Lạng Sơn còn có các quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua; có nhiều thắng cảnh và di tích văn hoá, di tích lịch sử, như động Tam- Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn, hệ thống các hang động ở Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia và Bắc Sơn,...
Lạng Sơn là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, là sự hoà nhập của cộng đồng, những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao, những ngày hội Lồng thồng, những sắc màu trang phục truyền thống cùng áng ca dao, cũng như các làn điệu dân ca, hát Then, hát Sli, hát Lượn độc đáo làm say đắm lòng người. Ngoài ra, Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi. Mảnh đất địa đầu Lạng Sơn còn nức tiếng, đa dạng các sản vật, hoa quả như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.
Vị trí của Lạng Sơn trở nên quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh nhà và cho ngành du lịch cả nước. Đặc biệt từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối chính sách đổi mới và hội nhập, các hệ thống trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới tại Lạng Sơn được xây dựng và nâng cấp, cùng với các thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch ngày càng diễn ra sôi động, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán, tham quan quan du lịch với các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch biên giới và sang nước bạn Trung Quốc.
Định hướng phát triển kinh tế của Lạng Sơn đã khẳng định ngành du lịch là thế mạnh, một ngành kinh tế quan trọng có hiệu quả cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Với sự tham gia của các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư tập trung không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra hệ thống du lịch hấp dẫn thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện mạo thành phố Lạng Sơn, các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch và các thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Do những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu.
Đây là hướng quan trọng, mũi nhọn để tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy là tỉnh miền núi, biên giới nhưng Lạng Sơn chỉ cách thủ đô Hà Nội 154 km, lại nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông Lạng Sơn rất thuận lợi, là đầu mối tuyến quốc lộ 1A, nơi bắt nguồn của con đường 4B ra Trà Cổ, vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, đường 4A lên Pắc Bó - Cao Bằng, đường 1B sang Thái Nguyên, đường 3B sang Na Rì - Bắc Kạn đồng thời có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc vươn tới các nước Đông Âu. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị), 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu Chi Ma), và 9 cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hoá và phát triển dịch vụ. Lạng Sơn trở thành đầu mối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều dự án quy hoạch phát triển các khu đô thị, vui chơi giải trí, như Phú Lộc, Hoàng Đồng, Mai Pha, Đèo Giang... đã và đang được triển khai xây dựng.
“Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh về Thương mại - dịch vụ - du lịch và những lĩnh vực khác chưa được khai thác và phát huy tối đa. Vì thế, trong thời gian tới Lạng Sơn sẽ tập trung vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Nguyễn Phúc Hà chia sẻ.
Những năm qua, Lạng Sơn tích cực triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 74/CTr-TU ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn… Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, Lạng Sơn đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 132,6 triệu USD; năm 2030, tổng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 6 triệu lượt, trong đó có trên 2,6 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu đạt 381 triệu USD. Du lịch đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, với các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cửa khẩu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Lạng Sơn đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới và đưa vào khai thác có hiệu quả như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn…
Cùng với đó là sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, công ty du lịch, hội viên và cán bộ, người lao động trực tiếp trong ngành du lịch đã nhạy bén, chủ động đầu tư, khai thác hiệu quả một số sản phẩm lưu niệm được phát triển từ các đặc sản của tỉnh như: sản phẩm từ hoa hồi và chế phẩm từ hoa hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng vành khuyên Văn Lãng; thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, ba kích Đình Lập… Các loại hình du lịch đã được khai thác và chú trọng phát triển mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội, kinh tế.
Theo Báo cáo của Sở VH-TT & DL tỉnh Lạng Sơn, cùng với sự khai thác và phát triển sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh Lạng Sơn chú trọng việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị, cảnh quan di tích, tích cực nghiên cứu, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý phù hợp với sự phát triển du lịch cả nước mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức văn hoá, lịch sử; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch có sức hút với du khách; tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm. Mặt khác, hoạt động liên kết du lịch với các địa phương được đẩy mạnh; công tác quản lý du lịch được tăng cường.
Lạng Sơn đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến, mở rộng không gian du lịch. Cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ du lịch ngày càng được chú trọng, đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh, chưa kể đến hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho du lịch. Nguồn ngân sách ngoài nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch.
Xác định du lịch biên giới là một thế mạnh của du lịch Lạng Sơn, do đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh đã thường xuyên trao đổi để hợp tác với Cục Du lịch Quảng Tây - Trung Quốc ký các biên bản thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai bên để tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp lữ hành của hai bên hợp tác trao đổi khách với nhau, phối hợp về xúc tiến quảng bá để khai thác nguồn khách mở rộng thị trường, mặt khác trao đổi và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Với các lợi thế “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cùng với sự nỗ lực các cấp các ngành, đặc biệt là bằng năng động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng du lịch Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.