> Trung Quốc thay đổi bản đồ quần đảo tranh chấp
Để bảo vệ hay đánh chiếm Senkaku/Điếu Ngư thì việc đầu tiên là phải chiếm thế thượng phong về không chiến và hải chiến quanh nhóm đảo. Biện pháp thứ hai để tránh một cuộc tấn công là đưa quân đồn trú và pháo lên quần đảo nhỏ bé, nghèo tài nguyên này.
Nếu thiếu vắng sức mạnh không quân và hải quân quanh Senkaku/Điếu Ngư, thì cầm chắc bại trận. Các lực lượng trên đảo không có sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ bị mắc kẹt và yếu thế về hỏa lực, chưa kể yếu tố đói khát.
Rõ ràng rằng, các biệt đội mặt đất được trang bị đến tận răng có thể biến Senkaku/Điếu Ngư với địa hình hiểm trở thành con nhím tua tủa lông nhọn dựng đứng.
Ví dụ, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản (GSDF) được trang bị hỏa tiễn hành trình đối hạm phóng từ xe tải có thể giáng đòn sấm sét xuống bất kỳ cuộc tấn công trên biển nào.
Họ có thể thu mình trong những hầm ngầm, công sự kiên cố, giữ vững vị trí trước các đợt oanh tạc từ trên không và từ tên lửa. Dù quân số ít nhưng GSDF có thể bám trụ lâu, khó mà bị đánh bật.
Tuy nhiên, chỉ có thể bám trụ trong khoảng thời gian nhất định. Bất kỳ bên nào kiểm soát được vùng trời và vùng biển sẽ có quyền quyết định số phận Senkaku/Điếu Ngư.
Nếu các lực lượng hải, lục, không quân Nhật - Mỹ có thể duy trì lối tiếp cận mở tới quần đảo, trong khi chống đỡ được sự tấn công của Trung Quốc, liên minh sẽ thắng trận.
Họ có thể tái cung cấp quân số, vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm cho lực lượng đồn trú trên đảo, để họ có thể bám trụ có thể nói là vô thời hạn.
Nhưng nếu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) giành được quyền kiểm soát không phận và hải phận quanh Senkaku/Điếu Ngư, họ sẽ tự do bao vây đảo, khiến binh sĩ Nhật Bản trên đảo chết dần chết mòn. Và cuối cùng, Bắc Kinh chiến thắng.
Nếu chiến sự diễn ra ở Senkaku/Điếu Ngư, ai sẽ thắng trận? Một số người cho rằng, Trung Quốc có khả năng ca khúc khải hoàn, dù Nhật Bản đang nắm quyền quản lý nhóm đảo không người ở này và Mỹ cam kết bảo vệ chúng. Địa lý và lực lượng quân sự là hai lý do chính dẫn đến nhận định như vậy.
Trước tiên, hãy xem xét ưu nhược điểm địa lý của Senkaku/Điếu Ngư. Sĩ quan hải quân, nhà sử học Mỹ Alfred Thayer Mahan, người từng nói “Ai kiểm soát được biển, người đó sẽ kiểm soát được cả thế giới”, phân loại tài sản địa chiến lược theo vị trí, sức mạnh và tài nguyên.
Senkaku/Điếu Ngư nằm ở vị trí hiểm trở gần cực nam của chuỗi đảo Ryukyus không được phòng thủ, gần về phía Đài Loan hơn là các đảo lớn của Nhật Bản, và gần như là ở điểm giữa của đảo Okinawa thuộc tỉnh cực nam cùng tên của Nhật Bản và Trung Quốc đại lục.
Sự phòng thủ tự nhiên của Senkaku/Điếu Ngư là vừa phải, do quy mô nhỏ và phân tán thành vài đảo nhỏ.
Vị trí, điều kiện địa lý của Senkaku/Điếu Ngư khiến phe tấn công có nhiều sự lựa chọn, nếu họ quyết tâm đánh chiếm quần đảo này.
Thay vì tổ chức tấn công tổng lực, PLA có thể đánh chiếm một hòn đảo, đưa vũ khí lên đó và từ đây liên tục công kích các địa điểm của GSDF. Cuối cùng, PLA chiếm các đảo còn lại thông qua chiến thuật thái salami (xúc xích Ý).
