Lởn vởn bóng ma doping ở Sea Games 26

Người Indonesia hình như đang chơi thuốc thì phải. Thuốc ở đây, tức là những kiểu chất kích thích để giúp gia tăng thành tích trong thi đấu.

Vẻ mặt của VĐV Agus Prayogo (Indonesia) không hề biến sắc, hơi thở không hề gấp gáp như nhiều đồng nghiệp khác khi vượt qua vạch đích. Thậm chí, Agus còn dành thời gian để… biểu diễn trên đường chạy (chạy lùi khi cách đích chừng 100m)!?

Nguyễn Thị Phương nức nở sau khi để vuột chiếc HCV nội dung 3.000m chướng ngại vật. Đối thủ Rini Budiarti (Indonesia) thắng cô trên đường đua cũng chính là người thua Phương rất xa về thành tích ở giải vô địch châu Á năm nay.

Phương thừa nhận, cô hoàn toàn bất ngờ trước sự tiến bộ về thể lực của Rini. Chính xác là Phương không thể tưởng tượng nổi chỉ sau hơn 2 tháng, đã xuất hiện một Rini khác hoàn toàn, rất giàu thể lực và không hề mệt mỏi khi lao về đích.

Riduan ở cự ly 1.500m nam, Unani Sefari Anelis ở cự ly 100m nữ… đều là VĐV của nước chủ nhà Indonesia, dĩ nhiên, tất cả đều trở thành nỗi ám ảnh thực sự đối với VĐV trong khu vực Đông Nam Á.

Thi đấu xong, cầm HCV trong tay, họ tót thẳng lên xe về lại làng VĐV, trong khi các VĐV đoạt huy chương màu khác phải vào phòng thử doping có khi đến nửa đêm mới được về.

Điều đó rất dễ tạo thành kẽ hở cho công tác kiểm soát doping. Các bác sĩ Indonesia kiểm tra VĐV Indonesia liệu có công bằng? Dĩ nhiên là không rồi.Thành ra, nghi thì cứ nghi nhưng trước cách bố trí và sắp xếp đối tượng tham gia của Ban tổ chức SEA Games, hầu hết đều lắc đầu cho qua.

Màn trình diễn của điền kinh Indonesia gây sốc thực sự cho tất cả các quốc gia khác trong khu vực. Có vẻ như, đang có điều gì đó rất bí ẩn đằng sau sự thành công đáng sợ của các VĐV xứ vạn đảo. Họ dùng chất kích thích chăng? Không thể xác định được, vả lại, làm gì có bằng chứng!

Thực ra thì, khi đã trở thành chủ nhà của một kỳ SEA Games, Indonesia hoặc bất kỳ nước nào khác cũng đều muốn thể hiện mình, thể hiện cái khát vọng đứng đầu “hội làng”. Nếu không đoạt được ngôi số 1 khu vực, coi như nước chủ nhà thất bại cả về mặt hình ảnh lẫn thành tích.

Có gì phải cố để đứng nhất khu vực nhỉ? Cũng chẳng thể hiểu nổi. Quốc gia nào đăng cai SEA Games cũng đều như thế cả, không ngoại trừ Việt Nam. Lại nhắc đến Việt Nam.

Hồi năm 2003, khi SEA Games 22 diễn ra ở Hà Nội, TPHCM cùng vài tỉnh lân cận, đã có lời ong, tiếng ve về vấn đề doping ở môn điền kinh. Năm đó, điền kinh Việt Nam thắng lớn, lần đầu tiên đoạt được đến 8 chiếc HCV - một thành tích vô tiền khoáng hậu.

Người ta có quyền nghi ngờ về nước chủ nhà Indonesia ở SEA Games năm nay. Sự đột biến về thành tích của nhiều VĐV nước này buộc người khác phải ngờ vực. Thế nhưng, có lẽ chỉ dừng ở mức ấy thôi, còn để truy cho đến cùng thì khó, dễ phá vỡ cái “nguyên tắc bất thành văn” trong Hội đồng thể thao khu vực.

Theo SGGP

Theo Đăng lại