Cuộc chơi “tất tay”
Hơn 3 tháng tôi mới gặp lại Cao Huyền Tuấn Anh (38 tuổi, trú thành phố Pleiku), chủ Homestay Tiên Sơn Pleiku, Gia Lai. Anh gầy, đen và nhiều nếp nhăn hơn. Có lẽ, dịch COVID-19 làm anh phải suy nghĩ, lo lắng. Hôm tôi đến, trung tuần tháng 9, anh đang ngồi uống cà phê với vợ ở góc sân homestay.
“Dịch nhưng mình vẫn nuôi hơn 10 nhân viên, tiền lãi ngân hàng, điện, nước vẫn đóng hàng tháng và hàng loạt các chi phí cố định khác”, Tuấn Anh thở dài. Trong khu du lịch gần 2ha, nhiều công nhân tranh thủ nghỉ dịch cắt cỏ, tỉa uốn cây cảnh. Số khác chăm chút tân trang, làm mới các phòng ốc, chờ hết dịch… đón khách.
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TPHCM năm 2006, thừa hưởng tư duy kinh tế thị trường, hai năm sau, anh về Gia Lai mở công ty quảng cáo, cà phê nhạc DJ, nhà hàng câu cá tính giờ… Đây là những dịch vụ khá mới mẻ ở Gia Lai. Anh khá thành công. Sau đó thị trường bão hòa, anh tìm hướng đi khác.
Với tính cách quảng giao, Tuấn Anh có khá nhiều bạn bè ở ngoại tỉnh. Những người bạn khi đến Gia Lai tham quan… họ ngỏ ý không hài lòng, chê trách tỉnh nhà thiếu thốn các dịch vụ. “Họ bảo lên Tây Nguyên mà ngủ khách sạn, đi nhà hàng thì cả nước này họ đi “nát” hết rồi. Tỉnh nào cũng có. Gia Lai với ngút ngàn cây xanh, không khí trong lành, họ thích vừa chơi, vừa nghỉ dưỡng, vãn cảnh”, Tuấn Anh kể.
“Thấy bạn bè than phiền về quê hương, mình cảm thấy tổn thương. Nghĩ tại sao không làm một cái gì đó để thu hút mọi người đến Gia Lai, quảng bá hình ảnh Pleiku? Cách nào giữ chân khách du lịch ở lại Pleiku thay vì chỉ ghé qua vài điểm rồi đi. Có một nơi để người dân Gia Lai nghỉ dưỡng. Hai vợ chồng mình quyết định mở homestay từ đó”, Tuấn Anh trải lòng.
Những tưởng đó là chuyện “trà dư tửu hậu” bên tách cà phê. Nhiều tháng sau, anh ngẫm thấy, Pleiku đúng là thành phố vắng bóng du lịch, khách tới èo uột, một đoàn chỉ dăm bảy người, đi về chẳng thấy quay lại. Đến Gia Lai thì chỉ ghé qua. Cả năm mới thấy bóng dáng một ông “Tây ba lô” lên phố núi. Khái niệm homestay chưa từng xuất hiện ở Gia Lai trước đó. “Thấy bạn bè than phiền về quê hương, mình cảm thấy tổn thương. Nghĩ tại sao không làm một cái gì đó để thu hút mọi người đến Gia Lai, quảng bá hình ảnh Pleiku?", Tuấn Anh trải lòng.
Năm 2016 lên ý tưởng. Năm 2017 anh tìm đất, mất một năm mới tìm được chỗ ưng ý. Năm 2019, sau bao khó khăn về thủ tục pháp lý, anh mới hoàn thiện hồ sơ đất đai.
Như một cuộc chơi “tất tay”, đúng như lời Tuấn Anh nói, với 5 tỷ đồng tích góp bao lâu, cùng gia sản đem cầm cố ngân hàng, tất cả số vốn trên anh “đổ hết” vào làm homestay Tiên Sơn Pleiku. Một khu nghỉ dưỡng sinh thái phủ đầy cây xanh, không khí trong lành mát mẻ, bể bơi, phòng xông hơi nóng lạnh, khu cà phê có hồ cá Koi. Với lối kiến trúc độc đáo, các ngôi nhà mang đậm phong cách Bắc Âu. Nội thất và không gian ấm cúng, gần gũi, hoà mình vào thiên nhiên… nơi đây đã làm “bùng nổ” Gia Lai, trở thành điểm check-in lý tưởng của những người ưa du lịch, thích khám phá.
