'Kỹ nghệ' huấn luyện chim săn giá bạc triệu của cặp song sinh

Với niềm đam mê chim săn vô bờ bến, cặp song sinh Nguyễn Việt Anh và Nguyễn Nhật Anh từng bước tìm hiểu, huấn luyện những chú chim hoang dã, hung hãn như đại bàng vua, đại bàng ưng, chim ưng, chim cắt... có thể “vâng lời” con người đi săn mồi trên các thảo nguyên, rừng núi hay đồng bằng.
Cặp song sinh và những chú chim săn rất quý hiếm có tiền cũng khó mua được.

Đặc biệt, cặp song sinh này còn ước muốn đưa thú chơi chim săn với những tuyệt kỹ săn mồi trên không trung điêu luyện, đẹp mắt thành môn thể thao nghệ thuật mới, có thể biểu diễn rộng rãi ở Việt Nam giống như các nước trên thế giới từng làm hàng trăm năm qua.

Phải có đam mê mới theo được?

Những ngày đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi có dịp gặp hai anh em song sinh Việt Anh và Nhật Anh (cùng sinh năm 1991, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) tại một quán cà phê ở đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) với những cảm xúc khó tả. Một phần do ngoại hình của hai người giống nhau như một, phần nữa là câu chuyện về hành trình huấn luyện những chú chim hoang dã thành những “người bạn” thân thiết, sống tương hỗ nhau để cuộc đời thêm nhiều phần ý nghĩa. Và theo họ, để chơi chim săn theo đúng nghĩa, cần nhất vẫn là niềm đam mê.

Theo lời Việt Anh, hai anh em có niềm đam mê yêu và nuôi chim từ nhỏ. Đến năm học lớp 12, trong một lần đi học về, hai anh em thấy trên đường bán rất nhiều chim ưng nên mua thử một chú với giá 700 ngàn đồng về nuôi để thỏa niềm đam mê. “Thế nhưng, tụi em cũng chỉ nuôi chú chim ưng ấy được hơn 2 tuần thì thả đi, bởi lúc ấy, dù tụi em tìm kiếm rất nhiều nguồn sách, báo cả trên mạng lẫn ngoài đời vẫn không thấy một tài liệu nào nói về cách chăm sóc chim ưng cả, sợ nó chết nên thả”, Việt Anh kể lại.

Một năm sau, hai em Việt Anh và Nhật Anh bất chợt xem được một phóng sự nói về người Mông Cổ dùng chim đi săn trên tivi. Khi xem xong, cả hai đã thốt lên vì “manh mối” cách nuôi và huấn luyện chim săn đã được hé mở. Thế nhưng, cả hai cặm cụi kiếm tìm thêm nhiều ngày cũng không thấy một nguồn tài liệu nào. 

“Đúng lúc này, hai anh em lại phát hiện ở Hà Nội có một Hội chim săn mới thành lập, đánh dấu thú chơi chim săn có mặt tại Việt Nam. Sau đó, hai anh em gặp được những người chung niềm đam mê đầu tiên ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc cùng chia sẻ nguồn kiến thức về thú chơi mới mẻ này. Rồi tụi em phải mất thêm 2 năm nữa mới có thể tập hợp được những kiến thức căn bản về nuôi, chăm sóc và huấn luyện chim săn”, Nhật Anh cho biết.

Sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu, từng bước hoàn thiện cách chăm sóc, huấn luyện chim săn, đồng thời phổ biến cho một số bạn trẻ có cùng đam mê, hiện tại, hai anh em Việt Anh và Nhật Anh đang là Hội trưởng Hội chim săn Sài Gòn với hơn 10 thành viên, mỗi người sở hữu ít nhất một chú chim săn thuộc những loài có phẩm chất tốt, giá trị mỗi con tùy thuộc vào cách huấn luyện của chủ và sự thành công khi đi săn. Việt Anh nói: “Tụi em không muốn bàn nhiều về giá trị của từng con chim săn, có điều, những chú chim tụi em đang sở hữu chỉ có giới chơi chim săn sành điệu mới có thể đánh giá chính xác nó được...”.

