Tuần qua, trên thị trường tự do, tỷ giá tăng mạnh quanh mức 130 đồng, tương đương mức tăng 0,43%; đưa tỷ giá lên mức 23.335 đồng/USD. Tỷ giá liên ngân hàng cũng tăng mạnh 92 đồng, lên mức 23.281 đồng/USD.
Những lo ngại về lạm phát tăng tốc do giá xăng và giá điện cùng tăng mạnh trong tháng 4 đã góp phần gây áp lực lên tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY Index) tăng 1,57% lên 97,58 điểm, đồng Việt Nam tăng nhẹ 0,3% so với đồng USD.
Trong khi đó, nhiều đồng tiền trong khu vực có mức giảm lớn hơn: NDT của Trung Quốc giảm -1,85%, Rupiah của Indonesia giảm - 1,39%, Baht của Thái giảm -1,11%, Singapore dollar giảm - 0,42%, đồng Peso của Philippines giảm - 1,24%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực thực phẩm, năng lượng, giáo dục) tăng 1,88% so với cùng kỳ 2018, tăng 0,09% so với tháng trước.
Các yếu tố hỗ trợ làm giảm mức tăng CPI tháng 4: Giá lương thực giảm 0,28% so với cùng kỳ 2018 do giá nông sản giảm mạnh trên thị trường thế giới; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,21%, bưu chính viễn thông giảm 0,78%.
Những yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng: Nhóm thực phẩm tăng 5,51% so với cùng kỳ 2018, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,25% do giá điện tăng, nhóm giáo dục tăng 6,11% so với cùng kỳ, nhóm giao thông tăng mạnh 4,29% so với tháng 3 do giá xăng tăng 2 lần trong tháng 4 với mức tăng 14,5% với xăng A92 và 15% với xăng A95.