Kiều nữ Sài thành lấn sân Vua

TP - Không chỉ là người giữ lửa, lo gánh vác gia đình, giờ đây chị em của Sài Gòn hoa lệ xưa còn tham gia vào bóng đá, môn thể thao Vua lâu nay được cho là “đặc quyền, đặc lợi” của phái mạnh.

Đam mê của các cựu tuyển thủ

Sở dĩ bóng đá không thu hút nhiều chị em là bởi ai cũng sợ chơi bóng bị cháy da. Tôi vẫn thường nhìn thấy trên các sân cỏ, vào giờ cao điểm giữa trưa, vẫn có chị em phụ nữ tập chơi bóng. Họ bịt kín khẩu trang, đeo găng tay, đội mũ mềm, quần quật với trái bóng tròn hàng tiếng đồng hồ. Chị Thanh, ở quận 7, cho biết: “Công việc hàng ngày rất bận bịu, chỉ có vài tiếng buổi trưa là rảnh, nên đành phải tập cái giờ oái oăm như thế này”.

TPHCM là một trong những nơi phát triển bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam và nơi đây thường xuyên cung cấp cho đội tuyển nữ Việt Nam nhiều gương mặt nổi bật. Khi họ giải nghệ, thường làm công tác huấn luyện và từ đó gần gũi với các bạn nữ, lôi kéo họ tới các sân tập. Cựu tuyển thủ Phan Thị Anh Đào  chẳng hạn, sau khi có bằng A Huấn luyện viên do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấp, cô đã mở nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng, thu hút nhiều bạn trẻ và các bạn nữ tới tập luyện. “Để các bạn bè em và các bạn nữ yêu bóng đá có sân chơi, em đã kiêm luôn cả nghề quản lý cho thuê sân cỏ nhân tạo. Nhờ có sân mà chúng em gặp gỡ nhau thường xuyên hơn”- cô chia sẻ.

HLV Đoàn Thị Kim Chi – thuộc ban huấn luyện của đội tuyển bóng đá nữ TPHCM cũng tham gia nhiều khóa đào tạo trẻ và đào tạo bóng đá phong trào. Kim Chi nói: “Nếu ở Hà Nội có tới hai đội bóng đá nữ và các tỉnh thành lân cận như Thái Nguyên, Hà Nam ngoài đó đều có bóng đá nữ thì TPHCM ít nguồn nữ cầu thủ hơn. Ngày nay việc tuyển chọn các cầu thủ từ vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khó hơn. Chính vì vậy TPHCM phải tự chủ động xây dựng phong trào bóng đá nữ của mình”.   Nhiều cựu tuyển thủ của đội tuyển và các cựu binh khác của đội tuyển thành phố, sau khi giải nghệ đã đi học ngành sư phạm thể thao và hiện giảng dạy bóng đá ở các trường phổ thông, từ đó khuyến khích các bạn nữ chơi bóng đá. Dựa trên nguồn cung dồi dào hơn, TPHCM đã xây dựng thêm một đội bóng nữ Tao Đàn tham gia giải vô địch quốc gia từ năm 2015.

Vài năm trước, các trận đấu bóng đá nữ phong trào diễn ra thường xuyên trên sân Huynh Đệ ở quận 7 của cựu tuyển thủ Anh Đào. Hiện nay, các cựu tuyển thủ thường tổ chức các trận đấu trên sân Tao Đàn, quận 1 hàng tuần.

