> Bệnh viêm não vào mùa
> Trẻ mắc bệnh nhiều hơn do giao mùa
Theo thống kê cho thấy có trên 90% viêm hô hấp ở trẻ em khởi đầu là do virus, sau đó một số trường hợp có thể có bội nhiễm vi khuẩn. Sốt trong các bệnh nhiễm trùng do virus thường sốt rất cao (trên 39oC, có khi lên tới trên 40oC) trong khi đó nếu dùng thuốc hạ nhiệt loại thông dụng (ví dụ paracetamol) khó làm cho thân nhiệt giảm xuống.
Vì vậy, ở trẻ em khi bị bệnh nhiễm trùng do virus gây sốt cao rất dễ gây co giật, đây là một điều cần được lưu ý đối với các bậc phụ huynh, cô nuôi dạy trẻ, người giúp việc.
Sốt là biểu hiện ban đầu của một bệnh nào đó do phản ứng của cơ thể, sau một thời gian nhất định (vài ba giờ hay vài ba ngày) sẽ xuất hiện các triệu chứng khác tuỳ theo từng loại bệnh, ví dụ như viêm não Nhật Bản B, thủy đậu, sởi, sốt xuất huyết Dengue, quai bị, Rubeol, mỗi loại bệnh, ngoài sốt còn có các triệu chứng khác nhau.
Khi biết trẻ sốt do virus thì không bao giờ dùng kháng sinh (trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn) bởi vì kháng sinh không có tác dụng diệt virus.
Khi trẻ bị sốt nếu chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh ngay được thì việc xử lý hạ sốt cho trẻ là điều cần được quan tâm hàng đầu (bất kể do nguyên nhân gì) đề phòng trẻ bị co giật, đặc biệt là trẻ dưới 36 tháng.
Cách làm thoát nhiệt hiệu quả là dùng khăn nhúng vào nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 2 độ) lau ở trán, nách, bẹn cho trẻ (không được dùng nước đá hay nước lạnh quá). Cởi bớt áo và mặc quần, áo, quấn tã lót mỏng, cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát (không nên cho trẻ nằm phòng có máy lạnh hoặc cho quạt xoáy vào người trẻ).
Nếu lau mát mà trẻ vẫn sốt trên 38oC thì nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt hậu môn (loại viên đạn) và không được dùng quá 10mg cho một cân nặng của trẻ, sau mỗi 6 giờ nếu trẻ sốt cao trở lại thì dùng tiếp. Nếu trẻ còn bú mẹ thì tăng số lần cho bú và tăng thời gian cho trẻ bú. Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu. Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do trẻ bị sốt cao gây mất nước và chất điện giải. Loại nước cho trẻ uống tốt nhất là dung dịch 0rêzol (ORS). Nếu không có 0rêzol thì có thể pha dung dịch gồm đường mía và muối ăn (cứ 1 lít nước đã đun sôi, để nguội cho vào 2 thìa cà phê đường mía và 8 thìa muối ăn, khuấy đều rồi cho trẻ uống theo liều lượng như vừa nêu ở trên). Ngoài ra nên cho trẻ uống thêm nước ép trái cây (cam, chanh tươi, dưa hấu...).
Tuyệt đối không được truyền dịch tại gia đình hoặc các phòng khám tư nhân không có đầy đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu chống sốc.