năm 2009 chỉ đạt chưa đầy 60 tạ/ha nhưng năm nay đã đạt bình quân 70 - 80 tạ/ha (tỏi khô), gần 100 tạ/ha (tỏi tươi), cao nhất trong mười năm qua.
Tính chung toàn huyện đạt sản lượng 2.100 tấn tỏi khô, với đơn giá 50 - 60 nghìn đồng/kg hiện nay, người dân huyện đảo thu nhập trên 100 tỷ đồng, đủ nuôi nhân dân Lý Sơn trong vòng 6 tháng.
Chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động Hội sản xuất và chế biến kinh doanh tỏi Lý Sơn để mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là vào các tỉnh, thành phía Nam.
Ngay trên cánh đồng Đá, những vụ trước tại đây thường xuyên bị mất mùa do hạn hán, nhưng nay, vẫn đạt năng suất cao.
Vừa nhổ tỏi cuối vụ, người dân khẩn trương chăm sóc, bón phân, phun thuốc cho vụ bắp xen canh xuân hè. Tỏi được tư thương đặt hàng ngay tại ruộng, tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn muốn phơi khô để bán được giá và hi vọng giá tỏi sẽ còn tăng cao trong những tháng tới.
Bà Nguyễn Thị Kha (56 tuổi, thôn Đông, An Vĩnh) cho biết: Thường tỏi Lý Sơn bắt đầu được trồng đầu tháng 8, sau năm tháng thì thu hoạch. Đầu vụ thời tiết không thuận lợi lắm do ảnh hưởng bởi bão, người dân tưởng mất mùa, ai ngờ về sau nắng mưa phù hợp nên năng suất tỏi rất cao. Trung bình mỗi sào tỏi đạt 400 - 500 kg, có nơi còn đạt đến 600 kg/sào.
Theo bà Kha, giá tỏi ở thời điểm hiện tại đã cao gấp 2 lần so với những năm trước. Giá tỏi tươi từ 10 - 12 nghìn đồng/kg năm 2009 đã tăng lên 20 - 30 nghìn đồng/kg, trong khi đó, giá tỏi khô đạt 60 - 70 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi so với năm 2009). Nhẩm trừ chi phí, bốn sào tỏi, bà Kha lời gần 20 triệu đồng.
Đặc biệt, các hộ trồng nhiều tỏi như gia đình ông Tráng, Hà Châu (An Vĩnh, Lý Sơn) với gần hai chục sào mỗi hộ, do được mùa, được giá nên thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng cho một vụ tỏi là điều khá dễ dàng.