Theo Việt Anh: “Thời gian qua, nhiều người biết tới Hội chim săn Sài Gòn và có mong muốn gia nhập hội. Thế nhưng, rất nhiều lần tụi em nhận các bạn vào, song chỉ được vài ngày là họ “bỏ cuộc chơi”. Thú thực, tụi em sẵn sàng chia sẻ tất cả những kinh nghiệm về chim săn nhưng cái tụi em cần ở người chơi là niềm đam mê của họ. Chơi chim săn phải có niềm đam mê thực sự mới có thể tồn tại với nó được. Bởi để hiểu về cách chăm sóc của một loài chim thôi cũng rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian, còn việc phải miệt mài học cách huấn luyện chúng săn mồi theo ý muốn của mình mất rất nhiều công nữa. Thế nên, hãy đam mê nó trước và phải “sống - chết” với niềm đam mê đó thì mới chơi chim săn được”, Việt Anh đúc kết.

“Kỹ nghệ” huấn luyện chim săn

“Hiện tại, việc nuôi và huấn luyện chim săn mồi với tụi em như một cách để trải nghiệm cuộc sống. Thế nhưng, để huấn luyện chúng thành những “sát thủ bầu trời” theo điều khiển của con người thì cần những “kỹ nghệ” huấn luyện nhất định”, Nhật Anh chia sẻ.

Được biết, ngoài công việc kinh doanh, điều hành một công ty chuyển phát nhanh tại quận Tân Bình, mỗi ngày Việt Anh và Nhật Anh đều dành khoảng 1-2 tiếng để chăm sóc và huấn luyện chim săn mồi. Buổi sáng, cả hai mang chim đại bàng ra sân tắm nắng, rồi chuẩn bị nước cho chúng tự tắm. Ban ngày chim được để ngoài trời, tối mang vào phòng. Môi trường thích hợp để nuôi chim là khoảng 25 độ.

Theo Việt Anh, việc nuôi chim và huấn luyện chim đại bàng cũng không đơn giản, cần nhiều kiến thức, điều này ở Việt Nam chưa có. Vì thế, từ năm 2010, hai anh em miệt mài lên mạng tìm tài liệu từ nước ngoài về dịch, nghiên cứu, rồi rút từ kinh nghiệm thực tế tạo thành giáo trình huấn luyện rất công phu, quan trọng nhất vẫn là dụng cụ huấn luyện: bao tay bằng da bò để giữ cho tay không bị thương khi cho chim đậu trên tay. Mặt khác, mỗi con chim đại bàng đều có mũ đội kín mắt để kiểm soát, nhất là những lúc chim hung hăng khi tập săn mồi hoặc khi đi săn thực tế.

Được biết, thức ăn dành cho chim săn thường là thức ăn tươi sống. Ngoài ra còn bổ sung thêm gan, tim bò. "Ngoài tự nhiên, loài đại bàng ăn gì thì tụi em cho ăn như vậy. Có điều, khi chim bị thương trong lúc tập luyện hoặc mắc bệnh, người huấn luyện cũng phải có những kiến thức “y tế” để chữa trị kịp thời. Phải cho chúng ăn đúng giờ, và thường xuyên, mỗi bữa cách nhau chừng 2 - 3 tiếng”, Nhật Anh nói.

Theo đánh giá của cặp song sinh này, chim săn khá hung dữ khi được cho ăn, nên phải dùng đến còi hiệu lệnh điều khiển. Vì dù được con người nuôi nấng, chăm sóc nhưng với bản năng là loài săn mồi hoang dã nên chúng vẫn rất dữ dằn. Do đó, huấn luyện chim đòi hỏi người chơi phải trang bị tốt kiến thức, thao tác chỉ huy chim. "Mỗi người nuôi chim lại có một cách luyện khác nhau nhưng chủ yếu là giúp chim phát triển khả năng bay tự do và săn mồi theo bản năng”, Nhật Anh cho biết thêm.

