Trở lại bài thuốc dân gian này trước hết cần hiểu nguyên nhân của ho là do phế, tức hệ hô hấp, có vấn đề. Vì thế khi ho cơ thể người ta thường bị phản ứng dây chuyền. Cụ thể là tức ngực, do phổi bị co thắt; mũi hay bị chảy nước, hoặc bị nghẹt, gây khó thở; cuống họng bị rát do phế quản bị tổn thương. Khi ho có người còn bị tiêu chảy. Ấy là do đại tràng và phổi có liên quan với nhau; Y học cổ truyền (YHCT) gọi là quan hệ tạng (phế) phủ (đại tràng).
Đại tràng (ruột già) của con heo chính là cái “núm đuôi”, gọi theo phương ngữ vùng Huế. Có những vùng người ta gọi là “cuống đuôi”, vì nó gắn liền với hậu môn, hậu môn thì gắn liền với đuôi. Để chỉ “đích danh” núm đuôi còn có từ chính xác hơn là trực tràng, đoạn ruột già đi thẳng xuống và gắn liền với hậu môn là bộ phận của con heo có công hiệu nhất khi được lựa chọn đưa vào bài thuốc dân gian chữa bệnh ho. Đại tràng có quan hệ với hệ hô hấp nên giữa nó và phổi có sự tương trợ lẫn nhau. Phổi có chức năng thải khí độc, đại tràng thải chất độc ra ngoài theo đường tiêu hoá.
Thành phần chủ lực của bài thuốc là nghệ và hẹ thì khá dễ hiểu. Hẹ thường được dùng để nấu canh, kho cá nên nhiều người nghĩ đó là một loại phụ gia, tạo mùi thơm cho nồi canh, khử mùi tanh của cá. Thực ra hẹ là một loại kháng sinh thực vật do có hàm lượng tinh dầu lớn. Có nhiều bài thuốc hay từ hẹ như trị chứng chảy máu mũi bằng cách vò nát lá, cùng rễ hành, nhét vào mũi; hoặc ép lấy nước nhỏ vào tai khi bị con mò chui vào, tức khắc nó sẽ phải bò ra; làm giảm đau trĩ khi bị viêm bằng cách lấy hẹ sắc nước rửa vết thương.
Nghệ có tác dụng làm tan đàn, tan nhớt, tan mỡ, làm lành vết thương ở phổi, ở phế quản (sưng, viêm) do ho kéo dài gây ra. Theo bác sĩ Bùi Minh Đức, dùng kháng sinh nhiều ngày có thể tiêu diệt hết vi trùng, nhưng niêm mạc che chở phế quản chưa được lành nên vẫn còn bị kích thích; và theo phản xạ của dây thần kinh Vagus (dây X) người bệnh vẫn phải gập mình xuống để ho. Càng ho càng cố khạc đàm lại càng dễ kích thích niêm mạc. Đó là cái vòng luẩn quẩn cần phải ngắt ra để làm gián đoạn. Muốn niêm mạc chóng lành phải nhờ đến công dụng của nghệ.
Lại có người thắc mắc tại sao không dùng đơn chất, nhị chất chủ lực (hẹ và nghệ) mà phải có thêm cái núm đuôi heo và bún? Tôi lại cậy nhờ các vị lương y tư vấn thêm. Đó chính là nguyên tắc của nghệ thuật ẩm thực Huế, là lối ăn khoa học, ăn đa vị mà tôi đã có dịp trình bày trong bài “Ngon và lành, món ăn Huế và liệu pháp”. Nghệ màu vàng, chất cay, thuộc kim; hẹ, màu xanh, thuộc mộc; đại tràng con heo, đi xuống phía dưới cơ thể, thuộc thuỷ; bún làm từ gạo, thuộc thổ. Khi xào nấu có yếu tố lửa, là hoả. Đó là khoa học, là nguyên lý của thuyết âm dương ngũ hành ứng dụng vào nghệ thuật ẩm thực để món ăn trở thành thuốc chữa bệnh. Có đủ âm dương ngũ hành trong dĩa lòng xào nghệ nên nó mới thâm nhập vào ngũ tạng một cách tự nhiên.
Cũng theo YHCT, chất cay nhập vào phế, có công dụng trị ho. Trong món lòng xào nghệ, để ăn ngon hơn còn có thêm vị cay của ớt, của tiêu. Các vị cay từ dĩa lòng xào nghệ nhập vào phế giúp phổi bài tiết tốt các độc tố qua đường hô hấp. Điều này giúp ta hiểu vì sao sau khi ăn nhiều tỏi, dù đã súc miệng, đánh răng rất kỹ nhưng vẫn không hết mùi. Đó là do mùi tỏi toả ra từ phổi theo đường hô hấp. Giống như uống nhiều rượu sẽ thở ra rượu. Uống rượu say nói nhiều, người la hét to thì mau giã rượu hơn là người nằm li bì. Dân nhậu tập thể, sau cuộc nhậu thường rủ nhau đi hát karaoke là có lý, hát càng to rượu bay hơi ra càng nhanh.
Xin nói thêm, các khảo cứu của y học hiện đại đã chỉ rõ tác dụng trị liệu khá nhiều chứng bệnh của nghệ. Ở Việt Nam từ lâu đời người dân đã biết dùng nghệ để bôi vào vết thương cho mau lành và mau ra da non. Biết ăn bột nghệ (với mật ong) để chữa viêm loét dạ dày. Các cô gái trẻ biết xoa nghệ sau khi nắn mụn để bảo vệ da mặt. v.v… Trong cuộc sống hàng ngày người nội trợ biết sử dụng nghệ làm phụ gia để chế biến món ăn ngon.
Ví dụ như khi kho nấu các loại cá da trơn người nội trợ Huế thường sử dụng nhiều nghệ để phân huỷ chất đàm, chất nhờn, làm mất mùi tanh. Nếu không thì chất nhờn từ cá khi ăn vào sẽ sinh đàm, gây bệnh. Các món ăn nấu đúng theo lối Huế có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh là nhờ biết vận dụng cả thuyết âm dương ngũ hành, biết làm cân bằng hàn và nhiệt, âm và dương, biết dùng phụ gia để xử lý các món ăn tương khắc tương sinh theo nguyên lý của YHCT. Khi nói về món ăn của mình người Huế có từ dùng rất hay: ăn nên thuốc.
Thanh Tùng Tri Thức Trẻ