Làm cánh đồng mẫu lớn, lãi gấp đôi

TP - Sau khi Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển "cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) ở miền Bắc, Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu xây dựng mô hình này. Làm CĐML, có thể lãi gấp đôi, nhưng việc triển khai ở miền Bắc không dễ.

>Nông dân trồng lúa sẽ được hỗ trợ tiền hằng năm

Nở rộ "cánh đồng một màu"

Mô hình CĐML đầu tiên của miền Bắc do Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang triển khai tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình), với diện tích 46 ha lúa trong vụ đông xuân năm nay.

Nông dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật FF (Farmer’s Friends - kỹ sư "cùng nông dân ra đồng" của Cty) cắm chốt tại xã, hướng dẫn, tập huấn từng công đoạn, từ lúc chuẩn bị hạt giống đến lúc thu hoạch; được giảm giá 5% thuốc bảo vệ thực vật (cho nợ đầu vụ, trả cuối vụ), và chính quyền hỗ trợ đầu ra khi thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Hướng ở thôn Ngô Xá sau khi dự đợt tập huấn kỹ thuật, cho biết gia đình có 4 sào (2 thửa) nằm trong vùng CĐML.

"Tôi thấy cách làm khác xưa lắm. Trước đây, trên mảnh ruộng đó, thích giống gì, gieo cấy lúc nào là tự mình, lúc lúa chín thu hoạch thế nào, bán cho ai là quyền của tôi.

Nhưng khi tham gia CĐML, tôi được cán bộ hướng dẫn làm đất cùng đợt, gieo cùng một loại giống, được bày cho cách xử lý đất nhiễm độc, thời điểm phun thuốc… gần như các hoạt động triển khai đồng loạt cả cánh đồng. Chưa biết thu hoạch thế nào, nhưng thấy cách làm rất khoa học nên chúng tôi theo", chị nói.

Nhìn cánh khu CĐML ở Ngô Xá, thấy bờ vùng, bờ thửa đã ít dần, thửa ruộng được mở rộng, có đường bê tông đủ rộng để xe tải vào chở lúa, máy gặt đập liên hợp đi vào.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm HTX Nguyên Xá, cho biết, trước đây, cả xã có 300 ha canh tác, thì có tới 6.000 mảnh, nhưng năm 2011, đã đồn điền đổi thửa, còn lại 2.500 mảnh.

"Làm CĐML sẽ giúp điều tiết được nước, phòng trừ sâu bệnh và lúa chín đều cả cánh đồng. Có máy móc cơ giới vào, sẽ làm được đồng loạt, tránh mỗi ruộng một màu trên cánh đồng.

Hơn nữa, khi có máy gặt đập liên hợp, người trung niên, người già vẫn làm tốt, khắc phục cảnh thiếu hụt lao động trẻ ở nông thôn hiện nay", ông Hùng nói.

Về mô hình này, bà Đoàn Thị Kim Tứ, Phó giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình, cho biết, tỉnh đang làm cơ chế, chính sách cho phát triển mô hình CĐML.

Bà Tứ nói: "Do vụ này triển khai hơi cập rập, chưa hỗ trợ được đầu vào cho nông dân, còn đầu ra, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp mua cho nông dân khi thu hoạch. Vụ mùa tới, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân làm CĐML".

Ngoài mô hình trên, dù trước đây chưa gọi CĐML nhưng ở Thái Bình, một số Cty đã đầu tư, làm theo CĐML. Tại xã Đông Quý (huyện Tiền Hải), ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ nhiệm HTX Đông Quý, cho biết xã đã phối hợp Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) làm cả chục năm nay, cả cánh đồng chỉ trồng một loại giống, trên diện tích lớn, được bao tiêu đầu ra. Theo ông Hưng, Đông Quý đang làm 110 ha (850 hộ) diện tích lúa giống cho TSC theo mô hình CĐML.

Cty cung cấp (cho dân nợ, cuối vụ trả) giống lúa siêu nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, cam kết mua lúa sau khi thu hoạch, với tỷ lệ 1 kg bằng 1,25 kg thóc thịt, theo giá tại thời điểm thu hoạch. Còn HTX sẽ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo hình thức trả chậm, không tính lãi.