“Mình rất lạc quan. Khó khăn như là bài test để thử thách giới hạn bản thân, chứ không phải khó là buông bỏ”.
Tuấn Anh trải lòng
Tháng 12/2020 homestay khai trương, khách muốn đặt chỗ phải đặt lịch trước. Lượng khách ổn định 1.500-2.000 người/mỗi tháng. Ngày Tết, anh đón gần 2.000 khách một ngày. Ngoài du khách trong nước nhiều nhất đến từ Hà Nội, TPHCM còn có khách Pháp, Anh, Đức, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng tìm đến homestay Tiên Sơn vì vẻ đẹp thiên nhiên của nó. Một điểm nhấn du lịch đáng mơ ước của Gia Lai, của Tây Nguyên mà ngay cả Bí thư Thành ủy, Chủ tịch TP.Pleiku lúc thị sát, động viên Tuấn Anh xây dựng homestay – cũng bất ngờ về độ “phủ sóng” của nó.
“Vượt bão” COVID-19
Niềm vui chẳng được bao lâu, dịch COVID-19 tràn qua, như nhiều doanh nghiệp khác, homestay Tiên Sơn Pleiku phải đóng cửa. Không có khách thì không có tiền. Mọi thứ chững lại, đóng băng. “Tạm nghỉ kinh doanh nhưng vẫn phải trả lương nhân viên với cộng thêm tiền điện, tiền chi phí cố định khác. Khó khăn bủa vậy, quỹ tiền dự trữ cạn kiệt”, Tuấn Anh thở dài. Anh nói, nếu COVID-19 kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, tình hình sẽ xấu đi và trở nên tồi tệ hơn.
Tranh thủ thời gian homestay tạm ngưng hoạt động, anh nâng cấp vườn cảnh, đào tạo kỹ càng nhân viên, duy trì kỹ năng làm việc, lau dọn thường xuyên các căn nhà. Anh phối hợp với đội ngũ marketing chuyên review các hình ảnh trước tiên là của Gia Lai, sau đó đến homestay Tiên Sơn. “Những ngày dịch, người dân ở nhà sẽ lên mạng xã hội nhiều. Mình đẩy mạnh quảng bá hình ảnh để người ta biết đến nhiều cảnh đẹp của Gia Lai và homestay Tiên Sơn. Hiện rất nhiều khách hàng đã đặt lịch Tết đến homestay Tiên Sơn nghỉ dưỡng”, Tuấn Anh lạc quan.
Dịch COVID-19 đã tác động sâu đến nền kinh tế cả nước. Thấu hiểu điều đó, để gượng dậy, anh cũng tự đặt ra các ưu đãi như giảm giá phòng cho khách đến lưu trú; ra tận bến xe, sân bay đón khách. Khách còn được lấy miễn phí dàn xe mô-tô của homestay để tham quan thành phố. Thậm chí được nhân viên ở đây nhiệt tình giới thiệu các điểm ăn uống, vui chơi khác ở Gia Lai để không bị bỡ ngỡ hay lạc đường. Mọi thứ đã được anh làm mới, tân trang chờ đón khách đến với homestay Tiên Sơn.
Thậm chí, tranh thủ nghỉ dịch, Tuấn Anh còn đầu tư trồng cỏ, cải tạo khuôn viên sân vườn khoảng 5.000m2, trồng thêm cây bóng mát để có sân đá bóng, khu vực vui chơi cho trẻ em và sân cỏ rộng cho những tiệc ngoài trời với lượng khách lớn lên đến 1.000 khách.
Anh tin tưởng ở cuối đường hầm luôn có ánh sáng và thành quả chỉ đến với người biết cố gắng. “Lúc này, dịch COVID-19 cơ bản đã kiểm soát, nhưng không thể chủ quan. Chỉ cần sớm dập tắt dịch COVID-19, thì xem như đó là cách chính quyền đã tháo gỡ cho các doanh nghiệp lúc này”, Tuấn Anh đầy hy vọng.