Không tiền, đàn ông chẳng thiết gái gú

Ước ao lớn nhất của anh bây giờ là có việc làm ổn định, đủ tiền nuôi vợ con. Cô bé hàng xóm suốt ngày rủ đi cà phê, thậm chí mồi chài anh đi nhà nghỉ mà cô ấy nói sẽ bao tất, anh bảo “Giờ chả còn có tí ham hố nào, chỉ mong kiếm đủ tiền cho vợ con đỡ khổ”.

Không tiền, đàn ông chẳng thiết gái gú

Ước ao lớn nhất của anh bây giờ là có việc làm ổn định, đủ tiền nuôi vợ con. Cô bé hàng xóm suốt ngày rủ đi cà phê, thậm chí mồi chài anh đi nhà nghỉ mà cô ấy nói sẽ bao tất, anh bảo “Giờ chả còn có tí ham hố nào, chỉ mong kiếm đủ tiền cho vợ con đỡ khổ”.

Nói đến sự hy sinh, vất vả, người ta hay nhắc đến mẹ nhiều hơn bố, đàn bà nhiều hơn đàn ông. Mình cũng luôn cho rằng, đàn bà sinh ra vốn dĩ là khổ hơn đàn ông, nhưng 10 ngày ở nhờ gia đình anh họ, mình thấm thía và hiểu nhiều hơn về nỗi khổ của một người đàn ông khi phải gánh vác cả gia đình trên vai.

Anh họ mình sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ bệnh ốm nên anh phải bỏ học đi làm từ hồi bé. Anh làm nhiều nghề để mưu sinh, làm trong lò bánh mỳ, xe ôm, thợ xây. Nhà nghèo quá nên cũng khó lấy vợ, đến hơn 30 tuổi đầu mới lập gia đình. Cuộc sống bắt đầu có nhiều thay đổi khi chuyển sang nhận làm thầu xây dựng cho các hộ gia đình. Vợ chồng anh có của ăn của để.

Cái tật tin người và sự thiếu hiểu biết của một người không được học hành tới nơi tới chốn, ham hố làm giàu nhanh chóng đã lấy đi toàn bộ gia tài của anh khi nghe lời dỗ ngọt cho người ta vay tiền để buôn bán, không những vậy, anh còn đi vay thêm để cho vay lại ăn phần chênh lệch. Kiếp nghèo khổ hình như đã buộc chặt vào anh mất rồi. Tay trắng vào Sài Gòn, anh lại bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách quê người khi đã hơn 40 tuổi. Không bằng cấp, không tiền bạc vốn liếng, đi làm công nhân anh cũng chẳng được nhận vào vì bị quá tuổi, anh cầu bất cầu bơ, làm bất cứ việc gì khi được gọi. Uớc ao lớn nhất của anh bây giờ là có việc làm ổn định, đủ tiền nuôi vợ con.

Có lần anh tâm sự, cô bé hàng xóm trước kia suốt ngày rủ đi cà phê, thậm chí mồi chài anh đi nhà nghỉ mà cô ấy nói là sẽ bao tất, anh bảo “Giờ chả còn có tí ham hố nào, chỉ mong kiếm đủ tiền cho vợ con đỡ khổ”. Không tiền, đàn ông cũng chẳng còn có niềm đam mê với gái gú là thế. Niềm vui nho nhỏ của anh là lao thân đi kiếm tiền rồi về nhà vui ra mặt khi đưa tiền cho vợ và nghe thấy những nụ cười khanh khách của nàng, hình như nó cũng giống như niềm vui của nhiều người đàn ông khác thì phải.

Hơn 2 năm trời, anh chưa biết mua một cái quần hay manh áo mới. Thằng bạn khó khăn, anh cũng phải về nhà xin vợ 100 nghìn cho nó vay tạm vài ngày vì trong túi anh chẳng bao giờ có tiền. Sinh nhật con, anh cũng không có tiền tổ chức, mua quà cho nó. Anh mang về một quả dưa: “Bố chả mua gì cho con, chỉ mua quả dưa tặng sinh nhật con, con bảo mẹ bổ ra cả nhà cùng ăn”.

