> Thành công bất ngờ từ tôm-lúa
> Phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ theo hướng GAP
Thấy ông làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong vùng đã tìm đến học hỏi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho mỗi hộ đầu tư nuôi trồng mới 15 triệu đồng cũng như kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đến nay ở cửa sông cô quạnh ngày nào đã có hẳn một làng nổi nuôi trồng thủy sản gồm 16 hộ.
Một mình lập nghiệp nơi cửa sông
Ông Tô Đức Thịnh - Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh - lão ngư quắc thước kể.
Năm 2002, sau hàng chục năm làm ở HTX vận tải biển của huyện Đầm Hà rồi buôn bán thủy sản, ông “đột ngột” trở về vay vốn tạo việc làm của chính phủ và bạn bè được 60 triệu đồng đóng nhà bè với 6 ô nuôi trồng thủy sản lênh đênh một mình ở cửa sông Cái Mắm.
Chỉ sau 2 năm nuôi hàng chục loại cá như cá song chấm, song hoa, hồng đỏ, cá giò, cá thác, hồng mỹ…cho kết quả kinh tế cao, ông đã tích lũy được vốn liếng kha khá
Ông nhận thấy đây sẽ là nghề để gia đình ông ổn định cuộc sông lâu dài. Chỉ sau 2 năm nuôi hàng chục loại cá như cá song chấm, song hoa, hồng đỏ, cá giò, cá thác, hồng mỹ…cho kết quả kinh tế cao, ông đã tích lũy được vốn liếng kha khá để rồi đầu tư tiếp 20 cây vàng đóng thêm nhà bè mới toàn bằng gỗ tốt, nâng tổng số diện tích nuôi trồng lên 24 ô lồng toàn bằng gỗ táu có thể chịu được gió bão cấp 11; 12.
Theo tính toán của ông Thịnh, mỗi lứa cá đầu tư nuôi từ 10 đến 15 tháng mới cho thu hoạch, do vậy, để tiết kiệm chi phí, hằng ngày, các nhà bè trong làng đều tranh thủ đi thu mua hải sản đánh bắt được của bà con trên biển đem vào đất liền bán kiếm chút lời, hoặc đi câu cá, hoặc đánh lưới ghẹ ...để lấy ngắn nuôi dài.
Khoảng 11 giờ trưa, con trai cả của ông Thịnh đi câu cá ngoài biển từ sáng trở về. Xách mớ cá tráp vàng tươi chừng 6 kg để chiều mẹ đem vào bờ bán, anh nhẩm tính có rẻ thì buổi sáng nay cũng làm được trên 400 ngàn đồng, đấy là chưa kể đến dăm con song chấm nhỏ đem thả vào lồng nuôi và buổi chiều anh lại ngồi ngay tại bè câu cá giòn. Đây chính là công việc thường ngày của anh và bình quân ngày nào anh cũng kiếm được từ 4 đến 5 trăm nghìn đồng, phụ giúp cho cuộc sống gia đình.
Sau 10 năm cần mẫn làm ăn ở cửa bể mênh mông trời nước, mỗi năm ông Thịnh chỉ về đảo qua ngôi nhà 2 tầng khang trang ở thị trấn huyện vỏn vẹn vài chục ngày, thời gian còn lại ông đều dành cho việc chăm cá trên nhà bè và giúp đỡ bà con nuôi trồng thủy sản.
Khó khăn của làng nổi
Thấy ông làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong vùng đã tìm đến học hỏi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền huyện cho mỗi hộ đầu tư nuôi trồng mới 15 triệu đồng cũng như kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đến nay ở cửa sông cô quạnh ngày nào đã có hẳn một làng nổi nuôi trồng thủy sản gồm 16 hộ. Đến năm 2012 vừa qua, ông Thịnh cùng 7 xã viên khác thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh.
Là một trong hai HTX nuôi trồng thủy sản của cả huyện, nhưng sau hơn một năm thành lập, HTX mới chỉ vay được 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh. Theo ông Chủ nhiệm Tô Đức Thịnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là việc khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của nhà nước, bởi HTX không có nhiều tài sản để thế chấp.
Anh Hoàng Văn Đức - 30 tuổi, chủ nhà bè với 12 ô lồng nuôi chủ yếu là cá sủ sao - loài cá thông dụng, dễ bán trên thị trường - ở nhà bè bên cạnh ghé qua chơi cho biết: Tháng 9 năm 2012, gia đình anh đầu tư 180 triệu đồng đóng nhà bè và 50 triệu đồng cá giống, đó là chưa kể đến chi phí đầu tư mua tàu bè để đi lại và ăn uống trong khoảng thời gian đợi chờ lứa cá trưởng thành mới có sản phẩm cho thu nhập; nhưng lại rất khó trong việc vay vốn và khi tiếp cận thì chỉ được vay 20 triệu đồng – một con số quá ít ỏi so với tổng số đầu tư trung bình là 300 triệu đồng để mỗi hộ gia đình lập nghiệp.
HTX Đức Thịnh đang lập đề án xin được bảo vệ khoanh nuôi 2 cánh rừng ngập mặn ở khu vực cửa sông, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, chống xói mòn đất và che chắn cho khu vực khoanh nuôi của bà con khỏi bị ảnh hưởng của sóng gió.