Ủng hộ bóng đá nữ  

Trong những ngày chào đón lễ 8/3 này, tại TPHCM đã diễn ra Giải bóng đá nữ mở rộng APG 2017 tại sân Thảo Điền, quận 2. Những khán giả tới xem giải đều ngạc nhiên thấy giải quy tụ tới 8 đội bóng đá nữ, phần lớn các bạn nữ là nhân viên văn phòng, thuộc các lĩnh vực kiểm toán, ngân hàng, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất sản phẩm… hoạt động rất thường xuyên đã về tham dự. Trong các đội này đều có một vài hạt nhân là các nữ cầu thủ từng chơi bóng chuyên nghiệp một thời của thành phố. Mang tiếng là  một giải đấu “phong trào” nhưng với cách thức tổ chức giải lại rất chuyên nghiệp.  Ban tổ chức APG Women Football Tournament 2017 đã mời dàn huấn luyện viên gồm các nữ tuyển thủ Việt Nam từng tham dự các kỳ SEA Games để hướng dẫn kỹ thuật cho các đội tham dự. Vì thế, vào giải, tính cạnh tranh quyết liệt trong từng trận đấu. Lực lượng trọng tài bắt chính các trận thi đấu tại APG Women Football Tournament 2017 đều là... tuyển thủ của đội Futsal Vietnam hiện nay, họ tới điều hành giải tăng thêm sức hút cho bóng đá Futsal nữ!

Tham dự giải APG Women Football Tournament 2017 còn có cả một đội bóng đá nữ của các bạn nước ngoài. Các bạn nữ làm việc tại Việt Nam cũng tập hợp lại luyện tập và chơi bóng với nhau thường xuyên. Đội bóng toàn “ngoại binh” này liên tục hạ đo ván nhiều đội nữ mạnh của các công ty Việt Nam tham dự giải.

Chung tình

Chúng tôi đã có cuộc hẹn làm việc với cựu tuyển thủ thuộc thế hệ bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam Trần Thị Phương Loan. Mặc dù sớm giã từ đội tuyển để lo cho gia đình, nhưng cựu tiền vệ trụ của đội tuyển vẫn chưa bao giờ rời sân bóng và cô thường xuyên tham gia tập luyện cùng các bạn trong đội, huấn luyện các đội bóng nữ phong trào.  Hiện cô cũng tham gia chương trình “Vua Phạt Đền” trên kênh HTV7.  Phương Loan cho biết: “Phần lớn các bạn nữ tuyển thủ và các các cầu thủ chơi bóng nữ chuyên nghiệp đều có cuộc sống khá ổn định”.

Theo Phương Loan, bóng đá đối với nữ giới không đơn giản chỉ là giải trí hay một môn thể thao mà nó như một tình yêu bất tận. Những bạn nữ chơi bóng chuyên nghiệp hoặc gắn với bóng đá lâu dài phải vượt lên nhiều định kiến, phải thực sự có sức khỏe, thực sự đam mê. “Chúng em phải cám ơn bóng đá” – Phương Loan nói- Nhờ có bóng đá mà chúng em tự tin hơn trong cuộc sống, có mối quan hệ xã hội rộng rãi hơn ở nhà, nhiều bạn còn học giỏi ngoại ngữ và nhiều chuyên môn khác. Sau khi giải nghệ, đa số các bạn đều học tiếp lấy bằng cấp sư phạm thể thao, huấn luyện viên, hoặc trọng tài. Ngoài việc giảng dạy thể thao, các bạn đều làm tốt công việc ở các công ty lớn, cuộc sống rất ổn định.

Nhờ vốn tiếng Anh tốt, kiến thức xã hội rộng, Phương Loan và các bạn cũng đang giữ những công việc quan trọng trong công ty của mình.

Duyên, một nữ cầu thủ dáng nhỏ con, gan lỳ, nhanh nhẹn, sau khi giải nghệ cũng đã học thêm lấy bằng cấp. Cô không chỉ đi xem các giải bóng đá nữ mà các giải bóng đá nam, đặc biệt là các trận có tuyển Việt Nam. Cô và các cựu cầu thủ nữ luôn có mặt cổ vũ động viên ở khán đài B ở sân Thống Nhất. Theo Duyên, một khi người nữ đã yêu bóng đá thì họ không còn yêu môn gì khác được nữa. Duyên ví von: “Với một người con gái bộn bề công việc mà đã bỏ ra hàng chục năm chơi bóng đá, quả là một mối tình vượt mọi thời gian”.

