Không quân Trung Quốc và ẩn số J-15

TP - Chỉ hai tuần sau khi những tấm ảnh về một tàu sân bay xuất hiện trên internet, truyền thông Trung Quốc đầu tuần rồi tung ra những hình ảnh “cận cảnh về tiêm kích trên hạm J-15”, theo một tờ báo Đài Loan.

Thời báo Đài Bắc nói, trước đó một hôm, các trang web chuyên về quân sự Trung Quốc đã đưa lên mạng những bức ảnh nói trên, được “chộp” từ bên ngoài nhà máy sản xuất máy bay Sơn Dương, đông bắc Trung Quốc. Đây là lần thứ ba, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về sự xuất hiện các khí tài quân sự mới của nước này dựa trên những thông tin không chính thức. Trước đó là chuyện “máy bay tàng hình thế hệ 5, J-20” và “tàu sân bay Thi Lang”.

Y chang Su-33 của Nga?

Chiến đấu cơ J-15, biệt hiệu Cá mập bay, có cánh gập lại được, đuôi thu ngắn hơn so với “nguyên mẫu”, được cho là dòng Sukhoi- 33 của Nga. Cá mập bay có hệ thống càng được đặc biệt củng cố để đảm bảo việc hạ cánh trên tàu sân bay. Người ta nói J-15 sẽ được trang bị cho tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Thi Lang, dự kiến chạy thử trong vài tháng tới.

Tiêm kích Su-33 của hải quân Nga.

Một số nhà phân tích trong nước nói đây là bằng chứng “không thể tranh cãi” về sự trưởng thành không ngừng của nền công nghệ quân sự Trung Quốc. Giống như tàu Thi Lang, tiêm kích J-15 đã trải qua các cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều năm trước khi chính thức được phiên chế vào không quân hải quân.

Tuy nhiên, các tấm ảnh cũng cho thấy một điều: Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA), ngày càng “cởi mở’ hơn, khác với quá khứ luôn được phủ một tấm màn bí mật.

“Sự xuất hiện những hình ảnh chiến đấu cơ đang trong giai đoạn phát triển là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc “thoáng” hơn trong việc kiểm soát các thông tin quân sự”, Lan Vân, biên tập viên tạp chí Morden Ships, có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên về tàu biển nói trong một cuộc phỏng vấn. “Có thể coi đó là sự minh bạch hơn của quân đội Trung Quốc” biên tập viên Lan nói.

Lan và Andrei Chang, biên tập viên tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa, có trụ sở tại Hong Kong, nói các bức ảnh cho thấy phi cơ J-15 đã qua giai đoạn thử nghiệm tại nhà máy và chuẩn bị bay thử.

Trên internet, những người quan tâm đến hàng không Trung Quốc nói rằng chiếc máy bay được trang bị những công nghệ tối tân nhất mà Trung Quốc hiện có: radar chống hạm tiên tiến, tên lửa dẫn hướng..., những thứ chưa được trang bị nhiều trong lực lượng khoảng 3.200 máy bay của Không quân Trung Quốc.

Khi được triển khai, sau năm 2015, J-15 được cho là có khả năng tạo ra thay đổi lớn trong các hoạt động trên biển của quân đội Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này được cải tiến từ một tàu sân bay lớp Kuznetsov của Ukraine, lúc đầu được cho là sẽ biến thành một casino nổi đặt tại Macao.

Tuy nhiên, giấy phép hoạt động cờ bạc đã không hề được ban hành, và như nhiều người dự tính, con tàu được kéo về cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) hoán cải trong 10 năm để trở thành tàu sân bay thực thụ.

Cũng có tin nói Trung Quốc đang thực hiện một dự án tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, dự kiến hoàn tất năm 2020.

Con đường của chiếc J-15 thậm chí còn quanh co hơn cả tàu Thi Lang. Cuối thế kỷ 20, nhiều bản tin nói rằng Trung Quốc đã phải năn nỉ Nga bán cho loại tiêm kích trên hạm Su- 33, loại máy bay Liên Xô đã phát triển trong những năm 1980. Su - 33 là biến thể của dòng tiêm kích nổi tiếng Su-27, nhưng chuyên dùng cho hải quân vì có khả năng cất hạ cánh trên hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, Matxcơva đã từ chối. Người ta cho rằng, lý do Nga không bán Su-33 cho Hoa lục là vì Trung Quốc được cho là đã dựa trên nguyên mẫu Su-27SK do Nga sản xuất để “nhái” thành dòng J-11B, bề ngoài không khác gì Su-27SK.

