Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng nghiên cứu về cách loài rắn tồn tại trên cao nguyên Tây Tạng một ngày kia sẽ giúp con người sinh tồn tốt hơn khu vực có độ cao đáng kể.
Cụ thể, nghiên cứu phát hiện loài rắn tồn tại ở Tây Tạng có bộ gene đột biến di truyền giống hệt con người sống ở độ cao khắc nghiệt. Điều này cho phép tế bào máu mang theo nhiều oxy nuôi cơ thể hơn.
“Đây là cơ chế giúp động vật, bao gồm cả máu nóng lẫn máu lạnh thích nghi trong điều kiện khắc nhiệt. Điều này có thể giúp con người sinh tồn tốt hơn, tránh bị mắc chứng sốc độ cao”, Li Jiatang, nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Trung Quốc nói.
Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh động vật máu lạnh cũng biết thay đổi để thích khi với điều kiện sống khắc nghiệt trên “nóc nhà của thế giới”, theo SCMP. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Mỹ.
Loài rắn mà các nhà khoa học Trung Quốc lựa chọn nghiên cứu là loài bò sát chuyên sống ở độ cao 3.500-4.400 mét trên cao nguyên Tây Tạng.
Nghiên cứ u chỉ ra rằng, loài rắn này đã trải qua quá trinh đột biến gene EPAS1 để thích nghi với tia cực tím và nồng độ oxy thấp. Gene EPAS1 cũng được tìm thấy trong con người hiện đại và những người sống ở độ cao khắc nghiệt cũng trải qua quá trình thích nghi tương tự.
Kết hợp các kết quả nghiên cứu, ông Li và nhóm của mình tin rằng, loại gene này giúp tế bào máu mang theo nhiều oxy nuôi cơ thể hơn.
Chứng bệnh sốc độ cao mà con người mắc phải bao gồm đau đầu, buồn nôn, tổn thương vĩnh viễn ở não và phổi hay thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nhóm của ông Li hy vọng sẽ tìm ra phương thuốc chữa chứng bệnh sốc độ cao để con người có thể dễ dàng sống ở những nơi cao nhất trên thế giới, như cao nguyên Tây Tạng hay dãy Andes ở Nam Mỹ.