Vì các đảo nhỏ hầu như không có tài nguyên thiên nhiên để hỗ trợ lực lượng đồn trú, mọi thứ phải được vận chuyển vào bằng đường biển hoặc đường hàng không.
Nếu Trung Quốc giành được quyền kiểm soát dù chỉ một phần nhỏ không phận và hải phận quanh Senkaku/Điếu Ngư, họ có khả năng hiện thực hóa kế hoạch đánh chiếm rồi phòng vệ các đảo tranh chấp này thông qua một số trận hải chiến và không chiến.
Theo cách phân loại của ông Thayer Mahan, Senkaku/Điếu Ngư giống như Gibraltar, tức là không có vị trí chiến lược lý tưởng, không có sự phòng vệ tự nhiên đáng kể.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.
Trước kia, Gibraltar là một căn cứ quân sự quan trọng của lực lượng vũ trang và hải quân Hoàng gia Anh. Anh và Tây Ban Nha tranh giành Gibraltar trong một thời gian dài.
Giống như Gibraltar, Senkaku/Điếu Ngư sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ hậu cần từ bên ngoài nếu xảy ra chiến tranh. Tiềm năng địa chính trị của quần đảo này là rất nhỏ, xét theo cả ba tiêu chí của ông Mahan là vị trí, sức mạnh và tài nguyên.
Nhà lý luận đương đại người Anh, Sir Julian Corbett, cho rằng, chiến tranh trên biển ở quy mô nhỏ là đặc quyền của bên tham chiến - nước có thể cô lập chiến trường thông qua hoạt động hải quân, trong khi bảo vệ quê hương của mình khỏi sự phản công quy mô lớn.
Một cuộc phản công như vậy có thể làm tê liệt quân đội từ xa, lật đổ chính phủ của đối phương, hoặc nếu không, buộc đối phương phải kiện ra tòa để đổi lấy hòa bình.
Phe nào có lực lượng vũ trang có thể biến biển thành trở ngại vật lý không thể vượt qua được đối với hành động của đối phương sẽ ở thế thượng phong trong việc tập trung sức mạnh quân sự áp đảo tại những thời điểm quyết định trên chiến trường.
Cụ thể là tăng đáng kể khả năng lực lượng viễn chinh của mình đạt được các mục tiêu chính trị, chiến lược, quân sự.
Liên minh Nhật - Mỹ khó có thể leo thang quân sự chống lại Trung Quốc đại lục vì Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản có ít năng lực tổ chức tấn công, trong khi logic đánh chặn hạt nhân loại trừ cơ hội thực tế là Mỹ sẽ làm thế.
Và vì thế, nếu PLA có thể cô lập quần đảo, họ sẽ đáp ứng tiêu chí của ông Corbett về chiến tranh hạn chế. Liên minh Nhật - Mỹ sẽ không bao giờ đạt được tiêu chí đó.
Nếu Nhật Bản muốn giữ Senkaku/Điếu Ngư lâu dài, họ cần tìm cách giữ đường tiếp cận đảo được thông suốt; ngăn Trung Quốc vào vùng chiến lược (ví dụ, triển khai tên lửa chống tàu ở đảo Yonaguni, thả thủy lôi, huy động nhiều tàu nhỏ được trang bị tên lửa…); cân nhắc tăng đầu tư cho quốc phòng…
Hôm qua, Nhật Bản phản đối việc hai tờ báo Mỹ là Washington Post và The New York Times đăng bài quảng cáo của báo Trung Quốc China Daily, trong đó Senkaku/Điếu Ngư được gọi là lãnh thổ của Trung Quốc. Quảng cáo chủ quyền Điếu Ngư trên New York Times ra ngày 29-9 có mức báo giá là 250.000 USD.
Ngày 30-9, gần 1.000 người Đài Loan xuống đường biểu tình ở huyện Ilan, thể hiện ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với Điếu Ngư/Senkaku. Dự kiến, ngày 1-10, Thủ thướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cải tổ nội các.
Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun, ông có thể thêm một thành viên nội các là bà Makiko Tanaka, nhân vật thân Trung Quốc, con gái cố Thủ tướng Kakuei Tanaka (người có công bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc 40 năm trước).
Thái An
tổng hợp