> Không xem xét đơn tố cáo nặc danh
Bồi thường quá ít, do khó áp dụng
Theo số liệu thống kê của Cục BTNN (Bộ Tư pháp), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước có hiệu lực (ngày 1-1-2010) đến ngày 30-9-2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó có 54 vụ việc thuộc lĩnh vực quản lý hành chính; 90 vụ việc thuộc hoạt động tố tụng, và 24 vụ việc thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự.
Các cơ quan đã giải quyết được 122/168 vụ việc, tổng số tiền đã chi trả là hơn 16 tỷ đồng.
Trong các vụ việc đã giải quyết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức đối với 4 vụ.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) - cho biết, các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính chủ yếu phát sinh ở các địa phương, chưa phát sinh ở các Bộ, ngành trung ương.
Hiện có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phát sinh vụ việc yêu cầu BTNN. “Nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, nhưng vụ việc chưa được chính thức giải quyết yêu cầu bồi thường vì đang trong quá trình xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”.
Ông Tịnh khẳng định đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ở các Bộ, ngành và một số địa phương qua 3 năm triển khai thi hành Luật mà vẫn chưa có trường hợp yêu cầu BTNN nào.
Qua một số vụ việc đang được giải quyết trên địa bàn Hà Nội, bà Tống Thị Thanh Lam (Sở Tư pháp Hà Nội) nhận xét thủ tục giải quyết bồi thường vẫn còn rất phức tạp, khó thực hiện, vì người bị thiệt hại phải thu thập hồ sơ, chứng cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Còn ông Nguyễn Duy Giảng (Viện KSNDTC) cho rằng, do nhận thức còn hạn chế về quyền yêu cầu bồi thường, nên nhiều trường hợp hết thời hạn quy định mà người yêu cầu không bổ sung được đầy đủ thủ tục, hoặc đã hết thời hiệu yêu cầu mới gửi đơn yêu cầu bồi thường.
Cần quy định cụ thể cách tính thiệt hại
“Cần quy định cụ thể cách tính thiệt hại vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần đối với các trường hợp người bị oan là chủ doanh nghiệp, người hành nghề tự do, buôn bán nhỏ lẻ, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thương lượng bồi thường”- ý kiến của ông Nguyễn Duy Giảng.
Ông Giảng cũng kiến nghị cần quy định rõ người bị thiệt hại nhưng không bị tạm giam, tạm giữ mà chết hoặc tổn hại sức khoẻ thì có được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần hay không, nguyên nhân chết hoặc tổn hại sức khoẻ nào thì được bồi thường.
Cũng theo ông Giảng, nên quy định việc xác định mức độ lỗi của từng cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng, để quy trách nhiệm bồi thường cho từng cơ quan.
Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong từng giai đoạn của hoạt động tố tụng, giảm bớt các vụ việc oan sai.
Để tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, Cục trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Cụ thể, cần quy định về thời hiệu yêu cầu BTNN theo nguyên tắc áp dụng quy định chung của pháp luật dân sự.
Quy định việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ theo hướng giao nhiệm vụ này cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và các cơ quan có thẩm quyền khác.