Thực tế này đã phản ánh ít nhiều những sai lầm trong quy hoạch, cải tạo các khu chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại kết hợp chợ của các cơ quan thẩm quyền Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, trả lời các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp mới đây, UBND thành phố Hà Nội vẫn khẳng định chủ trương cải tạo các khu chợ là đúng đắn. Riêng về hiệu quả kinh tế “cần một thời gian dài mới có thể đánh giá được”.
Theo khảo sát của VnEconomy, mặc dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, chuyển đổi mô hình, trong đó trung tâm thương mại - chợ Hàng Da là 236 tỷ đồng, chợ Cửa Nam hơn 100 tỷ đồng, chợ 12/9 là 400 tỷ đồng…, song đến nay hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại các “chợ kiểu mới” nói trên đều đang sống dở chết dở với mô hình mới.
Riêng trung tâm thương mại - chợ 12/9 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng nay, song nhiều hộ kinh doanh tại đây tỏ ra không lấy gì làm hồ hởi, vui mừng với khu chợ được bố trí ở tầm hầm, tầng 1, tầng 2.
Bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện nhóm tiểu thương chợ Hàng Da cho biết, hơn 3 năm trước, cả gia đình bà phải vay mượn khắp nơi được hơn 30 cây vàng để đủ số tiền nộp cho chủ đầu tư mới có được một chỗ chỉ hơn 6 m2 trong khu chợ. Không những thế, các tiểu thương nơi đây dù đang buôn bán, kinh doanh yên ổn hàng chục năm nay, bỗng dưng phải đi bốc thăm, phân chia lại các vị trí khi chợ được cải tạo.
Thế nhưng, trong suốt gần 3 năm qua, không chỉ riêng cửa hàng rượu bia của bà sáng 10 giờ đến mở cửa, chiều 5 giờ lại dọn vào mà không có lấy được dăm ba khách hàng nào ghé chợ để mua bán, tham quan.
“Thành phố họ cho chủ đầu tư thiết kế một khu chợ mà bốn bên đều là bốn bức tường vây kín, cửa đóng suốt ngày thì thử hỏi có khách hàng nào muốn ghé vào mua bán như trước đây. Chúng tôi đã cầu cứu khắp các cơ quan, ban ngành song cũng chỉ nhận được lời hứa rồi để đây. Giờ chúng tôi muốn chuyển nhượng cửa hàng cho hộ khác cũng khó vì không có ai mua bán gì”, một tiểu thương tại trung tâm thương mại - chợ Hàng Da phản ánh.
Tình hình cũng không sáng sủa hơn với các tiểu thương tại khu "chợ kiểu mới" Cửa Nam, Ô Chợ Dừa… Nhiều hộ kinh doanh tại đây cũng cho biết suốt ngày chỉ ngồi “ngắm nhau”, buôn chuyện hoặc túm tụm xem phim, chơi bài…
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội thì tại chợ Cửa Nam có đến 62/62 hộ đã nghỉ kinh doanh hoặc sang nhượng cho chủ khác; tại chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tại chợ Hàng Da có 200/636 hộ nghỉ kinh doanh hoặc chuyển nhượng cửa hàng.
Lý do đơn giản vẫn là do kinh doanh quá kém hiệu quả, khiến các hộ tiểu thương không thể thu hồi được số tiền hàng tỷ đồng đã đóng cho chủ đầu tư.
Theo một lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội, nguyên nhân khiến các khu chợ kiểu mới trên địa bàn chưa thành công là do mô hình mẫu công trình trung tâm thương mại kết hợp chợ chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để hài hòa các công năng, vừa giữ được mô hình chợ truyền thống, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, việc thiết kế khu chợ chưa hợp lý, trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng trung tâm thương mại, chợ chỉ là phụ và chiếm tỷ lệ nhỏ.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói, lý do khá quan trọng khiến các khu “chợ kiểu mới” bị ế ẩm là do một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội vẫn có thói quen mua sắm ngay trên xe, ngại gửi xe để vào chợ. Trong khi đó, một số dự án chợ kiểu mới, chủ đầu tư đã tận dụng tối đa diện tích để kinh doanh, do đó thiết kế chỗ để xe ở tầm hầng, lối lên xuống lại dốc gây bất tiện cho các phương tiện, điển hình là chợ Cửa Nam, đã không thu hút được người dân vào tham quan, mua sắm.
Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố, không chỉ các tiểu thương trong các khu chợ khó khăn, ngay cả các chủ đầu tư cũng đang phải “đau đầu” với bài toán kinh tế của các khu chợ kiểu mới này.
“Dự báo đến hết năm 2014, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tài chính của các chủ đầu tư còn hạn chế, cùng với việc kiểm kê tình hình tài sản, tài chính của các chợ truyền thống cũ, trong khi hầu hết các dự án này đều phải hạ thấp chiều cao so với thiết kế trước đó, nên nhiều chủ đầu tư sẽ không cân đối được hiệu quả đầu tư của dự án”, lãnh đạo Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, buồn thay, trong báo cáo của UBND thành phố mới đây về thực tế các khu chợ kiểu mới, giải pháp mà UBND thành phố đưa ra cũng chỉ là “yêu cầu các quận, huyện quyết liệt giải tỏa các chợ cóc khu vực xung quanh các chợ kiểu mới nói trên để người dân vào các khu chợ kiểu mới mua sắm”.
Đối với một số dự án đã được thành phố phê duyệt nhưng chưa triển khai thì UBND các quận huyện chỉ đạo các chủ đầu tư giãn tiến độ thực hiện, chỉ tiến hành cải tạo, nâng cấp chợ hiện có để các tiểu thương hoạt động ổn định.
Theo Bảo Anh
VnEconomy