Lập phòng công chứng giả lừa bán đất

TP - Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá một đường dây làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giả giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Nhóm đối tượng này còn lập văn phòng công chứng giả để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các nạn nhân.
Ba “nữ quái” tại cơ quan công an

Ngày 18/6, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (Phòng CSHS) đang hoàn tất hồ sơ để chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố các đối tượng gồm Hoàng Thị Kiều Trang (SN 1988), Hoàng Thị Trang (SN 1993), cùng trú tại TP Biên Hòa và Nguyễn Ngọc Nga (SN 1991), trú tại huyện Long Thành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Quy trình giăng bẫy khép kín

Theo kết quả điều tra, bà N. T. T.N (SN 1978, ngụ tại TPHCM) có đơn gửi cơ quan công an tố cáo bị nhóm đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), giả giấy chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu….,chiếm đoạt của bà và ông V. Q. H (SN 1967, ngụ tại TPHCM) cùng ông P.C.T (SN 1966, ngụ tại TPHCM) số tiền 4 tỷ đồng.

Vào cuộc điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức.

Qua điều tra Cơ quan Công an xác định, để có tiền tiêu xài và trả nợ, Hoàng Thị Kiều Trang, Hoàng Thị Trang, Nguyễn Ngọc Nga đã bàn với nhau làm giả “sổ đỏ” để lừa người có nhu cầu mua đất.

Thực hiện ý định, Kiều Trang tìm thông tin liên quan đến thửa đất số 205, tại địa chỉ: lô D10, đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, rồi thuê người làm giả một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vị trí nói trên, cùng một sổ hộ khẩu và CMND giả mang tên Nguyễn Thị Ngoan (SN 1986, ngụ ở phường Bình Đa, TP Biên Hòa) dán ảnh của Hoàng Thị Trang trên CMND. Sau đó, Hoàng Thị Trang mang CMND giả ra một chi nhánh ngân hàng tại TP Biên Hòa để mở tài khoản.

Để không bị “sơ sẩy” trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thuê căn nhà ở khu phố 1, Phường An Bình. TP Biên Hòa để mở văn phòng công chứng giả lấy tên “Văn phòng công chứng T.B số 1”. Các đối tượng thậm chí còn đầu tư mua sắm trang thiết bị văn phòng giống với các phòng công chứng khác; thuê người làm nhân viên, làm giả con dấu và tên công chứng viên, đồng thời các đối tượng tìm người có nhu cầu mua đất và cung cấp thông tin về thửa đất, giá cả.

Ôm tiền rồi “bốc hơi”

Ngày 21/9/2020, sau khi dẫn ông P.C.T; bà N.T.T.N và ông V. Q. H (cùng ngụ ở TPHCM) đi xem đất và thương lượng, chốt giá 4 tỷ đồng, các đối tượng đưa những người này đến văn phòng công chứng giả đã giăng sẵn để ký hợp đồng. Tại đây, với vai diễn là công chứng viên, Kiều Trang soạn 3 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó bên bán là Nguyễn Thị Ngoan do Hoàng Thị Trang đóng giả, còn bên mua là bà N.T.T.N và ông V.Q.H.

Sau khi hai bên mua - bán ký kết hợp đồng, Kiều Trang ký giả tên công chứng viên, rồi đóng dấu giả của văn phòng công chứng để xác thực việc mua bán này. Ông P.C.T đã thanh toán đủ số tiền 4 tỷ đồng cho Hoàng Thị Trang, trong đó có 2 tỷ đồng đưa tiền mặt và 2 tỷ đồng chuyển vào tài khoản do đối tượng dùng CMND giả để mở.

Trước khi rủ nhau bỏ trốn, các đối tượng đã chia cho Hoàng Thị Kiều Trang 150 triệu đồng (để trả tiền thuê mặt bằng văn phòng công chứng, mua trang thiết bị văn phòng và tiền thuê nhân viên). Hoàng Thị Trang được chia 1,7 tỷ đồng và Nguyễn Ngọc Nga được nhận 2 tỷ 150 triệu đồng. Sau khi bị bắt giữ, Hoàng Thị Trang và Nga khai đã mang 2,6 tỷ đồng đi trả nợ nhóm cho vay nặng lãi.

Qua vụ việc trên, cơ quan công an cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không ham lợi với những thửa đất được rao bán với giá rẻ hơn bình thường. Khi thực hiện mua bán, sang nhượng giấy tờ cần đến cơ quan công chứng nhà nước hoặc phòng công chứng có uy tín, tuyệt đối không đến những phòng công chứng chưa được nhiều người biết đến, vì đây có thể là nơi các đối tượng tội phạm núp bóng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.