Không còn là giấc mơ

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ nhân vật Kim trong phim U-14 - đội bóng trong mơ (Hãng phim Giải Phóng), bộ phim đáng yêu về thể thao được sản xuất những năm 2000.  Thủ vai lúc đó là một bé mê bóng đá tên Huỳnh Thị Thanh Khiết, con gái của một thương binh.  Thanh Khiết sau đó đã đầu quân cho bóng đá nữ TPHCM.

Gặp lại Thanh Khiết bây giờ, thấy cô vẫn năng động và trẻ trung với tình yêu trái bóng tròn. Thanh Khiết ăn ở ngay trong khuôn viên của Đội Futsal nữ Thái Sơn Nam quận 8 TPHCM, đội bóng Futsal nữ mạnh và chuyên nghiệp nhất Việt Nam hiện nay. Cuộc đời Khiết giống như một câu chuyện lãng mạn của bóng đá nữ Việt Nam. Nếu nhân vật Kim trong bộ phim đã tìm mọi cách để được đi đá bóng trong sự dị nghị của người đời năm nào, thì hôm nay, Khiết là một thành viên chủ chốt trong ban huấn luyện của đội Futsal nữ Thái Sơn Nam. Đội đã giành chức vô địch giải CLB Đông Nam Á 2015. Ngày nay bóng đá nữ đã phổ biến ở Việt Nam và ngay cả bóng đá nữ trong nhà cũng có những bước tiến rất nhanh. Ít ai biết, Khiết ngày ngày vẫn cặm cụi lo cho các học trò của mình, ngay cả vào mùa hè cô cũng dành thời gian để huấn luyện cho bóng đá nhi đồng tại sân bóng đá quận 8.

Vĩ thanh

Tết năm vừa rồi, tình cờ tôi có gặp Phụng, một cựu nữ cầu thủ của TPHCM đang chăm sóc cho mẹ già ở trong bệnh viện 115. Cô gái gốc Huế này đảm nhiệm mọi công việc chăm sóc mẹ, ở lại đêm trong bệnh viện. Như nhiều đồng nghiệp và bạn bè của mình, cô cho biết: “Vẫn chưa lập gia đình nên mọi việc từ kinh tế đến việc lớn việc nhỏ trong nhà đều phải lo đảm nhiệm”.

Đôi khi người ta nghĩ con gái chơi bóng phải có tố chất nam tính nhưng hoàn toàn ngược lại. Những nữ cầu thủ chính là những người có nhiều phẩm chất nữ tính nhất và họ lại là người chơi bóng thành công, họ phải có sự kiên trì, có sự dẻo dai, tính cách thông minh và tính toán uyển chuyển, quyết liệt nhưng không bao giờ cứng nhắc.

* Ảnh trong bài: Hình ảnh sôi động của Giải bóng đá nữ phong trào TPHCM chào mừng 8/3/2017. Ảnh: T.N.A

_______________

3/2017

Đoàn Thị Kim Chi cũng là một mẫu nữ cầu thủ rất thành đạt trong sự nghiệp huấn luyện. Từ Bến Tre lên TPHCM chơi bóng đá, Kim Chi đã đoạt 4 Quả bóng vàng, 4 chức vô địch SEA Games. Cô cũng lập kỷ lục khó tin của một HLV bóng đá nữ khi đưa CLB TPHCM vô địch Quốc gia ngay trong mùa dẫn dắt đội bóng. Đến thăm đội bóng của cô trên sân Tao Đàn, thấy không khí luyện tập luôn hết sức tập trung và tràn đầy nhiệt huyết. Năm 2016, Đội bóng đá nữ TPHCM đã bảo vệ thành công ngôi vô địch, đem lại niềm vui và niềm tự hào cho thể thao thành phố. Tuy vậy, Kim Chi vẫn rất khiêm nhường: “Đội em còn nhiều điểm yếu, còn phải khắc phục trong thời gian tới”.