>> Ngân hàng chưa thu về 7 tấn vàng đã cho vay
>> 'Việt Nam sẽ nhận 11 tỷ USD kiều hối năm 2013'
Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2014. Tuy nhiên, với những rủi ro, thách thức, Việt Nam cần tiếp tục kiên định chính sách ổn định kinh kế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đồng thời quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2013. Ông có thể đưa ra vài nét tổng quan về tình hình kinh tế năm 2013 cũng như những dự báo lớn về kinh tế năm 2014?
Đến thời điểm này, có thể khái quát kinh tế Việt Nam năm 2013 với cụm từ ngắn gọn: “ấm lên từ đáy”.
Đáy ở đây có thể hiểu là năm 2012, với GDP tăng trưởng 5,03% (thấp nhất trong 10 năm trước đó), và năm nay, dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,2 - 5,3%. Động lực tăng trưởng năm nay không phải do đầu tư nội địa (dự kiến ở mức khoảng 30% GDP so với mức 33,5% GDP năm 2012), mà cơ bản vẫn là do xuất khẩu (tăng khoảng 15% so với năm 2012), giải ngân đầu tư FDI và ODA (tăng 7 - 8%), và phần nữa là do tổng cầu (sản xuất và tiêu dùng), dù còn yếu ớt, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi.
Năm 2014, kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, tăng trưởng khoảng 3,2% so với mức dự kiến khoảng 2,6% năm nay. Trong bối cảnh đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, với các giả định về nhân tố nội tại như tổng mức đầu tư toàn xã hội không đổi, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15%, nhưng sức cầu tăng mạnh hơn…., thì tăng trưởng kinh tế năm tới có thể đạt mức cao hơn (khoảng 5,5%).
Năm 2013, ngành ngân hàng đã làm được những gì để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, và sẽ phải tập trung vào những nhiệm vụ gì trong thời gian tới, thưa ông?
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành ngân hàng đã làm được nhiều việc tích cực, như kiềm chế lạm phát phù hợp mục tiêu, giảm mạnh lãi suất, điều hành tỷ giá linh hoạt và khá ổn định, tái cơ cấu căn bản các ngân hàng yếu kém, đảm bảo hoạt động ổn định và thanh khoản được duy trì; đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tích cực hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp qua các gói tín dụng, cơ cấu lại nợ và cơ chế phân loại nợ...
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc mà ngành ngân hàng phải làm thời gian tới.
Thứ nhất, lạm phát vẫn luôn rình rập, nên không thể chủ quan.
Thứ hai, cần đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Thứ ba, cần chủ động đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tăng cung tín dụng cho nền kinh tế.
Thứ tư, chủ động đề xuất phương án và lộ trình tăng room cho nhà đầu tư ngoại nhằm hỗ trợ đẩy nhanh và tăng tính minh bạch quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, phải tăng cường truyền thông tốt hơn, tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ và cùng nhau vượt khó.
Theo ông, đâu là những rủi ro, thách thức nhất mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt?
Từ nay đến hết năm 2013 và gối đầu sang năm 2014, kinh tế thế giới tiềm ẩn 4 rủi ro, thách thức lớn.
Đó là, thất nghiệp ở các nước phát triển vẫn ở mức rất cao, khiến các nước vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, gây áp lực giảm giá đồng tiền và tăng thâm hụt ngân sách, tác động đến xuất khẩu, rủi ro đòn bẩy tài chính ở nhiều nước.
Thứ hai, những quyết sách của nước lớn (khả năng chấm dứt gói QE của Mỹ, bong bóng tín dụng ở Trung Quốc, thay đổi chính sách của Chính phủ Nhật…), có thể khiến dòng vốn biến động mạnh mẽ hơn, các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) sẽ chịu tác động tiêu cực nhất định.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế ở một số nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Brazil… có dấu hiệu tiếp tục chậm lại, tác động nhiều đến xuất khẩu, đầu tư và thu hút khách du lịch của các nước, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, nếu như đàm phán Hiệp định TPP thành công trong năm 2013, Việt Nam có lợi về xuất khẩu nông và thủy sản, may mặc… (do được giảm thuế xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Canada…), nhưng chịu áp lực lớn về đáp ứng yêu cầu bảo hộ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (tỷ lệ nội địa hóa), vấn đề sở hữu trí tuệ….
Thứ tư, khó khăn nội tại trong nước vẫn còn nhiều.
Để đối phó với những rủi ro đó, thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục kiên định chính sách “ổn định kinh kế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, đẩy nhanh thực hiện 3 “đột phá” (thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực) như đã đề ra.
Đồng thời, phải triển khai quyết liệt và đồng bộ tái cơ cấu 3 trụ cột nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cho phép tăng room nhà đầu tư ngoại với ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục giải pháp hữu hiệu hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp, khẩn trương định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập TPP và khối AEC...
Theo Thùy Liên
Báo Đầu tư