Lật tẩy mánh móc tiền của thợ sửa xe máy

Không ít cửa hàng sửa xe máy thường giở trò ma mãnh, thậm chí phá xe để moi thêm tiền của khách, đặc biệt khi gặp những khách hàng là phụ nữ, không biết nhiều về xe cộ.

Dọa dẫm để gạ thay đồ

Cửa hiệu sửa chữa xe máy nào cũng có dịch vụ thay đồ xe, bán phụ tùng thay thế. Theo một chủ cửa hàng sữa chữa xe máy trên đường Trần Thái Tông, đây chính là nguồn lợi nhuận lớn của các hàng sửa xe. Ngoài ăn chênh lệch giá của phụ tùng (có những nơi đội giá lên gấp rưỡi, gấp đôi giá gốc), việc thay đồ đơn giản, nhanh gọn hơn sửa chữa, phí dịch vụ lại cao.

Ví dụ, nếu mua một bộ chân chống xe, giá chỉ khoảng 150.000 đồng, nhưng nếu mua và thay ở hàng thì có thể bị “chém” tới 300.000 đồng. Chính vì lợi nhuận lớn như vậy, nhiều cửa hàng sửa xe muốn “nhanh giàu” thì phải tìm mọi cách gạ gẫm, thậm chí cả hù dọa để khách thay phụ tùng.

Khách hàng mang xe vào hiệu sửa thường có tâm lý muốn cho chiếc xe của mình được sửa tốt nhất, an toàn nhất nên cứ dịch vụ nào, phụ tùng nào được thợ sửa xe đưa ra, nghe giá có vẻ hợp lý thì gật đầu. Tất nhiên, để gạ được khách thay đồ, thợ sửa chữa cũng phải hết sức khéo léo.

Mánh khóe thường được sử dụng là “dọa dẫm” khách bằng cách nói về những mối nguy hại đối với xe, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng người lái xe nếu không kịp thời thay thế, bổ sung phụ tùng đó. Nào là, xe không dán nilon, không lắp khung bảo hiểm thì chẳng mấy chốc sẽ xước hết, xe xuống giá thê thảm; rồi thì khóa xe kiểu này bọn trộm chỉ cần mấy giây là mở được, muốn an toàn thì cần lắp thêm bộ chuông chống trộm, giá chỉ… gần 300.000 đồng…

Thủ đoạn “dọa dẫm” để gạ khách thay phụ tùng thường được cửa hàng sửa xe máy áp dụng với những khách hàng có ít hiểu biết về xe cộ, nói gì tin đó. Đối tượng này chủ yếu là phụ nữ. Có trường hợp người mang xe vào hiệu sửa vì máy kêu do lười thay dầu, thợ sửa xe kiểm tra xong “phán” luôn là xe rão xích cam, bánh răng bơm dầu có dấu hiệu quá tải, không văng dầu lên máy dễ gây cháy máy…

Không dừng ở việc yêu cầu khách lắp thêm đồ cho xe, nhiều thợ sửa xe còn lợi dụng sự mù tịt về máy móc của khách hàng để lừa khách thay những phụ tùng của xe vẫn còn tốt. Những phụ tùng này sẽ bị các cửa hàng “xin” luôn, có thể đem bán kiếm lời hoặc thậm chí dùng để thay cho xe khác.

Chị Hằng (ở Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa hết sửng sốt với mức tiền gần 1 triệu đồng phải trả khi một lần sửa xe ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Phong Sắc. Xe chỉ bị thủng săm lốp sau, bình thường vá chỉ hết 10.000 đồng, nhưng thợ sửa xe phán thêm: săm tuy chỉ thủng một lần nhưng là săm đểu nên cần phải thay, lốp này là lốp ăn săm (lốp có mặt trong không nhẵn, hay làm hỏng săm – PV).

