Có dấu hiệu vi phạm như phản ánh
Liên quan tới loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” được Tiền Phong điều tra hồi cuối tháng 5/2022, theo nguồn tin riêng, đến nay Vụ Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Hải quan) đã có kết luận kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu (NK) loại xe này tại 4 Cục Hải quan, gồm: Hà Nam Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết vụ việc đang được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an điều tra nên phía Tổng cục không thể cung cấp kết luận.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, không chỉ điều tra các xe biếu tặng NK từ năm 2016-2022, C03 và Công an TPHCM còn yêu cầu một số cục hải quan cung cấp hồ sơ xe nhập từ năm 2015, thậm chí cả năm 2012 với xe tạm nhập cho chuyên gia nước ngoài.
Trong một báo cáo gần nhất gửi Bộ Tài chính và Thủ tướng, Tổng cục Hải quan cho biết, qua kiểm tra giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/9/2021, đoàn kiểm tra ghi nhận 4 cục trên cấp 1.025 giấy phép NK ô tô biếu tặng, trong đó 1.024 xe đã nhập về Việt Nam (1 xe tái xuất).
“Kết quả kiểm tra cho thấy có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước NK ô tô biếu tặng như: một người đại diện pháp luật nhiều công ty để được cấp nhiều giấy phép NK ô tô; một số công ty ở nước ngoài biếu tặng nhiều xe cho các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam; một số DN Việt Nam được cấp giấy phép NK ô tô có cùng địa chỉ trụ sở; một số DN đã được các cục hải quan cấp giấy phép NK ô tô trước đây nhưng tại thời điểm kiểm tra không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, người nộp thuế tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn…”, báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu.
Trước đó Tiền Phong đã điều tra, chỉ rõ những dấu hiệu này trong loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng”.
Trong nội dung gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trả lời cử tri thành phố này về quản lý thuế đối với xe biếu tặng sau phản ánh của Tiền Phong ngày 21/9/ 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thống kê từ năm 2012 đến 31/5/2022, tổng số tiền thuế kê khai (của người khai hải quan) đạt 9.476 tỷ đồng.
Sau đó, Hải quan đã xác định lại trị giá, ấn định số thuế phải nộp lên tới 14.403 tỷ đồng (chênh lệch tăng thêm 4.927 tỷ đồng). Bộ Tài chính nói rằng, số tiền này “được thu đủ trước khi thông quan hàng hóa (!?)”.
Các bộ đùn đẩy quyền cấp phép
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 27/7/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 143, quy định thủ tục hải quan và quản lý ô tô, xe gắn máy của các đối tượng, được phép NK, tạm NK, không nhằm mục đích thương mại (trong đó có xe biếu tặng).
Thông tư 45 đã bãi bỏ quy định giới hạn số lượng xe mỗi tổ chức, cá nhân được nhập trong năm là 1 ô tô và 1 xe gắn máy do nước ngoài biếu, tặng (của Thông tư 143).
Thay vào đó, “chính sách quản lý ô tô, xe gắn máy NK, tạm NK theo hình thức quà biếu, tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển, thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng”. Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ theo các quy định, việc xây dựng, ban hành chính sách quản lý xe biếu tặng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành chính sách quản lý ô tô biếu tặng. Thông tư 45 có hiệu lực từ ngày 10/9/2022.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, một báo cáo khác gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 năm (2016-2021) và 5 tháng đầu năm 2022, các Cục Hải quan đã cấp phép NK xe dưới 9 chỗ ngồi theo loại hình quà biếu, tặng với số lượng 3.837 chiếc. Tổng số tiền thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng) theo kê khai của người khai hải quan là 8.874 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía Hải quan đã xác định lại trị giá, ấn định số thuế phải nộp lên tới 13.317 tỷ đồng (chênh lệch tăng thêm 4.443 tỷ đồng).
Bộ Công Thương cho biết, đã có công văn gửi Bộ Tài chính từ ngày 29/7/2022, khi góp ý dự thảo Báo cáo Thủ tướng và dự thảo sửa đổi Thông tư 143 của Bộ Tài chính. Bộ Công Thương cho rằng, hàng hóa là tài sản di chuyển, hành lý cá nhân, hàng hóa phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng (Nghị định 69/2018).
Bộ Công Thương dẫn chứng, theo Luật Quản lý ngoại thương và Luật Thương mại, bộ này là cơ quan đầu mối, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời. Bộ Công Thương không được giao nhiệm vụ quản lý các hoạt động NK, tạm NK ô tô không nhằm mục đích thương mại. Các quy định liên quan đến NK ô tô không nhằm mục đích thương mại từ trước đến nay đều do Bộ Tài chính hướng dẫn, hoặc chủ trì trình Thủ tướng.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì xây dựng các biện pháp quản lý, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hải quan để quản lý chặt chẽ hơn xe biếu tặng.
Ngày 7/10/2022, Bộ Công Thương có văn bản nói rõ, việc Bộ Tài chính đơn phương sửa đổi Thông tư 143 đã tạo ra khoảng trống pháp lý về quản lý xe biếu tặng. Vì vậy, bộ này đề nghị Tổng cục Hải quan liên hệ với Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
Trong các phản hồi gửi Bộ Công Thương và báo cáo Thủ tướng trước đây, Bộ Tài chính đều khẳng định, tại thời điểm 2015, đơn vị này ban hành Thông tư 143 trên cơ sở, căn cứ pháp lý tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với thẩm quyền (Thông tư được ban hành trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật Quản lý ngoại thương 2017 có hiệu lực). Thực tế, trên cơ sở thông tư này, các Cục Hải quan đã cấp phép NK ồ ạt xe biếu tặng và diễn ra những dấu hiệu trục lợi như Tiền Phong phản ánh.