Mạng lưới của ngân hàng đã vươn đến khắp các tỉnh thành trong cả nước, tới các vùng sâu, vùng xa
Nhận thấy phân khúc khách hàng này còn nhiều tiềm năng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã cung cấp sản phẩm Tín dụng hưu trí (TDHT) để giúp các khách hàng về hưu có thêm nguồn tài chính khi cần thiết. Ông Vũ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Bưu điện đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.
So với các sản phẩm dịch vụ tín dụng thông thường của ngân hàng, sản phẩm TDHT có gì đặc biệt, thưa ông?
TDHT là sản phẩm tín dụng tiêu dùng đặc trưng của LienVietPostBank, được triển khai thí điểm tại một số địa bàn từ năm 2014 và đã triển khai diện rộng từ năm 2015 trên hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. TDHT cung cấp cho khách hàng gói giải pháp tài chính tiện ích để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sau khi đã về hưu hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng hợp pháp.
Bên cạnh đó, khách hàng hưu trí dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng mà không cần tài sản bảo đảm, thủ tục đơn giản và không phải đi lại nhiều do việc cung cấp sản phẩm này được thực hiện tại ngay bàn chi trả lương hưu hằng tháng của từng thôn, xóm, khu phố trên địa bàn cả nước. Đây là chính sách bán hàng khác biệt nhằm phù hợp với đặc điểm khách hàng tuổi hưu và hiện thực hóa mục tiêu cung cấp nguồn tài chính hữu ích rộng khắp các tỉnh, thành phố, cả khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo cho những đối tượng này. Hạn mức cho vay dành cho khách hàng tối đa lên tới 300 triệu đồng với thời gian cho vay tới 36 tháng. Với mức tiền và thời gian vay tối đa như quy định, khách hàng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hoặc phát triển kinh tế khi về hưu.
Hiện nay, tín dụng đen vẫn là một nhức nhối trong xã hội bởi các hệ lụy của nó. Sản phẩm TDHT có thể góp phần giảm tình trạng này không?
Theo tôi đánh giá, với phạm vi cung cấp sản phẩm bao phủ khắp các vùng miền, TDHT của LienVietPostBank sẽ góp phần phổ cập tài chính vi mô và giải quyết tình trạng tín dụng đen, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Nhờ hệ thống mạng lưới các điểm giao dịch bưu điện phân bố rộng rãi tại các địa bàn, mối quan hệ gắn bó giữa bưu điện với người dân địa phương, LienVietPostBank đã kết hợp chặt chẽ cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp sản phẩm theo cách thuận tiện, gần gũi nhất cho khách hàng, làm thay đổi nhận thức “ngại vay”, “sợ ràng buộc” của khách hàng tuổi hưu khi muốn vay tiền tại các tổ chức tín dụng. Việc tiếp cận khá dễ dàng nguồn vốn vay hưu trí sẽ làm giảm phần nào tình trạng tín dụng đen đang tồn tại ở các địa phương.
Để tham gia sản phẩm TDHT, khách hàng cần phải làm những thủ tục gì?
Tại các điểm chi trả lương hưu, khách hàng nhận được tư vấn về sản phẩm trực tiếp từ nhân viên bưu điện và nhân viên của LienVietPostBank. Mọi thắc mắc và thông tin cần tìm kiếm được trao đổi, giải thích tận tình từ các nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Nhân viên bưu điện sẽ cung cấp thông tin về số tiền cho vay theo mức lương hiện có của khách hàng, giải thích phương án trả nợ từng tháng để khách hàng cân nhắc trên nguồn thu nhập của bản thân.
Khi khách hàng xác nhận nhu cầu vay vốn, nhân viên của bưu điện hoặc nhân viên của LienVietPostBank sẽ hướng dẫn chi tiết cho các khách hàng hưu trí về những giấy tờ cần chuẩn bị trong quá trình thực hiện hồ sơ vay. Khách hàng có thể tới các điểm giao dịch bưu điện/ngân hàng gần nơi khách hàng sinh sống để thực hiện vay vốn theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng/bưu điện.
Chậm nhất sau hai ngày tính từ khi khách hàng hoàn thiện và nộp đủ giấy tờ trong hồ sơ vay cho ngân hàng, khách hàng sẽ được LienVietPostBank thông báo kết quả phê duyệt và được nhận tiền giải ngân ngay trong ngày hôm đó tại phòng giao dịch bưu điện nơi nộp hồ sơ. Hằng tháng, cán bộ ngân hàng phối hợp với bưu điện hỗ trợ thực hiện thu nợ cho khách hàng tại điểm chi trả lương hưu khiến việc thanh toán khoản vay cho ngân hàng được thuận tiện và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, khách hàng cũng rất thuận lợi khi thực hiện việc thanh toán tiền trả ngân hàng qua nhiều kênh, như: Nộp tiền mặt tại quầy giao dịch của LienVietPostBank hoặc chuyển khoản qua các ứng dụng của ngân hàng LienvietPostbank, như: Ví Việt, InternetBanking, MobileBanking (áp dụng cho những tài khoản thanh toán mở tại các phòng giao dịch/chi nhánh ngân hàng) với mức phí thấp.
Quá trình vay vốn, nếu khách hàng hưu trí xảy ra rủi ro về sức khỏe, không đáp ứng được khả năng trả nợ cho ngân hàng thì sẽ xử lý thế nào, ông có thể cho biết?
Điểm hỗ trợ đặc biệt và có ý nghĩa đối với nhóm khách hàng tuổi hưu từ sản phẩm TDHT là tính bảo đảm cho khoản vay khi khách hàng gặp rủi ro (tai nạn, ốm đau, bệnh tật). Cụ thể, khi khách hàng xảy ra rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ yêu cầu bồi thường. Trường hợp thuộc phạm vi được bồi thường bảo hiểm theo quy định thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm, bao gồm toàn bộ dư nợ tín dụng (tiền gốc, lãi, phí) thực tế giữa khách hàng và ngân hàng tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm. Người nhà của khách hàng không cần phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng thu hồi được nguồn vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Hạn mức cho vay dành cho khách hàng tối đa lên tới 300 triệu đồng với thời gian cho vay tới 36 tháng. Với mức tiền và thời gian vay tối đa như quy định, khách hàng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hoặc phát triển kinh tế khi về hưu”.
Ông Vũ Quốc Khánh
Năm 2019, hoạt động của LienVietPostBank đã bứt phá mạnh. Dự kiến tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 165.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 140.000 và đặc biệt lợi nhuận trước thuế có chỉ tiêu tăng 57% lên 1.900 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank ghi nhận con số ấn tượng 1.116 tỷ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Vào quý 3/ 2019 - LienVietPostBank đã phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm, góp phần tăng quy mô vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động, nâng cao các hệ số đảm bảo an toàn tuân thủ quy định của NHNN tiến tới Basel 2.