“Chúng tôi cam kết giải tán lực lượng cảnh sát ở thành phố Minneapolis và xây dựng lại cho cộng đồng của chúng ta một mô hình mới để thực sự giúp cộng đồng chúng ta an toàn”, Chủ tịch hội đồng thành phố Lisa Bender nói với CNN.
Bà Alondra Cano, ủy viên hội đồng thành phố, viết trên Twitter rằng quyết định này được đưa ra khi hội đồng nhất trí rằng sở cảnh sát của thành phố “không thể cải tổ được và chúng ta sẽ chấm dứt hệ thống cảnh sát hiện nay”.
Một sĩ quan cảnh sát da trắng ở Minneapolis đã bị buộc tội giết người trong vụ án của George Floyd vào ngày 25/5, sau khi người đi đường ghi lại cảnh cảnh sát này dùng đầu gối đè cổ Floyd xuống đất trong gần 9 phút dù nạn nhân cầu xin vì không thở dược.
Cái chết của Floyd châm ngòi cho làn sóng biểu tình suốt 2 tuần trên cả nước để phản đối lực lượng thực thi pháp luật đối xử phân biệt. Một số người còn kêu gọi cắt ngân sách cho cảnh sát.
Năm ngoái, một cựu sĩ quan cảnh sát ở Minneapolis bị kết án 12 năm 6 tháng tù vì bắn chết một phụ nữ da trắng người Úc không có vũ khí khi người này cố gắng báo cáo về một vụ phạm tội.
Bà Bender nói với CNN rằng chính quyền thành phố sẽ tìm cách chuyển nguồn tiền hoạt động của cảnh sát sang hướng dựa vào cộng đồng, và hội đồng thành phố sẽ thảo luận cách thay thế sở cảnh sát hiện nay.
“Ý tưởng không có sở cảnh sát chắc chắn không thể có trong ngắn hạn”, bà nói.
Các cuộc biểu tình ở Mỹ cũng đã chứng kiến những cảnh tượng cảnh sát lạm dụng bạo lực, với một số hành động bị camera ghi lại.
Hai cảnh sát ở Buffalo, New York bị buộc tội tấn công nghiêm trọng sau khi bị camera ghi lại cảnh đẩy ngã một người biểu tình 75 tuổi, khiến đầu của cụ ông này đập xuống đất và chảy máu.
Nhưng cũng đã có một số thay đổi liên quan đến hành vi của cảnh sát.
Ở Seattle, giới chức tạm cấm sử dụng hơi cay với người biểu tình.
Ở Denver, một thẩm phán liên bang ra lệnh cấm dụng các chất hóa học và những dụng cụ khác như đạn cao su đối với người biểu tình hòa bình. Ở Dallas, cảnh sát xuống đường tuần hành cùng người biểu tình.