Giá muối tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái nhưng diêm dân không có để bán trong khi Chính phủ vừa phải cho nhập hàng trăm ngàn tấn muối.
Đây cũng là lần đầu tiên nhập muối ăn và, không những thế, giá nhập cao hơn cả giá trong nước
Giá muối tăng gấp 3
Tình trạng khan muối đã đẩy giá muối nguyên liệu trong nước lên cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, giá muối thu mua ngay tại đồng dao động từ 1400 – 1500đ/kg, so với cùng kỳ năm 2007 chỉ 350đ- 400đ/kg, đắt nhất là 500đ/kg.
Nài nỉ mua chỉ một lượng nhỏ chừng 500 – 1000 tấn muối với Cty Ninh Thuận, doanh nghiệp sản xuất muối lớn nhất phía Nam, chỉ nhận được cái lắc đầu.
Giám đốc Cty – ông Dũng, thở dài: “Làm gì còn mà xuất. Trong kho hết sạch rồi!” Những vụ muối trước, Cty ông Dũng thường xuất những mối lớn, lên tới vài chục ngàn tấn cho mỗi thương vụ, chưa từng lâm vào cảnh đơn đặt hàng nhiều mà không có hàng bán như năm nay.
Liên hệ với Cty CP Muối và Thương mại Thanh Hóa, một trong những nhà sản xuất và chế biến muối chính khu vực phía Bắc, ông Thiện, Giám đốc Cty, than thở: “Hết rồi! Như mọi năm, giờ đang là đại vụ muối của miền Bắc, chỉ sợ không đủ tiền và không đủ sức mua.
Nhưng nay thì mua bao nhiêu bán ra bấy nhiêu, mua và bán khít nhau, không có để dự trữ. Bình thường chúng tôi thu mua trong ba tháng vụ mùa để dùng cho cả năm. Nay thì hết vụ mùa cũng hết muối luôn. Cả muối xuất khẩu cũng không đủ.
Năm ngoái Cty mua 4000 tấn muối xuất khẩu, nay vừa bán hết, nhưng chỉ mua vào được mấy chục tấn, chẳng đáng là bao. Tình hình thời tiết này, nếu tháng sáu, tháng bảy không mua được muối có lẽ phải chịu phạt với khách hàng ngoại vì không thực hiện đúng hợp đồng”
Theo thông tin chúng tôi thu thập được từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh chế biến muối, muối của khu vực Trung và Nam Bộ khó có thể mua được dù đặt hàng trước.
Có thể mua được muối Bắc, nhưng với đặc trưng nhiều ma giê (tên một loại kim loại thường có trong muối), muối này cần nhiều thời gian phơi khô mới sản xuất được, sản lượng cũng không đáng kể. Vì thế nhiều doanh nghiệp đang cần gấp muối nguyên liệu đành chịu thua.
Không riêng gì hai Cty nói trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào cảnh lao đao do thiếu muối. Không có muối sản xuất, hàng loạt doanh nghiệp liên quan đến mặt hàng này phải tạm đóng cửa, ngừng hoạt động.
Ông Phạm Năng Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Muối Việt Nam, thừa nhận có tình trạng thiếu muối, thậm chí sốt muối, từ cuối năm 2007.
“Được giá thì mừng cho diêm dân, nhưng vấn đề là dân không có muối để bán. Cái vòng luẩn quẩn là nếu dân có để bán, chưa chắc đã bán được vì doanh nghiệp không có nhiều tiền để mua với giá cao như vậy, khi mà thời gian thu mua muối chỉ dồn dập trong vòng ba tháng. Vay ngân hàng hiện thời rất khó. Nếu vay được thì lãi suất quá cao. Tới 19% như hiện nay, doanh nghiệp nào chịu nổi!” - Ông Phong cho biết.
Lần đầu tiên nhập muối ăn
Để giải quyết tình trạng thiếu muối, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NNPTNT) quyết định nhập muối.
Ban đầu chỉ nhập khẩu muối công nghiệp, nhưng nay đến lượt muối ăn cũng phải nhập.
Năm 2000, kỷ lục Việt Nam phải nhập là 500.000 tấn muối. Từ năm 2003 – 2007, mỗi năm cả nước nhập trung bình hơn 200.000 tấn, đều là muối công nghiệp.
Năm 2008, bên cạnh việc nhập khẩu muối công nghiệp, lần đầu tiên Bộ NNPTNT phải cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn muối ăn.
Nguồn muối nhập chủ yếu từ Ấn Độ, Úc với giá cao hơn mức giá trong nước. Muối nhập về đến cảng Việt Nam có giá khoảng 1.600đ/kg. Trước đó, ngay đầu năm 2008, Chính phủ phải mở kho dự trữ, xuất 30 tấn muối ăn phục vụ dân sinh.
Trước nhu cầu muối ngày càng tăng, để mở rộng diện tích sản xuất muối, từ năm 2000, Bộ NNPTNT cho xây dựng đồng muối Quán Thẻ ở tỉnh Ninh Thuận, cực nam Trung Bộ, với diện tích 2500ha, năng suất dự tính 300.000 tấn/năm. Sản lượng này được coi là đáng kể, giúp giải quyết tình trạng thiếu muối nhiều năm nay. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao, đồng muối này vẫn chưa cho muối.
Theo ông Phạm Năng Phong, Tổng Cty Muối Việt Nam hoàn toàn đồng tình với chủ trương nhập muối của bộ NNPTNT. Việc quyết định cho nhập hay không là hết sức khó khăn. Nếu đánh giá không chính xác tình hình sản xuất muối, nhập khẩu thừa sẽ bóp chết sản xuất trong nước. Nhưng nếu thiếu thật mà không cho nhập sẽ gây ra thiếu muối cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phong nhận định đây chỉ là giải pháp trước mắt. “Nên chăng cần tiến hành điều tra một cách khoa học và bài bản về tình hình sản xuất muối, nhu cầu muối của từng ngành và của xã hội để có thể chủ động và có chiến lược phát triển ổn định cho ngành muối.
Trước đây cũng có một số điều tra, nghiên cứu về vấn đề này, nhưng chưa đạt được quy mô, tầm vóc, độ kỹ lưỡng của một nghiên cứu cơ bản mang tính quốc gia. Phải có một nơi hoạch định, dự báo tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ về chính sách đối với ngành này. Chính phủ nên giao cho một bộ, phối hợp với các bộ khác để làm việc này. Nếu không, chúng ta sẽ luôn ở trong thế bị động.” – Ông Phong kiến nghị.