‘Kỳ nhân’ chữa hóc xương qua… điện thoại
Hễ có bệnh nhân nào bị hóc xương đến khám tại bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Xương (Thái Bình) là được giới thiệu đến nhà ông Thuận chữa trị.
Câu chuyện về ông Đặng Văn Thuận, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình, người có biệt tài chữa hóc xương hết sức đơn giản khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Hơn 30 năm qua, có hàng nghìn người bị hóc xương đến gặp ông đều được chữa khỏi. Thậm chí có người chỉ cần nói chuyện với ông qua điện thoại, hóc xương cũng hết. Nhiều người đã truyền tai nhau về khả năng chữa bệnh kỳ lạ của ông.
Bài thuốc gia truyền
Ông Thuận năm nay đã 62 tuổi nhưng trông khỏe mạnh, dân dã và khá trẻ so với tuổi. Hôm chúng tôi tìm đến ông đang lấm lem với việc quét vôi lại ngôi nhà. Vừa ngồi được một lúc thì có một cụ già khoảng trên 70 tuổi đi xe đạp gõ cổng hỏi: "Có phải nhà ông Thuận không?". Có khi lại là người đến chữa hóc xương đấy. Quả không sai, bà khách vừa vào đến nhà đã nói: "Tôi bị hóc xương cá từ hôm qua, làm đủ mọi cách rồi mà không được. Chú giúp tôi với".
Ông Thuận mời bà khách ngồi và đưa bà cốc nước. Bà khách uống cốc nước, mặt vẫn nhăn nhó vì đau. Được một lúc ông bảo: "Bà thấy thế nào". Bà lão lắc đầu nói: "Vẫn vướng ở cổ". Ông Thuận liền đứng dậy đi ra khỏi nhà. Một lúc sau ông trở về cầm trên tay ít lá cây, rửa sạch và bảo bà nhai rồi nuốt. Khoảng 15 phút sau thì mặt bà tươi tỉnh hẳn, bà nói: "Hình như xuống rồi chú ạ, không thấy đau nữa". Ngồi chơi một lúc rồi bà xin phép ra về, không quên cảm ơn và đưa ông tờ 50.000 đồng. Ông Thuận lắc đầu dứt khoát không lấy. Ông bảo: Tôi biếu cụ.
Năm 20 tuổi, sau khi học xong Trung cấp Y, ông về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình được một năm thì lên đường nhập ngũ. Ông vào bộ đội được 5 năm, bị thương trở về địa phương, tiếp tục công tác với vai trò y sĩ tại Bệnh viện đa khoa Kiến Xương gần 40 năm thì nghỉ hưu.
Ông ngoại ông vốn có tiếng là “thần y” chữa hóc xương đã truyền lại cho ông. Từ đó đến nay, hơn 30 năm trôi qua, nhà ông đã trở thành địa chỉ của những người không may bị hóc xương. Đến bây giờ mọi người vẫn kể lại rằng, hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân bị hóc xương tìm đến bệnh viện. Nếu là hóc xương bên ngoài, có thể nhìn thấy được thì bác sĩ sẽ nội soi và gắp ra. Còn nếu là hóc xương bên trong thì bác sĩ thường giới thiệu đến nhà ông Thuận.
Tiếng lành đồn xa, khắp trong hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải rất nhiều người biết đến biệt tài của ông Thuận. Vì vậy hầu như ngày nào nhà ông cũng được tiếp những vị khách “không mời mà đến” cầu cứu vì bị hóc xương.
Chữa hóc xương qua điện thoại
Đối với làng xóm xung quanh, hầu như ai cũng ít nhất một lần phải tìm đến ông Thuận. Bà Nguyễn Thị Mai kể lại: Cách đây hơn 10 năm, một lần ăn cơm tôi bị nghẹn rau muống, mặt mày tím đen lại. Con gái tôi phải chạy sang nhà ông Thuận, vừa khóc vừa nói: "Chú sang cứu mẹ cháu với, mẹ cháu chết mất". Ông liền xua tay: "Mày cứ về đi, về đến nhà là mẹ mày sẽ hết". Không ngờ, 5 phút sau, khi con gái về đến nhà cũng là lúc tôi thấy tự nhiên dễ chịu hẳn, bắt đầu thở được. Lúc đó tôi mới nghĩ rằng đúng là vừa từ cõi chết trở về. Tôi cũng không hiểu ông ấy chữa cho tôi bằng kiểu gì vì không trực tiếp gặp tôi, cũng không cho tôi ăn hay uống thuốc gì. Khi tôi hỏi ông ý, ông mới bảo rằng tôi chữa bằng mẹo cho bà.
