Lương cao, trang bị hiện đại, trọng tài vẫn 'bẻ còi'

TP - Nếu tính cả hai trường hợp của trọng tài Kiều Việt Hùng và Nguyễn Quốc Hùng, ít nhất đã có không dưới 5 trọng tài bị Ban trọng tài VFF cho dừng làm nhiệm vụ hoặc chuyển xuống hạng Nhất chỉ sau 7 vòng đấu.

> Trọng tài là người, không phải máy

Chất lượng trọng tài rõ ràng không tăng tỷ lệ thuận với chế độ đãi ngộ cao chót vót ở mùa giải năm nay.

Tăng chế độ cho trọng tài được coi là biện pháp chính VFF đưa ra nhằm giải quyết tình trạng sai sót của các ông vua sân cỏ xảy ra thường xuyên ở mùa giải 2011.

Trước sức ép từ phía dư luận cũng như các CLB, lãnh đạo VFF trong hội nghị tổng kết mùa giải đã phải thừa nhận, có một nhóm trọng tài mafia khống chế cuộc chơi.

Cùng với sự ra đời của VPF, Ban trọng tài cũng được thành lập để thay thế cho Hội đồng Trọng tài quốc gia (HĐTTQG), theo khuyến cáo của FIFA trước đó. Chế độ cho các trọng tài cũng được tăng lên nhiều lần.

Cụ thể ở V.League, trọng tài chính nhận tám triệu đồng/trận, trợ lý là năm triệu đồng/trận. Con số tương ứng ở giải hạng Nhất là năm và ba triệu đồng/trận.

Chưa kể các trọng tài còn nhận thêm tiền ăn uống, di chuyển…Tính ra trung bình một trọng tài làm nhiệm vụ ở V.League, thu nhập có thể lên trên 30 triệu đồng/tháng.

Chưa hết, các trọng tài còn được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ công tác điều hành trận đấu như hệ thống liên lạc nội bộ trong tổ trọng tài với tai nghe, micro.

Nhìn thoáng qua, các trọng tài Việt Nam mùa này chẳng khác gì những trọng tài ở giải Ngoại hạng Anh mà người hâm mộ vẫn thường thấy trên màn hình.

Thậm chí, để lấy bằng chứng cho hành vi lăng mạ trọng tài của cầu thủ trên sân, Ban trọng tài còn lên kế hoạch trang bị máy ghi âm cho họ. Cũng không chờ Ban trọng tài ra tay, một số trọng tài đã tự trang bị cho mình.

Nhưng thực tế qua bảy lượt trận của giải VĐQG và hạng Nhất quốc gia có vẻ như đang diễn ra không như mong muốn của VFF. Gần như ở lượt trận nào cũng diễn ra tình trạng trọng tài mắc sai sót.

Thậm chí, có những sai sót bị ngay người trong Ban trọng tài đánh giá là đến mức “thô thiển”.

Điển hình là tình huống không công nhận bàn thắng của cầu thủ Bebbe (CLB SLNA) trong trận đấu của đội này với V.Hải Phòng trên sân Lạch Tray cuối tuần qua.

Pha ghi bàn hợp lệ của Bebbe đã bị trợ lý trọng tài Mạnh Hà phất cờ từ chối vì cho rằng, bóng đã lượn ra ngoài đường biên ngang, cứu cho chủ nhà một trận thua trông thấy bởi sau đó trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2. Thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng ra về, bụng tức anh ách.

Sau khi phân tích băng ghi hình, Ban trọng tài xác định trợ lý Đỗ Mạnh Hà đã quyết định sai trong tình huống trên. Ông Hà bị phạt đình chỉ làm nhiệm vụ sáu trận, bắt đầu từ lượt đấu thứ tám diễn ra cuối tuần này.

Ngoài trọng tài Đỗ Mạnh Hà, cũng do mắc sai sót ở lượt trận thứ bảy, một số trọng tài khác cũng bị đình chỉ làm nhiệm vụ.

Trong đó, trọng tài Nguyễn Trung Kiên bị dừng làm nhiệm vụ một trận, chuyển xuống giải Hạng Nhất sau khi mắc sai sót khi điều khiển trận Sài Gòn FC-K.Khánh Hòa.

Một trọng tài khác là Nguyễn Văn Đông, do tưởng tượng nên quả phạt đền cho The Vissai Ninh Bình ở trận gặp Hà Nội T&T cũng bị phạt treo còi hai trận.

Nếu tính cả trường hợp hai trọng tài Kiều Việt Hùng, Nguyễn Quốc Hùng ở Cúp Quốc gia cùng trọng tài Bùi Quang Thông (bị dừng làm nhiệm vụ để kiểm tra án phạt năm 2001), Ban trọng tài đã treo còi ít nhất năm trọng tài, tính từ đầu giải tới nay.

Trao đổi với Tiền Phong về công tác trọng tài sau những lượt trận đầu tiên, Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm cho rằng, về cơ bản các trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các sai sót chủ yếu xuất phát từ vấn đề chuyên môn, không phải tư tưởng.

Không hiểu ông Lâm có sốt ruột không, chứ với đà này thì khi giải đấu chưa kết thúc, Ban trọng tài có lẽ phải đôn thêm trọng tài mới để có người làm nhiệm vụ ở V.League. Tăng lương, tăng thưởng, hiện đại hóa trang thiết bị nhưng trọng tài vẫn sai. Thế mới…tài.

Theo Báo giấy