Lực sĩ Lý Đức ‘teo’ 16 kg

Thể thao VN khoảng trên dưới hai thập niên trước đã sản sinh ra một thế hệ tài năng chinh phục những đỉnh cao khu vực và thế giới. Những ngôi sao ngày ấy bây giờ ra sao?

Lực sĩ Lý Đức ‘teo’ 16 kg

> Hà Nội T&T “xương” hơn Hải Phòng?

> VN dự giải vô địch đấu kiếm trẻ Đông Nam Á

 

Thể thao VN khoảng trên dưới hai thập niên trước đã sản sinh ra một thế hệ tài năng chinh phục những đỉnh cao khu vực và thế giới. Những ngôi sao ngày ấy bây giờ ra sao?

Lý Đức một thời huy hoàng... .
 

Với nụ cười rất tươi, chàng “kiến càng” của thể hình VN ngày nào giờ đây sụt mất 16 kg và tự nhận mình là người đàn ông hạnh phúc.

Những ngày tháng chạp của năm con rồng mọi thứ đều trở nên vội vã. Nhưng ở Trung tâm huấn luyện thể thao Phú Thọ, các vận động viên (VĐV) đội tuyển thể hình TP.HCM vẫn cần mẫn luyện tập dưới sự dìu dắt của thầy Lý Đức.

Quả thật, nếu không chứng kiến những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi tại đây thì cũng khó mà hiểu được hết niềm đam mê “những khối sắt nặng trịch” của người đàn ông sắp đến ngũ tuần này.

Hai thập niên “nhai rồi nuốt”

Không còn là chàng trai vạm vỡ ngày nào, Lý Đức đã thon gọn hơn vì sụt 16 kg so với lúc còn thi đấu. Hỏi anh có còn tập luyện để duy trì vóc dáng không, chàng lực sĩ vàng của thể thao VN nói: “Ít lắm, thỉnh thoảng tập cho khỏe thôi, chứ bây giờ nhấc tạ lên là đau vai, với lại lu bu công việc quá, không còn thời gian dành cho mình”.

Lý Đức nói rằng có thể do trước đây tập quá nhiều, cơ thể bị quá tải nên bây giờ cứ nhấc tạ là đau vai rồi đau khớp gối, nhưng chưa thu xếp được thời gian để đi kiểm tra.

và bây giờ. Ảnh: Khả Hòa
 

Giã từ nghiệp VĐV, Lý Đức nói vui rằng cái anh cảm nhận được đó là được ăn ngon. Nghĩ lại hồi đó, bữa ăn nào cũng nhai, rồi nuốt 2 kg thịt gà, 15 cái lòng trắng trứng gà, rồi sữa, rồi bột dinh dưỡng... và đặc biệt là hạn chế ăn mặn khiến anh cũng cảm thấy khâm phục mình, bởi đã ăn liên tục những món đó suốt hơn 20 năm trời.

Bây giờ các học trò của anh cũng than ngắn thở dài bởi cái khó nhất cản trở người ta dấn thân vào môn thể hình chính là chế độ ăn uống. Nhiều VĐV không tài nào ăn nổi, phải nghĩ ra cách cho tất cả thịt, trứng, sữa, rau quả... vào xay cho nhuyễn rồi nhắm mắt uống một hơi cho xong bữa.

Nhưng chính nhờ kiên trì trong ăn uống và quyết tâm chơi đến cùng nên “lực sĩ vàng” của thể thao VN trở thành người đàn ông khỏe - đẹp của VN và làm rạng danh thể thao nước nhà với những tấm huy chương vàng quý giá của châu lục và khu vực Đông Nam Á.

Làm công tác huấn luyện, Lý Đức luôn tận tâm với học trò của mình. Nhưng bài toán mà anh vẫn chưa tìm được lời giải là rất khó để tìm được người dám dấn thân vì thể hình, bởi ai cũng ngại chơi chuyên nghiệp ở môn thể thao quá cực khổ như thế này.

“Khi tìm được người phù hợp, chúng tôi hết lời thuyết phục họ cùng gia đình, nhưng khó lắm. Đa số chỉ tập để cho khỏe chứ ít người dám dấn thân, bởi chế độ ăn uống và tập luyện vất vả quá. Có người đồng ý, tập được vài tháng rồi bỏ, chính vì thế tìm được VĐV dám chơi chuyên nghiệp như hái sao trên trời”, Lý Đức chia sẻ.

Vì quá khó trong việc thuyết phục VĐV nên TP.HCM - một đơn vị mạnh của thể hình cả nước - cũng chỉ duy trì được 6 VĐV tập luyện thường xuyên.

“Bác sĩ” chữa thần kinh tọa

Trước khi giã từ nghiệp VĐV vào năm 2006, Lý Đức đã chuẩn bị tương lai cho mình khi đầu tư mở CLB thể hình mang tên anh khá hoành tráng ở địa chỉ 117A Nguyễn Tất Thành, quận 4.

Tên tuổi của anh, cộng với cách làm chu đáo, chịu khó đầu tư mới trang thiết bị, tận tình chỉ dạy học viên... đã giúp gia đình anh sống được nhờ nguồn thu nhập từ CLB.

Không dừng lại ở đó, Lý Đức bảo rằng anh rất vui khi CLB không chỉ giúp học viên khỏe đẹp mà còn kết hợp chữa bệnh cho những người bị thần kinh tọa. Thời VĐV, anh đã tích lũy kinh nghiệm khi thường xuyên tham gia các lớp học và hướng dẫn của những giáo sư đầu ngành có uy tín trong việc kết hợp giữa tập thể hình và chữa bệnh.

Nắm vững các phương pháp trong hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh tọa, cũng như hồi phục chấn thương khớp gối nên CLB của anh thường có những bệnh nhân tới tập luyện với mục đích chữa bệnh.

Lý Đức cho biết có bệnh nhân ở tận Nhà Bè đau thần kinh tọa phải tiêm thuốc đi không được, nhưng khi tập luyện 3 tháng dưới sự hướng dẫn của anh đã khỏe ra, có thể đi lại và không cần đến thuốc, nên anh luôn cảm thấy mình hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó cho cộng đồng.

Giã từ nghiệp VĐV, Lý Đức nói “tưởng rảnh được đôi chút” nhưng lại xoay như chong chóng suốt cả ngày. Buổi sáng sau khi đưa con đi học, anh tạt ngang CLB của mình rồi lên Trung tâm huấn luyện Phú Thọ suốt cả ngày. Chiều về lại đón con, rồi ăn tối và kiểm tra bài vở cho con vì vợ anh bận quản lý CLB đến 10 giờ tối mới về nhà.

Nhưng Lý Đức “khoe” anh rất hạnh phúc bởi hai con là Lý Phát (14 tuổi) và Lý Mỹ Anh (10 tuổi) đều chăm ngoan, học khá giỏi và tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và xã hội của trường.

Bản tính vốn nghiêm khắc và điềm đạm nên anh cũng “nắn” các con từng ly từng tí, đặc biệt dù các nhóc rất mê games, nhưng mỗi tuần chỉ được chơi 4 giờ vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật.

Bây giờ khi đã ổn định và không còn nhiều vướng bận, Lý Đức vẫn “nói không” với thuốc lá và chỉ lai rai vài ly cho vui trong đám tiệc, chứ tuyệt nhiên không lạm dụng bia rượu, bởi với anh sức khỏe vẫn là vốn quý nhất của đời người.

Theo Quang Huy
Thanh Niên

Theo Đăng lại