Thợ sửa xe còn ngỏ ý kiểm tra xe miễn phí cho chị Hằng. Sau màn kiểm tra miễn phí, hàng loạt “bệnh” nếu “không xử lý ngay thì đi xe rất nguy hiểm, tai nạn chết người như chơi” được anh thợ sửa xe đọc vanh vách: bộ má phanh mòn hết rồi, không thay ngay thì chẳng mấy mà hỏng luôn may-ơ, đi đường có phanh như vô dụng; nhông xích gião thế này đi chỉ tổ hại máy…

Tưởng không hết nhiều tiền, chị Hằng đồng ý thay phụ tùng. Lúc thanh toán, hóa đơn lên đến gần 1 triệu. Về nhà, chị còn bị chồng mắng cho một trận vì những đồ đó vẫn còn tốt, còn lâu mới phải thay. Chị Hằng tặc lưỡi: “Cái xe mấy chục triệu còn mua được, thay đồ đi cho đảm bảo hết mấy trăm nghìn… thì tiếc gì”. Đó chính là thành công của các hiệu sửa xe khi biết đánh trúng tâm lý dễ dãi của không ít khách hàng.

Giở trò ranh ma phá hoại

Ngoài lợi dụng sự ít hiểu biết của nhiều khách hàng để thay phụ tùng trục lợi, không ít cửa hàng sửa xe máy còn có những hành vi vô đạo đức như tráo đồ, phá hỏng đồ trên xe của khách.

Một số cửa hàng còn giở trò phá hoại xe để moi thêm tiền của khách

Anh Thành, một người khá hiểu biết về xe máy, kể lại vụ việc: “Hôm đó tôi dừng lại bơm xe ở một hàng trên đường Trương Định. Đã lường trước là các hàng sửa xe hay giở trò nên tôi giám sát khá cẩn thận. Vậy mà sau khi bơm hai lốp xe, trả tiền xong xuôi, tôi lên xe đề máy thì không nổ, dựng xe đạp mấy cái cũng không động tĩnh gì. Từ trước đến giờ, xe máy của tôi chưa từng bị như vậy. Tôi cúi xuống hốc lốp sau kiểm tra thì thấy cái giắc dây điện bị giật tuột ra. Chắc chắn nhân viên cửa hàng tranh thủ lúc bơm xe giật ra”.

“Lúc đó tôi định quay lại làm cho ra nhẽ với cửa hàng kia, nhưng nghĩ lại kiểu gì họ cũng chối vì mình không bắt được tận tay. Chỉ cần cắm lại giắc điện là xe chạy bình thường, nhưng nếu gặp phải người không biết, quay lại hàng để sửa thì mất vài trăm nghìn là ít” – anh Thành bức xúc cho biết thêm.

Một trò phá hoại mà các hàng sửa xe hay áp dụng với những khách hàng vá xe là cố ý giật tung chân van trong lúc tháo săm ra khỏi lốp. Lúc này, chiếc săm đó coi như bỏ đi, không dùng được nữa, buộc chủ xe phải thay mới. Rõ ràng, so với một miếng vá 10.000 đồng thì khi thay sắm mới, cửa hàng sẽ lời hơn nhiều.

Theo anh Thủy, một thợ sửa xe máy lâu năm, thợ sửa xe có thể dễ dàng làm những hành động phá xe ngay trước mắt khách hàng mà khách rất khó phát hiện ra như: đá gẫy giảm sóc, bẻ chân dây côn, đánh cao áp làm thủng IC... Hiện nay, không ít cửa hàng sửa xe vô lương tâm vẫn thường giở trò ma mãnh này, nhất là khi gặp những khách hàng là phụ nữ, không biết gì về xe cộ.

Các hiệu sửa xe giờ mọc lên nhan nhản khắp nơi, không ít trong số đó làm ăn vô lương tâm, hay giở trò móc tiền khách hàng. Lời khuyên cho những người cần sửa xe máy là nên sửa ở những cửa hàng quen, có uy tín. Hãy là người có hiểu biết, hoặc cố tỏ ra có hiểu biết về xe cộ, để khi dắt xe vào hàng sửa không bị móc thêm tiền.

Theo Đất Việt

Theo Tổng hợp