Khu Kinh tế mở Chu Lai: Bế tắc!

TP - Tại Hội thảo khoa học tổng kết 6 năm ra đời Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai - mô hình KTM đầu tiên tại Việt Nam do tỉnh Quảng Nam và Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 18 - 12, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng Khu KTM này có thể biến thành một trung tâm sản xuất ô tô.

Mục tiêu ban đầu khi lập Khu KTM Chu Lai là phải mang tầm quốc tế, áp dụng luật chơi quốc tế. Nhưng thực tế lại khác. Quảng Nam phải tự mày mò cách làm, chạy xin cơ chế, thiếu quy hoạch bài bản, chuyên gia giỏi.

Chỉ 6 tháng sau khi ra đời (tháng 3 - 2003), từ chỗ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng 100% ứng với số thu phát sinh trên địa bàn trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo, thì  liền sau đó cơ chế trên bị bãi bỏ.

Cú rơi đột ngột này mở đường cho sự bế tắc trong phát triển của KTM Chu Lai. Đầu tư cơ sở hạ tầng dở dang, kém và thiếu chuẩn quốc tế. Giao thông kém. Cảng Kỳ Hà chỉ tiếp nhận được tàu 7 ngàn tấn. Sân bay Chu Lai chỉ có 4 chuyến/tuần. Nguồn vốn ODA không có.

Cơ chế ưu đãi đầu tư bám theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực tế quyết định của Thủ tướng có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản pháp luật khác và không ổn định.

Vậy nên Khu thương mại tự do, mang tiếng là mô hình mới, động lực mới nhưng cơ chế không hề có tính đột phá, không hấp dẫn các nhà đầu tư và thực tế không được triển khai…

Qua 6 năm, chỉ có 52 dự án đầu tư vào đây, với tổng số vốn đăng ký 900 triệu USD, phần lớn là các dự án đầu tư trong nước, trong đó có 32 dự án đang hoạt động. Một con số quá khiêm tốn.

Ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, những bất cập trên báo trước sự không hiệu quả của Khu KTM Chu Lai.

Các  ý kiến tại hội thảo cho rằng, để khu KTM này phát triển cần có cơ chế tài chính đặc biệt, cụ thể là cân đối lại ngân sách, cấp lại cho Khu KTM ở mức phù hợp, áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt trong việc cho thuê đất đến 70 năm, miễn tiền thuê đất chưa có cơ sở hạ tầng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đầu, miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm đầu với lao động và chuyên gia giỏi; bố trí trái phiếu chính phủ; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất; cần đặt Khu KTM Chu Lai trong hệ thống các khu kinh tế trọng điểm ven biển miền Trung; xây dựng khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sản xuất ô tô là trung tâm

Một trong những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, là để phát triển Khu KTM Chu Lai, nhất thiết phải có dự án lớn tạo động lực cho sự phát triển đồng bộ Khu KTM và đó là cho phép thực hiện dự án Trung tâm sản xuất và lắp ráp xe ô tô mang thương hiệu quốc gia.

Những người đưa ra quan điểm này cho rằng, Khu KTM Chu Lai có đủ điều kiện để phát triển ngành CN ô tô phù hợp với quy hoạch của Chính phủ; KTM có đủ diện tích để đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô.

Đây cũng là trung điểm của Việt Nam và thuận lợi trong việc xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar bằng đường bộ và các nước trong  khu vực mậu dịch tự do ASEAN bằng đường thủy.

Đối tác được chọn làm dự án động lực là Cty CP Ô tô Trường Hải. Tại Quảng Nam, suốt 6 năm qua, nhiều người hay đùa, rằng ở Khu KTM, đi qua cũng chỉ thấy ô tô Trường Hải, đi lại cũng Trường Hải Ô tô, bởi quanh đi quẩn lại chỉ thấy cơ ngơi của doanh nghiệp này là bề thế nhất.

Tại đây, Cty CP Ô tô Trường Hải đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô cùng với dịch vụ đi kèm.

Theo kế hoạch, sắp tới Cty này sẽ xây dựng tại Chu Lai khu công nghiệp cơ khí ô tô đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô  trên 1.300 ha, thu hút các đối tác trong và ngoài nước nhằm sản xuất linh kiện, phụ tùng… phục vụ nhu cầu nội địa, tiến tới mở rộng thị trường tại các nước Đông Nam Á.