Theo ông Hưng, mô hình này giúp nông dân lãi 1,2-1,4 triệu đồng/sào/vụ, giảm được 25% chi phí, ngày công lao động, trong khi làm lúa thường chỉ lãi 650-700 nghìn đồng/sào/vụ.

Phải tích tụ ruộng đất

Là đơn vị làm thành công CĐML ở miền Nam, nhưng khi đưa mô hình này ra Bắc, Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Sáu, Phó Ban điều hành chương trình "Cùng nông dân ra đồng” của Cty, nói: "Chúng tôi không đặt nhiều tham vọng làm mô hình khép kín ở Thái Bình, là cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.

Bước đầu, chỉ mong chuyển giao được quy trình kỹ thuật canh tác, giúp nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, tạo thói quen sử dụng một loại giống, nâng cao năng suất, giảm các chi phí, công lao động".

Vụ đông xuân 2012, cả nước có 20 tỉnh tham gia CĐML, với diện tích khoảng 19 nghìn hécta. Riêng ở miền Bắc, ba tỉnh đi đầu là Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, với tổng diện tích trên 1.000 ha.

Dự kiến, vụ mùa tới, ba tỉnh trên sẽ nâng diện tích CĐML lên 1.700 ha.

Theo ông Sáu, làm theo CĐML có thể giúp nông dân tăng thêm 5 triệu đồng/ha so với cách làm thông thường, nhờ tăng năng suất, giảm các chi phí khác.

"Tuy nhiên, ở miền Bắc, việc triển khai gặp khó, do ruộng manh mún, chỉ 46 ha nhưng của gần 400 hộ, trong khi CĐML ở miền Nam từ 400-500 ha, thậm chí hơn 1.000 ha/mô hình, số hộ cũng ít hơn. Ở miền Bắc, bà con quen kiểu bao cấp, chưa làm đã muốn hỗ trợ hiện vật, sản xuất chưa quen với cách làm hàng hóa, thu hoạch xong cứ về cất, lúc cần mới xúc ra bán. Trong khi CĐML là phải thu hoạch cùng lúc, để doanh nghiệp bao tiêu", ông Sản nói.

Chia sẻ cách làm CĐML ở miền Bắc, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình, muốn có CĐML phải có tích tụ ruộng đất một cách tự nhiên, theo định hướng của Nhà nước. Diện tích đất lớn, mới cơ giới hóa, áp dụng được khoa học kỹ thuật, hình thành nền sản xuất hàng hóa, trong đó doanh nghiệp là mắt xích quan trọng.

Theo ông Báo, việc thực hiện CĐML ở miền Bắc rất khó thực hiện, vì diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, riêng ở Thái Bình chưa đến 0,5 sào/người.

"Cái khó nữa là tập quán tiêu dùng người miền Bắc khác với miền Nam, nông dân quen gặt về tích trữ, để vừa ăn vừa bán dần, nên không tạo thành thị trường hàng hóa. Muốn thay đổi tập quán canh tác, miền Bắc phải mất 5-10 năm nữa mới có thể bằng miền Nam được", ông Báo nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, trước mắt, CĐML miền Bắc hướng tới là có diện tích đủ lớn, dồn điền đổi thửa, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào.

Cùng đó, kêu gọi doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đặt hàng và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu.

Không mở rộng tích tụ ruộng đất, khó làm ăn lớn

Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (tỉnh làm CĐML từ năm 2010-2011), nói: Thực tế cho thấy, tích tụ ruộng đất càng lớn thì càng tạo điều kiện cho sản xuất lớn. Nên việc mở rộng hạn điền càng nhiều càng tốt cho sản xuất lớn.

Những nông dân không có kinh nghiệm sản xuất tốt, không có nhiều vốn và có nghề nghiệp khác thì nên bán ruộng cho những người có kinh nghiệm, điều kiện vốn liếng làm và người ta tích tụ ruộng đất được.

Nếu làm như thế thì nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn mới phát triển được. Chứ mỗi nông dân một khoảnh ruộng thì không làm ăn lớn được.

Theo Báo giấy