Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm
Bốn ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank) triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường 1,5-2%/năm để phát triển nhà ở xã hội bắt đầu từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, đến nay, việc giải ngân chậm không như kỳ vọng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên nhân chính là nhiều dự án vướng mắc về pháp lý.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện có UBND 9 tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia gói vay này tới NHNN với 23 dự án và UBND 1 tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án. Tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng.
Đến ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với mức tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank đồng ý cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Đồng thời, các ngân hàng thương mại hiện nay đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay trong số 108 dự án, có 40 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được 15 sở xây dựng địa phương lập danh mục trình UBND cấp tỉnh công bố. Tổng mức đầu tư của 40 dự án khoảng 43.707 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn ưu đãi khoảng 18.010 tỷ đồng. Có 11 tỉnh, thành đã công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư khoảng 31.673 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn ưu đãi khoảng 12.442 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đình Quân, Giám đốc Kinh doanh 2 dự án nhà ở xã hội Evergreen tại Bắc Giang và Hải Phòng chia sẻ, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay 11-13%/năm; lãi suất ưu đãi gói 120.000 tỷ đồng chỉ từ 8,7%/năm cho chủ đầu tư. Đây là động lực lớn cho doanh nghiệp triển khai xây dựng. Thế nhưng, ông Quân cho rằng, tại dự án nhà ở xã hội Bắc Giang, bản thân doanh nghiệp “lúng túng” trong việc tiếp cận gói vay, vì ngân hàng mới dừng ở tiếp nhận thông tin và chưa có hướng dẫn cụ thể. Còn với dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, ông Quân chia sẻ, phía ngân hàng đồng ý giải ngân cho khách hàng nhưng có thêm điều kiện gây khó cho chủ đầu tư. Theo đó, ngân hàng thông báo sẽ giữ khoản giải ngân cho chủ đầu tư (tại ngân hàng và giữ lại trong vòng 5 năm).
“Họ cho rằng, theo quy định 5 năm người dân mới được quyền chuyển nhượng dự án nên giữ lại thời gian đó. Điều này hết sức vô lý vì như vậy, chủ đầu tư sẽ không có tiền trả cho nhà thầu và các chi phí xây dựng khác cho dự án”, ông Quân nói.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng ban tín dụng Agribank cho hay, hiện ngân hàng tiếp cận 20 dự án theo gói 120.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ưu đãi 8,7%/năm cho chủ đầu tư và 8,2%/năm cho người mua nhà. Sáu tháng, ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay một lần và với lãi suất đang giảm như hiện nay, gói vay này sẽ có xu hướng giảm hơn nữa. Tuy nhiên, hiện tại, ngân hàng đang thiếu dự án để cho vay.
Gặp khó vì điều kiện
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện tại, các nhà máy chế biến của doanh nghiệp rất khó khăn. Sản phẩm vừa không có đầu ra, vừa bị tắc dòng vốn, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc doanh nghiệp phải giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá sản phẩm đến 50% nhưng càng giảm nhà nhập khẩu càng sợ.
Vừa qua, NHNN triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được. Bởi, theo ông Quang, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu khó khăn, doanh thu của doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh. Trước đây, mỗi năm doanh nghiệp quay vòng vốn được khoảng 3-4 lần. Nhưng hiện tại, hàng hóa tiêu thụ chậm, lượng tồn kho tăng trong khi doanh nghiệp vẫn phải dành tiền thu mua thủy sản của bà con.
“Việc vòng quay vốn chậm và doanh thu suy giảm khiến ngân hàng e dè hơn trong cho vay, cũng như giảm mạnh định mức vay của doanh nghiệp. Đặc biệt, từ trước tới nay doanh nghiệp thủy sản, hay ngành nông nghiệp đều được xếp vào nhóm ngành rủi ro cao nên ngân hàng không dám cho vay. Ngay cả vùng nuôi của Minh Phú, tập đoàn bảo lãnh ngân hàng cũng không vay được. Người nuôi tôm đang điêu đứng vì không có đầu ra”, ông Quang nói.
Ông Tô Đăng Trung, Giám đốc Cty TNHH Cung Việt (Bình Dương) cho biết, hiện các doanh nghiệp gỗ rất khó để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Dù NHNN liên tục thông báo các chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trên thực tế doanh nghiệp vay phải cần nhiều điều kiện, thủ tục chồng chéo, nhiêu khê.
Do đó, Cty TNHH Cung Việt đã chọn thuê mua tài chính, thay vì vay ngân hàng dù phải chịu lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, khi cần đầu tư một gói máy móc khoảng 10 tỷ đồng, hình thức thuê mua tài chính sẽ cho vay 70% và thế chấp ngay bằng chiếc máy đó. Tuy nhiên, với ngân hàng thì không có, muốn vay doanh nghiệp phải thế chấp bằng nhà đất.
Điều đáng nói, khi ngành gỗ ở thời kỳ hưng thịnh, các thủ tục vay vốn tại ngân hàng dễ dàng hơn nhiều, doanh nghiệp có thể thế chấp để vay bằng chính đơn hàng của mình. Nhưng khi rơi vào khó khăn, phía ngân hàng lại trừ ra.
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho biết: “Vừa rồi NHNN triển khai hỗ trợ lãi suất cho lâm thủy sản, chính sách này đúng và trúng nhưng chúng ta cần phải làm mạnh hơn. Quý 1 không có lợi nhuận, doanh nghiệp không có nhu cầu vay khi đơn hàng không có nên vấn đề hỗ trợ lãi suất, giảm thuế phí cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Cần tiếp cận theo nhóm ngành, phân loại mục tiêu triển khai thay vì chỉ nói giảm lãi suất triển khai chung chung”.