Lý do người biểu tình Hong Kong kéo đổ cột đèn

TPO - Người biểu tình Hong Kong 4 tháng qua dùng ô che con mắt kỹ thuật số của camera và smartphone, trong khi cảnh sát cũng áp dụng biện pháp tránh tiết lộ danh tính của mình.
Người biểu tình kéo đổ cột đèn thông minh hồi tháng 8. Ảnh: Getty Images.

Cuối tháng 7, người biểu tình sơn đen các ống kính camera lắp phía trước Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh ở Hong Kong. Hồi tháng 8, họ kéo độ một cột đèn thông minh vì sợ rằng nó được trang bị phần mềm giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Những việc như vậy chứng tỏ biểu tình ở Hong Kong không phải là phản ứng với thực tế trên thực địa mà là lo ngại về những việc có thể xảy ra dưới sự kiểm soát ngày càng chặt hơn của Bắc Kinh trong môi trường kỹ thuật số, The New York Times đưa tin ngày 3/10.

Trong tuần này, khi đối đầu cảnh sát trong một số vụ xô xát dữ dội nhất với cảnh sát kể từ khi biểu tình nổ ra hồi tháng 6, người biểu tình giương ô để cản tầm nhìn của máy bay trực thăng của cảnh sát. Một số người biểu tình còn dán phim phản quang lên kính mắt để khó bị quay phim rõ mặt.

“Trước đây, Hong Kong không dùng camera để giám sát người dân. Việc phá hủy camera và cột đèn là một cách phản đối mang tính biểu tượng. Chúng tôi nói rằng chúng tôi không cần sự giám sát này”, sinh viên Stephanie Cheung nói khi đứng cạnh những người biểu tình khác đang phá ống kính của camera vòm tại một nhà ga tàu điện ngầm. “Hong Kong đang từng bước đi trên con đường trở thành Trung Quốc đại lục”, nữ sinh viên 20 tuổi nhận định.

Chính phủ Trung Quốc chi cả tỷ đô-la để phát triển các hệ thống kết nối từ nhận diện khuôn mặt đến theo dõi điện thoại. Trung Quốc cũng tự phát triển các dịch vụ để thay thế Google, Facebook, Twitter… không được phép hoạt động ở đại lục.

WeChat là dịch vụ nhắn tin Trung Quốc rất phổ biến ở đại lục và một số người Hong Kong cũng sử dụng để kết nối với người quen ở đại lục. Tuy nhiên, nhiều người Hong Kong bắt đầu tỏ ra nghi ngờ ứng dụng này.

Nghệ sĩ Gum Cheung (43 tuổi, thường xuyên tới đại lục để làm việc) cho biết, ông mới đây bỏ WeChat sau khi nhận thấy một số tin nhắn ông gửi cho bạn bè không được chuyển đi. “Chúng tôi phải nghĩ cách để giữ liên lạc an toàn. Toàn bộ internet ở Trung Quốc đại lục nằm dưới sự giám sát của chính phủ”, ông nói.

Người biểu tình thường dùng ô để tránh bị cảnh sát quay phim, chụp ảnh. Ảnh: NYT.

Cảnh sát cũng tìm cách chống quay phim, chụp ảnh

Cảnh sát Hong Kong đã bắt người dựa trên sự liên lạc qua mạng của họ. Hồi tháng 6, cảnh sát bắt Ivan Ip, 22 tuổi, quản trị viên của nhóm chat Telegram gồm 20.000 thành viên. Cảnh sát cũng dựa vào các tài khoản mạng xã hội để xác định người tham gia biểu tình.

Người biểu tình kêu gọi cảnh sát công bố video mà họ cho rằng có cảnh cảnh sát lạm dụng bạo lực tại ga tàu điện ngầm Prince Edward hồi tháng 8. Đơn vị vận hành tàu điện ngầm nói rằng, người biểu tình đã phá hỏng camera nên không quay được video.

“Sự xói mòn niềm tin vào chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật cùng sự gia tăng lo ngại về việc giám sát của chính quyền khiến xã hội Hong Kong ngày càng giống xã hội Trung Quốc đại lục”, giáo sư Lokman Tsui công tác tại Trường Đại học Báo chí và Truyền thông ở Hong Kong nhận định.

Nỗi lo về quyền riêng tư khiến cả hai phía nỗ lực duy trì tình trạng ẩn danh trong đời thực. Cảnh sát không còn đeo phù hiệu có tên hoặc số. Người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ. Cả hai bên đang sử dụng các kỹ thuật ngày càng tinh vi để xác định danh tính của nhau trên mạng.

Trên đường phố, cả hai bên dùng mọi biện pháp để chống bị quay phim, chụp ảnh. Người biểu tình chĩa đèn laser vào ống kính camera của cảnh sát, còn cảnh sát theo gắn đèn nhấp nháy vào đồng phục của họ.

“Tất nhiên là chúng tôi lo ngại về camera. Camera có thể ghi lại những gì chúng tôi đã làm. Chúng sẽ được lưu vào hồ sơ. Cảnh sát có thể chờ thờ cơ và ghi điểm bất kỳ khi nào họ muốn. Dù chúng tôi không muốn làm việc cho chính quyền, nhưng nếu các công ty lớn không tuyển dụng chúng tôi thì sao?”, sinh viên Tom Lau nói.

Cảnh sát dùng lựu đạn cay để giải tán đám đông gần trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong. Ảnh: NYT.