Tuy vậy, trong năm 2011, người Trung Quốc đã mua được một chiếc Su-33 từ Ukraine .

Tuy chiếc J-15, được công bố không chính thức tuần vừa rồi, bề ngoài có vẻ là bản sao của Su-33, nhưng “cơ cấu bên trong” đã có sự nội địa hóa. Biên tập viên Lan nói những kỹ sư Trung Quốc đã cải tiến đáng kể hệ thống lái, dẫn đường tên lửa so với phiên bản của Nga. Lan còn so sánh J-15 ngang ngửa với chiếc FA-18 Hornet, máy bay chủ lực của Không quân hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, biên tập viên Lan nói J-15 có tầm bay nhỏ hơn vì phương pháp cất cánh của J-15 là sky- jump (chạy trên đường băng dốc kiểu tàu Kuznetsov- Nga) cho thấy nó mang được ít nhiên liệu hơn so với máy bay cùng loại của Mỹ, cất cánh từ đường băng nằm ngang.

Thêm nữa, phi công muốn thành thạo cất cánh theo kiểu sky-jump đòi hỏi phải tập luyện nhiều thời gian hơn. Hồi tháng 2, một tòa án ở Ukraine kết án một người Nga âm mưu cung cấp cho Trung Quốc thông tin chi tiết về một căn cứ không quân ở bán đảo Crimea, nơi từng được sử dụng huấn luyện các phi công lái Su-33 cất cánh trên đường băng dốc.

Ở đảo Hồ Lô, một căn cứ hải quân ở tỉnh Liêu Ninh, người ta nói các công nhân đang ngày đêm xây dựng một phiên bản trung tâm huấn luyện cất cánh tương tự như tại bán đảo Crimea.

Không quân Trung Quốc luyện tập cất cánh theo kiểu sky-jump trên mô hình đường băng của tàu sân bay.

“Chiêu” của truyền thông Trung Quốc?

Rick Fisher, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá các vấn đề quốc tế ở Washington, nói với Thời báo Đài Bắc rằng cần thận trọng với các câu chuyện xuất hiện trên báo in ở Trung Quốc về những vũ khí mới của nước này, vốn chỉ xuất hiện trên các trang web Trung Quốc.

Theo quan điểm của Fisher, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hình thành nên một thói quen là “nhặt nhạnh những gì xuất hiện trên các trang mạng và biến nó thành các bản tin, để rồi báo chí phương Tây sẽ “giúp một tay” phổ biến thông điệp “Trung Quốc ngày càng lớn mạnh”.

“Cái mà chúng ta đang chứng kiến tương tự vụ “ra mắt” máy bay tàng hình thế hệ 5, J-20 hồi tháng giêng, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang dần hình thành thói quen sử dụng thông tin của những cá nhân quan tâm đến vấn đề quân sự đưa vào những dự án tuyên truyền của họ”, Fisher nói.

Ông cũng cho rằng, có lý do để tin rằng một vài chương trình mà Trung Quốc “tiết lộ” là có thật.

Những bức ảnh về máy bay J-15 xuất hiện giữa lúc đang có tin chưa được kiểm chứng rằng hồi đầu tháng, tại một căn cứ không quân ở Nội Mông, Trung Quốc cho bay thử một biến thể khác của dòng chiến đấu cơ Su-33, được biết tới với tên gọi J-18 Đại bàng đỏ.

Tuy nhiên, không giống J-15, dòng J-18 được nói là có khả năng cất hạ cánh theo phương thẳng đứng (VSTOL), tương tự loại F-35 JSF của hãng Lockheed Martin (Mỹ). Cả J-15 và J-18 đều dự kiến được sử dụng trên tàu sân bay.

-Trung Quốc đã bắt tay phát triển J-15 từ năm 2001.

-Su-33 là loại máy bay chiến đấu đa năng dành cho tàu sân bay. Nó có thể không chiến, phòng thủ hạm đội, do thám và các nhiệm vụ hỗ trợ đường không khác. Loại máy bay này bắt đầu được đưa vào hoạt động trong lực lượng Hải quân Nga từ năm 1995 và gần đây được triển khai trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

-Theo các chuyên gia quân sự Nga, J-15 không thể so sánh được với Su-33 của Nga vì vấn đề cốt tử là J-15 sử dụng động cơ trong nước (loại WS-10), không đủ độ tin cậy. Nhiều chuyên gia trên thế giới cũng tỏ ra không tin tưởng Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có thể tạo ra một loại động cơ hoạt động bền bỉ, độ tin cậy cao cho máy bay chiến đấu.

Theo Báo giấy