Toà nhà của những kỷ lục
Để hoàn thành phần thô của công trình, nhà thầu Coteccons (Cty nhận thầu xây dựng chính) đã sử dụng hơn 170.000m3 bê tông, 52.000 tấn thép (trong đó có 4.000 tấn thép hình S460). Công trình mang tính biểu tượng của chủ đầu tư Vingroup dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019. Đây cũng là công trình đầu tiên của Việt Nam lọt vào top những tòa nhà chọc trời của thế giới, với trung tâm thương mại, khu vực khách sạn đến căn hộ. Công trình được công ty MACE (Anh) tư vấn quản lý, giám sát.
Công nhân của Coteccons làm việc trên tầng cao của toà nhà.
Để có được tiến độ xây dựng “thần tốc” chỉ trong 1.000 ngày, đội ngũ chuyên gia và công nhân trên công trường đã thi công liên tục 3 ca, có những đêm thức trắng để đổ những mẻ bê tông lên tới 10.000 m3. Giữa tháng 4/2018, Coteccons đã lắp đặt xong hạng mục quan trọng cuối cùng là tháp thép trên đỉnh mái (spire) cao 61.2m. Hiện nay các công tác hoàn thiện giai đoạn cuối đang được nhà thầu này triển khai gấp rút, đáp ứng tiến độ khai trương, dự kiến vào quý I/2019. Dù chưa hoàn thiện một cách chính thức nhưng Landmark 81 đã “sở hữu” một số kỷ lục.
Theo đại diện của Công ty Conteccons, Landmark 81 có rất nhiều đặc điểm đòi hỏi kỹ thuật xây dựng mới, như: Bê tông khối lớn, hệ lõi thép cực lớn và phức tạp đã được thi công để tạo thành một “khung xương” vững chắc cho toà nhà. Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có dự án nào được áp dụng những kỹ thuật quá mới này để đổ những sàn cao đến 30m, những cột đứng độc lập cao đến hơn 25m.
Đảm trách phần đổ bê tông cho toà nhà, đại diện công ty cổ phần bê tông Fico - Pan United cho biết: “Đây là công trình khó khăn nhất mà công ty từng thực hiện trong thiết kế, sản xuất và cung ứng bê tông. Thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật ở dự án này là thực hiện hơn 10.000m3 móng cho một lần đổ - mẻ bê tông lớn nhất từ trước đến nay tại VN. Công trình này còn đòi hỏi kỹ thuật bơm bê tông lên cao, phải dùng kỹ thuật bơm tiên tiến nhất để đẩy hàng ngàn khối bê tông lên cao hơn 400m. Bê tông dùng cho tòa nhà là sự pha trộn đặc biệt giữa xi măng, cát đá, cốt liệu và phụ gia. Chất liệu này được hình thành sau 6 tháng nghiên cứu tại Singapore và VN, sau đó phải mất tới 3 tháng để tuyển chọn loại xi măng, cát, đá phù hợp”.
Cũng theo đơn vị này, phải bố trí 7 trạm trộn tại 5 điểm trong thành phố với công suất hơn 800m3 mỗi giờ, 160 xe bồn được huy động để trộn và vận chuyển bê tông cho công trình đặc biệt này. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp xây dựng BIM, một phương pháp tiên tiến bậc nhất thế giới đang áp dụng để thi công các toà nhà chọc trời. BIM (Building Information Modeling), là một quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình. Đây là một phương pháp hoàn thiện khép kín, từ giai đoạn tạo mô hình 3D đến việc sử dụng mô hình đó trong thiết kế, thi công và quản lý toà nhà xuyên suốt cả đời công trình.
Công nhân của Coteccons làm việc trên tầng cao của toà nhà.
Tiến độ công trình cũng quá nhanh, trung bình 1,5 ngày phải đổ xong một sàn nên công nhân phải làm 3 ca, 24/24 suốt 14 tháng ròng rã. Điều này cũng đòi hỏi công nhân phải có một “thần kinh thép” để hoàn thành công việc đúng tiến độ với hơn 9 triệu giờ công.
Ở chín tầng mây cùng công nhân xây dựng
Chiếc thang máy cất vút chưa đầy một phút thì lên tới đỉnh tòa tháp Landmark 81 khiến chúng tôi bị ù tai như máy bay cất cánh. Tới nơi, sân thượng tòa cao ốc đón khách bằng những luồng gió lồng lộng. Qua lớp kính bảo vệ không khỏi choáng ngợp khi Sài Gòn bỗng dưng bốn bề nằm dưới chân mình.
Sau khi tòa nhà vận hành chính thức, mỗi hệ thống thang máy sẽ phục vụ cho từng hạng mục riêng biệt như trung tâm thương mại, khu căn hộ, văn phòng, khách sạn… Còn bây giờ được “đi một mạch” từ sảnh tòa nhà lên tầng cao nhất. Từ lúc khởi công, tòa nhà Lanmark 81 có hơn 2.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia làm việc 3 ca liên tục.
Chị Nguyễn Thị Trúc Ly (37 tuổi, công nhân phụ hồ) là người đã “bám” công trình này “suốt mùa” (từ lúc khởi công cho đến nay), chị Ly quê Sóc Trăng là người phụ nữ “thâm niên” đang làm việc trên tầng 80. Chị nói, đã nhiều năm lăn lộn cùng chồng đi hết công trình này đến công trình khác nhưng chủ yếu ở tỉnh, công trình cao nhất chị làm trước khi đến Landmark 81, là tòa nhà cao 21 tầng ở Đồng Nai.
Ngày trước, không quen làm trên cao, lúc đầu chị rất sợ, luôn thấy chóng mặt. Nhưng công việc cuốn đi để chị quen dần hồi nào không biết. Để đảm bảo sức khỏe, chị Ly chỉ làm hết ngày, chiều tối về nghỉ ngơi chuẩn bị cơm nước cho ngày làm việc tiếp theo của hai vợ chồng. “Hồi đó giờ mình đâu có nghĩ sẽ làm việc trong công trình cao như thế này đâu. Mà giờ công trình cũng sắp kết thúc rồi, chắc mai mốt hết việc, đi công trình khác, tôi cũng không có cơ hội lên lại những tầng cao này nữa”, chị Ly bồi hồi.
Giờ nghỉ trưa của chị Trúc Ly.
Hiện trên công trình gần hoàn thiện này, có khoảng 50 phụ nữ đảm trách công việc vệ sinh các tầng. Họ đa phần đến từ miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Lý do “tụ hội” của họ gần như nhau, là ở quê không có ruộng đất sản xuất, “không còn một cục đất chọi chim”. Chồng đi công trình và muốn đi làm cùng. Công việc vệ sinh trên công trình cũng phù hợp khả năng và giúp họ kiếm thu nhập ổn định.
Nằm đu đưa trên chiếc võng bắt vào dàn giáo xây dựng, tô tường để nghỉ trưa… chị Ly đều đều kể: “Mình từ Sóc Trăng lên Sài Gòn “mần ăn” đã gần 10 năm rồi. Cũng làm đủ thứ nghề: Mua bán ve chai, phụ bưng bê, dọn dẹp ở nhà hàng nhưng rồi vợ chồng cách xa nhau quá, “Ổng làm nghề hồ, theo công trình đi khắp tứ xứ cả 3-4 tháng mới về, nên ổng thu xếp để tui theo ổng với nghề phụ hồ để vợ chồng gần nhau, chăm sóc nhau cho chu đáo ở những miền đất lạ khắp các công trình”, chị Ly tâm sự.
Sài Gòn đẹp lắm!
Bên cà men cơm trưa trên tầng 80 lộng gió, anh Triệu Văn Hưng (43 tuổi, quê ở Phú Yên) cho biết mình đã có trên 10 năm “cầm bay” với nghề xây tô và hiện là thợ chính còn trụ lại khi những ngày thi công cao điểm đã qua đi.
Anh Hưng không thể giấu nổi niềm tự hào, khi chúng tôi hỏi về những người thợ như anh đang dũng cảm bám mình bên ngoài mặt tiền của toà nhà, để xây, tô trên… 9 tầng mây? Anh nói : “Nếu nói toà nhà này là một bó tre thì tôi là một trong những người đặt từng viên gạch, tô trát từng bay hồ để hình thành cây tre cuối cùng. Và càng tự hào hơn nữa, bàn tay tôi cũng đã từng tô trát những viên gạch đầu tiên khi xây dựng toà nhà này cho đến tầng cuối cùng trên tít tầng mây. Tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã theo công trình này từ ngày khởi công đến bây giờ. Nó đã hoàn thiện cơ bản rồi, giờ chỉ còn trang trí râu ria thôi”.
Còn về câu hỏi có sợ độ cao hay không, anh Hưng “thú nhận”, ban đầu ở tầng thứ 40-50 thì… chưa sợ vì anh đã quen với những công trình có độ cao tương tự. Nhưng qua tầng thứ 60 thì bắt đầu… hơi run, nhưng run riết rồi cũng quen, nay thì “vô tư” rồi.
Ðông đảo khách hàng tham quan, vui chơi và mua sắm trong ngày Vincom Center Landmark 81 khai trương.
“Cũng an tâm lắm, vì trước khi bước vào làm việc, chúng tôi buộc phải đeo đai bảo hộ, dây bảo hộ thì móc dính thân người với kết cấu toà nhà rồi lại còn đội kiểm tra an toàn lao động của chủ đầu tư nữa. Họ kiểm tra rất gắt các phương tiện an toàn cho mỗi công nhân khi làm việc ở trên giàn giáo ngoài trời, khi nào họ “ok” thì mình mới được bước ra ngoài để làm việc”, anh Hưng nhấn mạnh.
Tương tự như anh Hưng, anh Nguyễn Việt Thiện (46 tuổi, ngụ ở quận 12) cũng là thợ xây tô chính, “bám” toà nhà 81 tầng này từ khi động thổ. Là dân Sài Gòn gốc, anh Thiện lại có cái nhìn khác về công việc của mình ở trên độ cao chóng mặt này. Khoát một vòng tay phóng khoáng, anh Thiện bỗng hạ giọng xuống một cách bí hiểm: “Sài Gòn mình đẹp lắm ông à! Tôi ở Sài Gòn từ bé đến lớn, đi làm công trình hầu như khắp hang cùng, ngõ hẻm, xây villa, biệt thự có, xây nhà cao tầng có nhưng chỉ khi làm ở toà nhà này từ trên độ cao này, tôi mới thấy Sài Gòn đẹp và thân thương đến lạ lùng, nhất là về đêm!”. Anh Thiện bùi ngùi thổ lộ, đây có lẽ là công trình sẽ ghi đậm trong đời, trong nghiệp… cầm bay của mình.
Sân băng tự nhiên lớn nhất Việt Nam Vincom Ice Rink rộng gần 2.000m2.
“Có thể mai này Sài Gòn sẽ có những toà nhà cao hơn, lộng lẫy hơn nhưng tôi vẫn ghi dấu “cái” Landmark 81 này trong tôi mãi mãi vì biết đâu, cái công trình cao hơn đó, tôi sẽ không còn đủ sức “đu” ra ngoài làm việc hoặc lúc đó chẳng ai “hú” tôi đến làm”, anh Thiện tâm sự.
Tự hào người thợ
Ngắm con sông Sài Gòn và con sông Lòng Tàu cùng uốn lượn hoà quyện vào nhau ở khắp 4 mặt trên đỉnh toà nhà Landmark, Anh Hà Dương cho biết, vào những ngày cao điểm, có lúc tới 2.000 công nhân làm việc hối hả như đàn ong đang tất bật xây tổ. Vậy mà công trình này có đến 9 triệu giờ công lao động an toàn tuyệt đối, một kỷ lục cho đến nay!
Khi chúng tôi đề cập, làm việc trên cao trình này, mỗi khi công nhân có “nỗi buồn cần giải toả” thì phải làm sao? Anh Hà Dương cho biết, ở đây cứ mỗi 5 tầng lầu là có một nhà vệ sinh công cộng cho công nhân nên không bao giờ cá nhân nào sợ bị “kẹt” giữa trời. “Bây giờ công nhân ít, lại thi công ở trên cao nên chúng tôi không tổ chức. Như trước đây, ở các tầng thấp thì chúng tôi có nhà ăn, nơi nghỉ trưa, nghỉ đêm cho công nhân nên những ai tăng ca thì cũng có giấc ngủ để đảm bảo sức khỏe làm việc.
Tòa nhà Landmark 81.
Từ trên “9 tầng mây” ở Landmark 81, nhìn ra xa hút tầm mắt có thể thấy con sông Lòng Tàu hướng ra cửa Cần Giờ hoặc thấy các kênh, rạch trong nội đô đang đổ ra sông Sài Gòn. Như Hà Dương, như anh Việt Thiện, Văn Hưng và chị Trúc Ly… khi đứng trên đỉnh toà nhà lộng gió, ngắm bao la cả một vùng đất, ai nấy đều tự hào vì mình đã góp phần nào, bằng đôi bàn tay và khối óc, bằng cả tấm lòng cho Sài Gòn có một tòa nhà chọc trời để đời, vươn tầm ra thế giới với biểu trưng cây tre Việt Nam kiên cường trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Thi công trên tầng cao sức gió rất mạnh nên khoảng 4 tiếng phải đổi ca một lần. Ðặc biệt độ cao chơi vơi cũng không cho phép làm đông người nên phải chọn khoảng 20 công nhân có tay nghề cao, sức khoẻ tốt phụ trách các phần việc khó”.
Ðại diện Conteccons
Với những tiện tích “trên đỉnh thế giới” như trên, Landmark 81 hiện tạm giữ các kỷ lục như: Top những toà nhà cao nhất thế giới, “Toà nhà xanh” lớn nhất Việt Nam, khách sạn Vinpearl 5 sao “dành cho nguyên thủ” sang trọng nhất, đài quan sát cao nhất Việt Nam, hồ bơi vô cực có tầm nhìn đẹp nhất, công viên ven sông lớn nhất, thiên đường mua sắm sang trọng nhất, các CLB đẳng cấp nhất…
Tầng B1, 1, 2, 3 là khu vực dành riêng cho trung tâm thương mại, mua sắm, rạp chiếu phim, phòng tập gym. Tầng 4 là khu Club house dành cho cư dân với hệ thống hồ bơi, phòng tập gym, lounge ngoài trời. Tầng 5 là sảnh lounge tiêu chuẩn 5 sao, nhà hàng sang trọng và khu sinh hoạt chung của toàn cư dân. Từ tầng 6 đến tầng 40: Ðây là khu căn hộ hiện đại, căn hộ ở đây gồm loại 1 – 4 phòng ngủ và cả sky villa. Từ tầng 42 đến 76 là khách sạn 5 sao VinPearl. Từ tầng 79 đến 81 là đài quan sát.