Vừa qua, 4 con lợn ỉ đã được các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân bản thành công từ công nghệ nhân bản tế bào soma (tế bào trưởng thành) ở mô tai, tạo tiền đề cho việc bảo tồn giống lợn ỉ quý hiếm.
Triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” từ tháng 7/2017, các cán bộ nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật và Trung tâm nghiên cứu lợn Thuỵ Phương đã nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ tạo động vật nhân bản bằng cấy chuyển nhân tế bào soma tại Việt Nam.
TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, các nhà khoa học đã ngày đêm nỗ lực để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng "tế bào cho" từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản.
Quy trình tạo dòng "tế bào nhận" có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản. Quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỉ lệ tạo phôi nang lợn ỉ nhân bản đạt cao. .
Theo ông Thiếu, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của viện đã đầu tư, cập nhật tiến bộ khoa học trên thế giới để tổ chức, nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa và đưa vào ứng dụng các công nghệ, phương pháp mới như tạo tế bào chứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, công nghệ áp dụng không phải là mới nhưng đòi hỏi rất cao về những thao tác, kỹ năng làm việc rất khó, ngay cả các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới khó có thể làm thành công ra đến phiên bản để nhân bản được, nhưng chúng ta cũng đã nhân bản thành công.
Với việc nhân bản thành công, đây là một bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, nâng cao vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.