Cặp song sinh Việt Anh - Nhật Anh chia sẻ “kỹ nghệ” huấn luyện chim săn.

Việt Anh và Nhật Anh cho biết những loài chim săn nói chung, nguy hiểm nhất là đôi chân của chúng khi con người đứng gần, vì chỉ cần bị chúng “cắp” một cái, rất có thể dẫn đến đứt gân, phải đi phẫu thuật lại. “Một khi bị đại bàng, ưng hay chim cắt “cắp” tay thì hầu như việc giải thoát khỏi đôi chân của chúng là điều bất khả kháng. Lúc này, người chơi cần sự trợ giúp để gỡ ra từ từ, nhẹ nhàng, tránh làm vết thương sâu và nặng hơn. Nếu dùng vũ lực để gỡ bỏ những chiếc móng sắc nhọn của chúng khỏi tay người bị cắp thì “hậu quả” rất khó lường cho nạn nhân”, Việt Anh nhận định.

Hai anh em Việt Anh, Nhật Anh phân tích, dòng chim lượn là dòng dễ làm quen với môi trường mới nhất, vì thế, có thể lựa chọn chim đã trưởng thành để huấn luyện. Với dòng chim ưng thì khó hơn nên thường chọn cách nuôi chim non và huấn luyện ngay từ nhỏ. Ngoài ra, cần phải có những bài tập thể lực cho chúng hàng ngày, đồng thời, cũng phải tập cho chúng độ hung hãn khi nhìn thấy con mồi nhằm tạo tính nhạy bén, đây là hai yếu tố quyết định để đánh giá chim săn. Trong khi đó, cân nặng lý tưởng cũng là yếu tố then chốt trong huấn luyện chim săn bởi chính điều này làm nên sự hài hòa về thể lực với trọng lượng của nó để chim săn có thể bay tự do - đạt trạng thái săn mồi tốt nhất.

“Ngoài ra, lúc huấn luyện và đi săn thực tế, điều quan trọng nhất là người huấn luyện hoặc chỉ huy cuộc săn phải coi chim săn như đối tác, hai bên phải tương hỗ nhau nhịp nhàng mới có thể đạt tới thành công mỹ mãn được. Mặt khác, chim săn “bắt mồi” hoàn toàn độc lập với người huấn luyện, sự chi phối đều dựa vào tiếng còi của người chỉ huy nên cần có những kinh nghiệm thực tế mới đạt độ chính xác cao, giúp chim bắt gọn con mồi phía trước”, Việt Anh nhận định.

Theo đó, khi phát hiện con mồi, người huấn luyện phải ý thức việc hướng mắt chim săn về phía con mồi, đồng thời lúc thả chim cần phải phối hợp tốt giữa quan sát, khoảng cách, vị trí con mồi, thấy thích hợp mới bung chim ra, có như thế hiệu quả bắt được mồi sẽ cao hơn. 

Lý giải điều này, hai anh em Việt Anh và Nhật Anh cho biết: “Vì mắt chim tinh gấp 5 lần so với mắt người nên khi huấn luyện và đi săn thực tế, người huấn luyện cần biết chính xác khoảng cách giữa con mồi so với chim săn trên tay mình để khi “bung” chim ra, con mồi không còn đường nào chạy thoát. Thường tỷ lệ săn mồi của chim săn tụi em huấn luyện đạt tới 90%. Tụi em thường tụ họp nhóm vào cuối tuần để báo cáo tình hình huấn luyện của các thành viên, thỉnh thoảng lại tổ chức cho chim đi săn thực tế để hoàn thiện các bài huấn luyện. Tụi em và Hội chim săn Sài Gòn đang tích cực hoạt động và hoàn thành một số thủ tục để xin phép chính quyền đưa thú chơi chim săn thành môn thể thao nghệ thuật ở Việt Nam như các nước trên thế giới. Tụi em ước nó sẽ thành hiện thực để quảng bá rộng rãi về thú chơi này tới tất cả mọi người Việt Nam”, Nhật Anh tâm sự.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu