Thành hay bại cũng do mình mà ra
Mai Hữu Tín, cái tên không chỉ nổi tiếng trên thương trường Việt bởi những thương vụ đình đám như vụ công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành... mà trên chính trường, anh còn được biết đến với những phát biểu sắc lẹm, mạnh mẽ về kinh tế tư nhân.
Mai Hữu Tín là một doanh nhân luôn khát khao cống hiến và dấn thân vì một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và phong trào thanh niên khởi nghiệp. Một doanh nhân mang nặng tinh thần dân tộc, luôn trăn trở trước số phận của những doanh nghiệp Việt khi nghĩ về cuộc chiến với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại sân nhà.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn ở Bình Dương, năm 19 tuổi, Mai Hữu Tín từng bỏ học và phải chuyển sang học ban đêm để có thể nuôi sống bản thân. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, anh đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ TPHCM khoa tiếng Anh với tấm bằng xuất sắc, và trở thành người phiên dịch cho những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Sau 10 năm, thời điểm đang ở đỉnh cao của công việc khi giữ vị trí Phó tổng giám đốc của một công ty lớn, Mai Hữu Tín bất ngờ rẽ sang một hướng mới - khởi nghiệp. Với số vốn 300 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng từ tiền đi vay, sau 20 năm, công ty U&I do anh sáng lập đã trở thành một tập đoàn đa ngành sở hữu gần 40 công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực và được đánh giá cao về sản phẩm cũng như tầm ảnh hưởng.
Từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, hơn ai hết Mai Hữu Tín hiểu rõ về sự phát triển của các doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Khi chia sẻ về phong trào khởi nghiệp, Chủ tịch U&I tỏ ra phấn khởi cho biết, anh chưa bao giờ cảm nhận được sự thay đổi lớn như hiện nay. Ngày càng có nhiều người quan tâm và giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, anh cho rằng Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công do phong trào mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Bên cạnh đó, nhiều Start-up chỉ quan tâm tới ý tưởng mà chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.
“Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chỉ với một ý tưởng mà bạn đó cho là hay và gần như chưa có kinh nghiệm gì về quản trị. Vẫn có khả năng bạn đó thành công. Nhưng tôi cho rằng những trường hợp thành công như vậy là rất hiếm hoi”.
Theo Chủ tịch U&I, trong kinh doanh, ý tưởng mới chỉ là một phần giúp hình thành chiến lược. Ngoài ý tưởng, mỗi dự án khởi nghiệp cần phải có vốn và một đội ngũ nhân sự tốt. Nhưng có đủ tất cả những yếu tố này cũng chỉ mới chiếm 50% để đi đến thành công.
“Do vậy đừng vội vã. Tốt nhất các bạn trẻ hãy đi làm thuê trước để học hỏi kinh nghiệm, có thời gian cân nhắc ý tưởng và chiến lược của mình thật chín, rồi tìm đối tác và nguồn vốn trước khi quyết định khởi nghiệp”, Mai Hữu Tín chia sẻ.
Từ kinh nghiệm một người làm thuê đến sở hữu gần 40 công ty, Mai Hữu Tín cho rằng điều khó nhất đối với người làm kinh doanh vẫn là bán chính mình. “Bán một dịch vụ, ý tưởng không quá khó, nhưng khó hơn là bán chính mình. Không làm đối tác, khách hàng tin được vào sự nghiêm túc, tận tụy, minh bạch, rõ ràng, công tâm của mình thì làm sao bán được hàng”. Cuối cùng, theo anh, không còn cách nào khác là mỗi người phải tự ý thức xây dựng được một hình ảnh tốt về bản thân và luôn biết cách giữ chữ tín trong mọi giao dịch.
Suốt chặng đường hơn 20 năm kinh doanh, với Mai Hữu Tín, mỗi lần bước vào một lĩnh vực mới là một lần khởi nghiệp. Hiện nay, tập đoàn của anh điều hành hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực từ bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, đến nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu... Thành công có, thất bại có. Từ những được - thua trên thương trường, anh luôn tâm niệm, đối với người khởi nghiệp quan trọng nhất vẫn là phải hiểu rõ chính mình và việc mình định làm. Từ đó, mới có thể vượt qua mọi khó khăn và hành xử một cách đúng đắn.
“Điều thú vị trong kinh doanh là mỗi người đều có quyền thử và có quyền sai. Qua mỗi lần sai đó, dù có tiếc nuối, có ân hận nhưng hãy bình tĩnh bước tiếp. Giữ niềm tin và tiếp tục dấn thân. Mỗi lúc khó khăn, tôi thường dành thời gian nhìn lại chính mình và tìm cách hiểu mình hơn. Vì thành hay bại cũng do mình mà ra. Mọi khó khăn cũng từ mình mà có. Những người khởi nghiệp, tôi nghĩ cũng nên vậy, quan trọng nhất là phải hiểu rõ mình và việc mình định làm”, Mai Hữu Tín tâm đắc.
Để có được những kết quả thành công như ngày hôm nay, Mai Hữu Tín cho rằng, con người là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Đối với anh, để xây dựng được một đội ngũ tốt, chủ doanh nghiệp phải biết quý trọng nhân viên. Yêu thương và đối xử chân thành với họ như những người thân thực sự.
Không chỉ là một người kinh doanh giỏi, Mai Hữu Tín còn được biết đến là một võ sĩ Vovinam cừ khôi khi mang khát vọng truyền bá rộng rãi môn võ này đến toàn thế giới.
Đam mê Vovinam từ nhỏ, từng giật giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 1986, Mai Hữu Tín hiểu rõ những lợi ích về tinh thần và thể chất mà môn võ này mang lại. Ở thời điểm Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm văn hóa được nhiều người biết đến, anh cho rằng môn võ thuần Việt Vovinam là sự lựa chọn phù hợp nhất thể để nâng cao hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
“Tôi may mắn được học Vovinam từ nhỏ và thấy rõ các lợi ích mà môn võ này mang lại. Với cương vị Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, phát triển Vovinam mạnh mẽ hơn là trách nhiệm của tôi với môn phái cũng như là cách tôi trả ơn đất nước đã tạo ra mình”.
Có lẽ, đúng như cách người ta thường hay gọi anh “võ sĩ trên đấu trường kinh tế”, sự kết hợp giữa võ thuật truyền thống và kinh doanh còn mang đến cho Mai Hữu Tín một phong cách mạnh mẽ, tự tin và tinh thần dân tộc quyết liệt. Trong kinh doanh, anh luôn thích sự mạo hiểm và đương đầu với thách thức. Chủ tịch U&I từng khiến không ít người thót tim khi nhiều lần bỏ tiền để cứu các thương hiệu Việt đình đám khi những thương hiệu này đứng bên bờ phá sản, như vụ công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành...
Ở vụ Toàn Mỹ, Mai Hữu Tín đã mua lại công ty rồi kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để gây dựng nên công ty truyền thông Trí Việt nổi tiếng không kém.
Ở thương vụ Giấy Sài Gòn, U&I đã táo bạo đầu tư lực lượng, máy móc, công nghệ để đạt mục tiêu trở thành nhà cung cấp giấy hàng đầu khu vực ASEAN, xuất khẩu tới 130 nước trên thế giới và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp giấy khổng lồ của Trung Quốc.
Với sự quyết liệt của người đứng đầu U&I, Giấy Sài Gòn đã vượt qua giai đoạn khó khăn đạt doanh thu 3.000 tỷ, một cột mốc lịch sử. Từ doanh thu năm 2015 chỉ đạt 300 tỷ đồng, dự kiến khi vận hành hết công suất, Giấy Sài Gòn sẽ vượt mốc 5.000 tỷ đồng vào 2019.
Đối với Gỗ Trường Thành khó khăn hơn, thiếu cả vốn, nhân sự, kỹ thuật, Mai Hữu Tín phải đích thân đứng ra đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc để gồng gánh đưa doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng. Có lẽ vì thế cụm từ “xoay chuyển doanh nghiệp để biến chúng trở nên tốt hơn” cũng là cụm từ được vị doanh nhân 49 tuổi này nhắc đến trong triết lý kinh doanh của mình.
Nói về lý do của những việc này, anh không ngần ngại chia sẻ, những người làm kinh doanh chân chính luôn thấy đau khi doanh nghiệp Việt thua ngay tại sân nhà và bị thương hiệu ngoại lấn lướt. Nhất là đối với anh, một doanh nhân luôn đặt tinh thần dân tộc lên trên hết và luôn ý thức giữ gìn những thương hiệu Việt. Nên, nếu có thể tham gia đóng góp vào để tình hình các doanh nghiệp khá hơn, anh luôn sẵn sàng.
“Là một doanh nhân, tôi mong muốn phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, tạo ra thêm giá trị cho xã hội, tuân thủ với những chuẩn mực và giá trị mà nhân loại theo đuổi. Tôi luôn cho rằng nội lực là quan trọng và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải có vai trò chính trong nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên đó chỉ là mong ước và tôi chỉ cố gắng hết sức làm tròn trách nhiệm của mình”.
Mai Hữu Tín luôn ý thức được sứ mệnh cống hiến và tạo ra giá trị cho xã hội. Anh luôn khát khao được cống hiến vì một môi trường kinh doanh thuận lợi và sự phát triển kinh tế tư nhân. Trên cương vị là Đại biểu quốc hội khóa 12, khóa 13 và hiện đang là một trong những thành viên của Ban tư vấn kinh tế tư nhân Chính phủ, Mai Hữu Tín đã không ít lần mạnh mẽ lên tiếng để đứng về phía doanh nghiệp, nói tiếng nói của doanh nghiệp. Theo anh, kinh tế tư nhân là động lực phát triển chủ yếu của Việt Nam.
“Làm sao có thể giữ hết mọi thành quả đạt được cho riêng mình khi công sức đóng góp là của chung. Đúng là bạn bỏ vốn và trả lương, thậm chí là lương cao. Nhưng tiền chỉ có giá trị đến một mức nào đó. Tôi thật sự coi mọi đồng nghiệp của mình là anh chị em và tìm mọi cách biến những người xuất sắc nhất trong đó thành cổ đông.
Mỗi ngày tôi thúc đẩy họ bằng động lực để chứng minh được họ giỏi hơn những người khác, đối thủ của tôi. Nếu bạn làm cho những người lao động của bạn có động lực thì doanh nghiệp của bạn không thể thua ai”, Mai Hữu Tín đúc kết.