Thương cháu, thương anh, mình mời cả nhà đi ra ngoài hàng ăn coi như món quà tặng sinh nhật cho cháu. Pizza, mỳ Ý là hai món lần đầu tiên cả nhà anh biết đến. Nhìn anh trầm ngâm, đăm chiêu suy nghĩ, trong đầu anh cứ luẩn quẩn: “Giá mình có thể có nhiều tiền để cho con cái được hưởng thụ cuộc sống giống như những đứa trẻ đang ngồi xung quanh bàn ăn của mình”. Hình ảnh của anh lúc bấy giờ làm mình thấy thấm thía sự bất lực khi không thể dành cho vợ con một cuộc sống tốt hơn giống như bao nhiêu con người đang ngồi xung quanh anh lúc đó. Số anh khổ rồi, nhưng con anh cũng khổ theo.

Nhiều đêm anh thức tới sáng, mình không khỏi xót xa, trong đầu anh bao nhiêu thứ ngổn ngang: Làm thế nào để kiếm được tiền, làm nghề gì ra tiền bây giờ, làm thế nào cho con đủ ăn, vợ đủ mặc? Nghĩ nát óc nhưng chân tay anh dường như đã bị khóa chặt mất rồi, không bằng cấp, vốn liếng, lấy đâu ra tiền để làm ăn? Chả lẽ lại đi ăn cướp, anh đi tù thì vợ con còn khổ hơn nữa.

Cuộc sống luẩn quẩn trong khổ cực, anh đâm ra hay cáu bẳn với vợ, người luôn thương yêu chăm sóc anh hằng ngày và cũng không biết bao lần phải nín nhịn vì những lời mắng chửi vô căn cứ của anh. Đời khổ quá làm suy nghĩ con người ta bị bó lại: anh có biết đâu rằng dù cả cuộc sống này ngoảnh mặt với anh, cả xã hội này kinh rẻ anh nghèo, không có học thì vợ con vẫn ở bên anh. Vậy mà tiếng cãi vã vẫn cứ vang lên trong căn nhà rộng hơn 20m2 chỉ vì cơm, áo, gạo, tiền. Anh có biết đâu hạnh phúc càng mong manh dễ vỡ hơn trong những giai đoạn khó khăn mà chính mình cũng cần tỉnh táo để giữ lấy nó.

Vài hôm trước, nghe anh kể đã tìm được việc làm, nhận thầu làm điện cho một tòa nhà, mình cũng thấy vui cho anh vì có công ăn việc làm. Xuống nhà anh chơi, 8 giờ tối mới thấy anh về, ngồi vào mâm cơm, mình thấy đôi mắt anh sưng vù, đỏ hoe, cứ tưởng bị đau mắt, ai ngờ anh làm việc, bụi thạch cao bắn vào. Anh bảo “Chẳng sao, anh về nhà tra thuốc đau mắt là đỡ, ngày xưa đi làm lò bánh mỳ, giờ mắt anh đã lóa lóa rồi, bây giờ có tí tẹo bụi thạch cao thì ăn thua gì”.

Anh nói tiếp: “Nói thật có được việc làm anh cứ thấy vui vui, trước mắt có tiền đóng học cho con bé, rồi thằng lớn cũng sắp vào năm học mới lại chuẩn bị bao nhiêu thứ tiền. Anh mua được cái kìm bấm, cứ ngồi mân mê lẩm bẩm: “Mình mà có được cái kìm bấm này hôm qua thì hôm nay sẽ làm được ra trò, có khi giờ này chưa ở nhà đâu, ngồi lại làm việc thêm cũng kiếm được khối đấy”. Cái kìm bấm giá 100 nghìn mà gửi gắm cả niềm tin và hy vọng của anh, con anh có sữa để uống, vợ anh có quần áo để mặc…

Hôm nay, anh qua nhà mình đón con, điện thoại không có tiền, xe không có để đi, anh ngồi lê la trước cửa chờ đợi, số của người không có tiền nó như vậy đấy. Mình biết, nếu anh được học hành tới nơi tới chốn, được dạy dỗ và định hướng về công việc, có lẽ giờ cũng là ông to bà lớn gì đó trong xã hội vì anh nhận thức rất nhanh chứ chẳng phải mưu toan, tính toán cho cuộc sống tới từng giờ, từng ngày.

Ngoài xã hội chắc chắn còn có nhiều người đàn ông khổ như anh họ mình, thậm chí còn khổ hơn anh bởi họ mang trên mình gánh nặng của một người đàn ông: Sinh ra là để kiếm tiền, sống là để hy sinh cho người khác.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại