Vụ việc này khiến chính phủ Ấn Độ cảnh giác và khẩn cấp tiến hành điều tra nguyên nhân. Sự thật được phơi bày khiến người ta sửng sốt...
Một số nhà hoạt động xã hội cho rằng, số liệu này phản ánh mức độ phổ biến của hiện tượng phá thai có chọn lọc ở địa phương. Điều này được hiểu rằng: tại một số khu vực nghèo của Ấn Độ đang tồn tại hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ - người dân địa phương tin rằng phụ nữ không thể trở thành nguồn sức lao động nuôi sống gia đình. Nếu ai sinh con gái, ắt sẽ dẫn đến nghèo đói cho gia đình. Do đó, nếu biết trước thai nhi là bé gái, các gia đình sẽ tự chọn cách phá bỏ thay vì sinh chúng ra.
Từ lâu nay, chính phủ Ấn Độ đã dốc sức vào việc loại bỏ hủ tục này, đã có nhiều chính sách liên quan được đề ra, nhưng hiện tượng được phát hiện ở Atakash lần này đã gây nên sự hoài nghi của công chúng về tính khả thi và hiệu quả của các chính sách đó.
Mất cân bằng giới tính
Theo báo cáo, vụ việc xảy ra chủ yếu ở vùng Atakash thuộc bang Uttarakhand, bắc Ân Độ. Theo thống kê, trong 3 tháng qua, ở 132 ngôi làng thuộc vùng này có tổng cộng 216 bé trai đã được sinh ra mà không có một bé gái nào. Nhân viên công tác xã hội Karpana Thakur nói khi được phỏng vấn: “Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ngôi làng đã không có bé gái nào được sinh ra trong 3 tháng qua. Số liệu này phản ánh hiện tượng phá bỏ thai nhi giớ tính nữ tại vùng này đã trở nên rất phổ biến. Mặc dù chính phủ đã ban hành pháp lệnh liên quan, nhưng nó không thực sự có tác dụng”.
Để duy trì sự cân bằng giới tính dân số, chính phủ Ấn Độ từ năm 1994 đã ban hành luật quy định rõ việc cấm phá thai có chọn lọc. Mặc dù vậy, hiện tượng phá thai có chọn lọc ở nhiều vùng của ân Độ vẫn tồn tại và trở nên đặc biệt phổ biến ở một số nơi. Sự cân nhắc của nhiều gia đình là, nếu sinh con gái, sẽ phải chuẩn bị những món của hồi môn cao ngất khi con kết hôn trong tương lai; còn nếu sinh con trai, không những không mất của hồi môn, mà nó còn có thể kiếm tiền cho gia đình.
Báo cáo thống kê của vùng Atakash đã khiến chính quyền địa phương vô cùng lo lắng. Các cơ quan y tế đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để nghiên cứu các biện pháp đối phó. Giám đốc y tế địa phương, Ashish Chauhan, nói: “Trong 132 làng, có 82 làng có tỷ lệ sinh đẻ khá cao, chúng tôi sẽ điều tra những làng này trước. Cần làm rõ lý do mất cân bằng nghiêm trọng giữa trẻ sơ sinh trai và gái. Cần tăng cường giám sát vùng Atakash. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra chi tiết hơn và nghiên cứu biện pháp đối phó”.
Được biết, trước đây vùng Atakash chưa bao giờ xảy ra hiện tượng phá thai có chọn lọc quy mô lớn, vì vậy số liệu thống kê không có bé gái nào ra đời ở 132 ngôi làng đã thức sự gây sốc. Ông Gopal Lavath, một nghị viên quốc hội bang Uttarakhand, đã yêu cầu Bộ Y tế bang điều tra nguyên nhân sinh ra kết quả thống kê đáng lo ngại này.
63 triệu phụ nữ “biến mất”?
Theo Báo cáo Khảo sát Quốc gia ấn Độ năm 2011, tỷ lệ nam/nữ ở trẻ em từ 0-6 tuổi ở ấn Độ từ năm 1971 đến 2011, đã thay đổi từ 1000/964 thành 1000/914. Trong 10 năm trước 2011, xu hướng này lan ra hơn 2/3 số bang ở ân Độ. Ngay cả ở các thành phố lớn, vấn đề cũng nghiêm trọng không kém. Năm 2011, tỷ lệ trẻ em trai/gái ở thủ đô New Delhi là 1000/871, là một trong những nơi thấp nhất trong cả nước. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tại một số bang ở miền bắc ấn Độ, sự chênh lệch giới tính ở trẻ em lên tới 1.000 (nam)/ 850 (nữ).
Năm 2015, bà Maneka Gandhi, khi đó là Bộ trưởng Phát triển phụ nữ và trẻ em ấn Độ đã chỉ rõ: Do “trọng nam khinh nữ”, mỗi ngày trên cả nước ân Độ có khoảng 2.000 bé gái bị sát hại. Năm 2011, tạp chí y khoa có uy tín của Anh “Lancet” đã công bố một báo cáo nghiên cứu rằng trong 30 năm trước đó, ước tính có khoảng 12 triệu thai nhi giới tính nữ ở ân Độ đã không có cơ hội ra đời do việc phá thai có chọn lọc. Theo một cuộc khảo sát do chính phủ ấn Độ công bố năm 2018 về tỷ lệ giới tính của dân số quốc gia, khoảng 63 triệu phụ nữ đang biến mất khỏi dân số ân Độ.
Về khía cạnh muốn có con trai hơn con gái, thì “toàn bộ xã hội ân Độ đều cho rằng cần phải thay đổi quan điểm này”.
Thủ tướng Narendra Modi ra tay
Trước sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nam và nữ trong nước, Thủ tướng ân Độ Narendra Modi năm 2015 đã phát động một chiến dịch kêu gọi dân chúng thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” truyền thống, “nói không với phá thai có chọn lọc” và đảm bảo rằng các bé gái được đến trường.
Ngày 22/1/2015, tại bang Haryana, một trong những khu vực mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất ở ân Độ, Thủ tướng Modi đã phát động chiến dịch “Beti Bachao, Beti Padhao” (Cứu các bé gái, cho bé gái học hành). Đối mặt với các khán giả phụ nữ, ông nói: “Trong xã hội của chúng ta, các bé gái thường bị giết ngay trong bụng mẹ, nhưng chúng ta thờ ơ. Chúng ta không có quyền giết hại con gái mình. Là thủ tướng, tôi kêu gọi bạn hãy cứu lấy sinh mạng con gái của mình”.
Chính phủ ấn Độ đã xác định 100 khu vực mất cân bằng giới tính trẻ em nghiêm trọng nhất, với tỷ lệ từ 1000/875 đến 1000/837. Những khu vực này sẽ là trọng tâm của chiến dịch “Cứu các bé gái, cho bé gái học hành”, trong đó bao gồm tăng cường thực thi pháp luật, cấm phá thai có chọn lọc và nâng cao tỷ lệ được đi học của trẻ em gái.
Một số người tin rằng một phong trào như vậy muốn có hiệu quả phải có sự tham gia của đàn ông ấn Độ. Trong một xã hội do nam giới thống trị như ấn Độ, chỉ có sự tham gia tích cực của đàn ông mới có thể có được bình đẳng giới.