Việc ông chữa hóc xương bằng điện thoại cũng không còn chuyện lạ. Vì vậy nhiều người dân ở đây phải xin số điện thoại của ông để phòng lúc bị… hóc xương. Mới đây, anh Nguyễn Văn Hương, ở Hà Nội trong lúc đang liên hoan cùng với bạn bè thì gọi điện cho ông: "Chú ơi, bạn cháu bị hóc xương vịt". Ông liền bảo: "Đi ra khỏi nhà, nhằm hướng Đông, nhìn thấy lá cây nào đầu tiên có thể ăn được thì vặt lấy mấy lá nhai nuốt đi là sẽ hết". Thực hiện đúng như vậy, không ngờ chỉ ít phút sau là anh bạn không còn cảm giác bị vướng ở cổ nữa.
Bà Nguyễn Thị Cúc, vợ ông cũng là một điều dưỡng nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Xương kể: "Nhiều người hóc xương đến đây lắm, có khi phải đến hàng nghìn người. Cứ người nọ mách người kia".
Mới hôm trước, có ông hơn 80 tuổi, người xã Phương Công, Tiền Hải được con chở đến đây vì bị hóc xương gà. Ông chỉ có răng giả, không nhai được, nuốt vội bị mắc cả miếng thịt lẫn xương ở cổ. Khi chở đến đây, mặt mày ông tái xanh, không nói được, người rét run, phải đưa lên giường đắp chăn. Sau một lúc chữa, tự dưng ông ấy nôn thốc nôn tháo ra nhà, kèm theo miếng thịt gà có cả xương to bằng hai ngón tay. Nôn xong ông ấy dễ chịu hẳn, mặt mày hồng hào trở lại, cứ cảm ơn rối rít. Con cái cũng thở phào nhẹ nhõm.
Không chỉ chữa hóc xương mà ông Thuận còn trực tiếp chữa 2 ca hóc… tăm. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Mận, ở Bình Nguyên, Kiến Xương vì không may đã nuốt chiếc tăm nhọn bị vướng ngang cổ. Mặc dù đã áp dụng đủ mọi phương pháp dân gian nhưng vẫn không có tác dụng. Được người quen mách, chị phải tìm đến nhà ông Thuận. Cũng sau một lúc được ông chữa, chị đã nôn ra kèm theo chiếc tăm sắc nhọn.
Cả nhà cùng chữa
Mặc dù ngôi nhà ông không hề có biển hiệu nhưng cứ đến đầu làng hỏi nhà ông Thuận thì ai cũng biết. Bất kể đêm ngày, bệnh nhân đều tìm đến nhà ông. Có nhiều lần đã 1-2h đêm vẫn có người gọi cổng. Thì ra người bị hóc xương đau đớn không chịu được, nên dù chưa sáng vẫn phải tìm đến. Bất kể giờ nào ông cũng đều đón tiếp niềm nở, mời vào nhà uống nước rồi tìm đủ mọi cách để chữa cho bệnh nhân. Chữa bằng mẹo không được thì ông phải cho “mồi thuốc”. Nếu không trôi xuống thì ông phải cho nôn ra. Đối với những trường hợp hóc xương ngay bên ngoài, có thể nhìn thấy thì ông giới thiệu ra bệnh viện nhờ bác sĩ gắp ra.
Đặc biệt từ bao năm nay chữa bệnh nhưng ông chưa bao giờ đề ra kinh phí cho mỗi lần chữa. Ông bảo: Mọi người tùy tâm, bao nhiêu cũng được. Người 5-10 nghìn, người bơ gạo tôi đều nhận. Còn những người già, trẻ nhỏ, người nghèo thì tôi chữa miễn phí. Quan trọng là cứu người và tích đức cho con cháu.
Chữa bệnh lấy cái tâm làm gốc nên khắp nơi gần xa, ai cũng quý mến vợ chồng ông Thuận. Dù không là bác sĩ nhưng mấy chục năm nay, đối với người dân nơi đây, ông đã như người bác sĩ gia đình. Nhà nào có ai bị ốm đau cũng tìm đến ông Thuận. Không nề hà việc khó, việc khổ, đêm hôm ông đều tận tình giúp đỡ mà không hề đòi hỏi. Không chỉ có biệt tài chữa hóc xương mà với gần 40 năm làm y sĩ trong bệnh viện nên ông có khá nhiều kinh nghiệm và “mẹo” hay trong việc chữa trị các bệnh thường ngày. Ông thường phổ biến cho bà con làng xóm.
Hiện nay, ông đã truyền nghề lại cho anh con trai cả. Vợ ông cũng biết “mẹo” chữa hóc xương của chồng. Nhiều lần bệnh nhân tìm đến, ông Thuận không có nhà, không có cách nào khác bà phải trực tiếp chữa. Tuy vậy đa số các trường hợp ông vẫn trực tiếp chữa trị.
Theo Đất Việt