Lại thấp thỏm với 'bệnh lạ' ở làng Rêu

TP - “Bệnh lạ chết người, sợ lắm”, bà Phạm Thị Soi ở làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi) nói, giọng run run. Bà Soi là một trong số 5 trường hợp bị mắc bệnh lạ được phát hiện ở xã Ba Điền trong năm nay, sau một thời gian bệnh này im ắng…

> 'Bệnh lạ' chưa lui đã nhận 'thành tựu'
> Ngăn chặn bệnh lạ tái xuất

Trong vòng 2 năm qua, đã có 24 người dân huyện Ba Tơ tử vong vì hội chứng viêm da dày, sừng bàn tay bàn chân (quen gọi “bệnh lạ”). Nay bệnh lạ quay lại, khiến người dân nơm nớp âu lo.

Sợ chứ!

Bà Phạm Thị Soi từng mất con và cháu vì bệnh lạ, nay lại bị tái phát.
 

Cách đây chưa tròn năm, bà Soi đã mắc bệnh. Gia đình bà có thêm vợ chồng đứa con gái và cháu ngoại cũng mắc. Bà Soi và con rể được chữa khỏi nhưng con gái và cháu ngoại thì vĩnh viễn ra đi. Ngày 4 –3 mới đây, bà già người H`rê khắc khổ này tái phát bệnh.

Chúng tôi cùng ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ vào làng Rêu nơi được coi là “rốn” của bệnh lạ những ngày đầu bệnh tái bùng phát. Làng Rêu cách trụ sở xã Ba Điền chưa tới 2km nhưng đường vào lắm đoạn sình lầy, chiếc xe 2 cầu gầm rú rồi mắc cạn ngay giữa cánh đồng.

Cánh đồng làng Rêu đang độ vào đòng, xanh ngát. Hạt lúa làm ra từ cánh đồng này, bao đời gắn bó và nuôi sống người làng Rêu. Hạt lúa nơi đây, giờ đã bị “kỳ thị” khi ngành y tế khuyến cáo là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh.

“Người ta đổ lỗi cho bà con ăn gạo mốc, nhưng lúa gạo người làng Rêu là giống lúa từ đồng bằng, canh tác như đồng bằng. Dân không ăn gạo làm ra nữa, chuyển qua ăn gạo nhà nước cấp. Ăn rồi vẫn bị bệnh”, ông Phong nhìn về phía cánh đồng trăn trở.

Phải mất gần 20 phút xe mới vào được làng Rêu. “Đường sá thế này đây. Người mắc bệnh nếu ra đến huyện thì chỉ có nước trầm trọng hơn”, ông chủ tịch huyện thở dài.

15km mất hơn tiếng đồng hồ. Năm trước, phát hiện trường hợp nặng, dân làng dùng xe máy chở người bệnh ra Trung tâm y tế huyện. Ra đến nơi, nhiều trường hợp người bệnh đã nguy kịch rồi.

Mấy năm qua, dự án mở rộng nâng cấp tuyến đường vào xã Ba Điền vẫn chưa thể triển khai vì huyện không có ngân sách, chính quyền và dân chỉ biết ngồi chờ.

Ông Phong kể lại trường hợp đau lòng ở làng Rêu mà chính ông tới tận nhà, tận tay dìu người bệnh, với hi vọng cứu lấy mạng sống. Đó là chị Phạm Thị Ẩn con gái của bà Soi. Dịp đó, dịch bệnh bùng phát, ông Phong vào làng Rêu thấy Ân bụng phình trướng, tay chân đã lở loét, người nhà nhất quyết không không cho đi mà đòi gọi thầy cúng.

Ông Phong đã trực tiếp đỡ chị Ẩn dậy, vận động người nhà đưa ra xe, chở xuống huyện. Do phát hiện muộn, bệnh đã nặng, chị Ẩn được chuyển thẳng ra Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng rồi chị không qua khỏi. Ít ngày sau, con chị Ẩn cũng theo mẹ, trong nỗi đau của dân làng và chính quyền địa phương.

“Đau lòng lắm. Đợt đó, cứ mỗi lần nghe hung tin là tôi và anh em lại đứng ngồi không yên. Bệnh gì quái ác, cứ chết dần chết mòn người ta mà không tìm ra được căn cơ. Bệnh cứ nhè vào mùa mưa mà phát, đường sá sình lầy dân càng thêm khổ”, ông chủ tịch huyện buồn rầu.

Trong khi đó, trạm y tế xã Ba Điền vẫn là dãy nhà cấp 4 cũ nát, xuống cấp, thiết bị y tế nghèo nàn. Mấy năm nay, trạm y tế mới vẫn còn xây dựng dang dở, chưa biết thời gian hoàn thành.

Trước Tết, làng Rêu được các đoàn thể từ huyện đến xã huy động trai tráng, thanh niên phụ nữ dọn dẹp nhà cửa tươm tất. Tết yên bình và người dân vơi đi phần nào mất mát đã gánh chịu suốt hai năm qua. Nhưng rồi, bệnh lạ quay lại, nỗi sợ lại hiện về.

Trưởng thôn Phạm Văn Xuân còn khá trẻ, năm ngoái mắc bệnh nhưng được chữa khỏi. Những ngày qua anh Xuân và lãnh đạo xã, huyện vận động dân làng khám bệnh sàng lọc. Đã có ít nhất 14 người ở Ba Tơ phát hiện mắc bệnh và tái phát, trong đó có 11 trường hợp ở Ba Điền mà chủ yếu ở làng Rêu. Khám, xét nghiệm, nghe bác sĩ thông báo, những người bị nhiễm bệnh mặt mũi đều xám ngắt vì sợ.

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Văn Nho cho biết: “Ngay khi bệnh lạ tái phát, chúng tôi đã tổ chức họp cán bộ xã, trưởng thôn, già làng để ổn định tâm lý cho người dân. Người dân lo sợ là đúng, bởi người từng được chữa khỏi nay lại mắc. Y học hiện đại rồi, sao mãi vẫn chưa tìm ra căn cơ và chữa trị được dứt điểm?”.

“Từ ngày có dịch bệnh tái phát, chúng tôi ăn không yên, ngủ không yên. Dân hoang mang, vì từng nghe nói dịch bệnh đã được khống chế rồi”, ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch xã Ba Điền lo lắng. Bản thân ông Bút năm 2012 cũng có biểu hiện nhẹ bị bệnh ở tay. Hỏi ông Bút có sợ không? Ông ngập ngừng: “Sợ chứ sao không”.

Có chiều hướng lan rộng?

Người dân thôn Kà Khú, xã Sơn Ba của huyện miền núi Sơn Hà bên cạnh cũng đã bắt đầu xuất hiện bệnh lạ, điều chưa từng xảy ra trước đó. Ngày 19–2 vừa rồi, vợ chồng ông Đinh Văn Hoàn (63 tuổi) và bà Đinh Thị Lơ (57 tuổi), đều trú tại Kà Khú nhập viện với biểu hiện bệnh lạ giống ở huyện Ba Tơ. Từ đó, người dân Kà Khú bắt đầu hoang mang.

Ngành y tế phun thuốc khử trùng ngay sau khi thông tin nơi đây có người mắc bệnh. Nhiều người dân lần đầu tiên thấy những nhân viên y tế với áo ni lông bọc kín, đeo khẩu trang đi phun thuốc khử trùng. Thuốc nặng mùi hôi, bay mù trời, nhưng nhiều người vẫn tròn xoe mắt dõi theo với vẻ mặt ngạc nhiên lạ lẫm

Cán bộ Trạm y tế xã Sơn Ba cho hay chẳng ai biết bà Lơ, ông Hoàn bị bệnh gì hết. Hai ông bà bị lở ngứa ở tay chân từ mấy hôm trước Tết. Trạm y tế cho ông bà thuốc về uống và bôi. Mấy ngày sau, bà Lơ bị sốt, nhập viện rồi mới biết là bệnh lạ. Ghé nhà vợ chồng bà Lơ, ông Hoàn, chỉ có hai cô con gái Đinh Thị Đê và Đinh Thị Hạnh ở nhà. “Bố mẹ em mắc bệnh lạ có chết không anh?”, Đê hỏi.

Hàng xóm thấy có người lạ và cả bác sĩ đến nhà bà Lơ nên ghé qua hỏi han tình hình ông bà. Nghe tin ông bà bị bệnh lạ, một người dân lên tiếng “Nó lây sang tận bên này rồi a. Nghe nói nó làm chết người nữa”. Cán bộ y tế trấn an dân làng rằng: Không sao, sẽ chữa khỏi mà.

Dân làng nhốn nháo. Mọi người ra về với một nét mặt khác, đầy lo sợ, khác hẳn ban đầu. Trong đám đông nghe giọng người ai đó nói: cái đó phải cúng mới khỏi!

Rời Ba Điền khi đám trẻ làng Rêu tan trường, các em vẫn hồn nhiên tíu tít trên đường về. Chỉ có ánh mắt chúng lạ lẫm khi ô tô chạy vào tận làng mình…

Bệnh nhân Đinh Văn Thập (17 tuổi, ở xã Sơn Kỳ, Sơn Hà) mắc bệnh lạ trong tình trạng nguy kịch, suy gan nặng, nguy cơ tử vong cao, vừa được Bệnh viện Quảng Ngãi chuyển ra Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cấp cứu với hy vọng cứu sống tính mạng. Đây là trường hợp bị nặng nhất sau khi bệnh lạ tái phát.

Theo Báo giấy