Khóc cười sau những xe sang nằm cảng

Hàng chục chiếc xe sang vô thừa nhận nằm tại cảng Vũng Tàu, Đà Nẵng... chỉ là một phần trong câu chuyện về thị trường ôtô nhập khẩu đã phân hóa mạnh mẽ trong 2 năm qua, sau khi Thông tư 20 chính thức có hiệu lực.

> Nhu cầu mua ôtô second-hand tăng mạnh

Một buổi chiều tháng 3/2012, trên vỉa hè sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), 5 đại gia nhập khẩu xe hơi không chính hãng ngồi uống trà vặt, điều lâu lắm họ không làm cùng nhau. Cơn bùng nổ xe Hàn trước đó đã đưa 5 nhân viên thành những ông chủ với thói quen mua cái gì cũng giống nhau, tất cả đều đi Lexus RX350 và cùng tậu nhà Keangnam.

Nhưng Thông tư 20 đã làm đảo lộn tất cả, chặt mất đường làm ăn đang như diều gặp gió của "ngũ hổ". Người thì bỏ cửa hàng phố lớn vào phố nhỏ. Người tìm cách lách bằng việc sang Đức tìm giấy phép nhà phân phối. Nhưng cuối cùng chiếc Audi A7 Sportback nhập về vẫn phải xuất ngược Hong Kong, bởi Bộ Công Thương không đồng ý. Số còn lại chuyển hoá thành xe cũ, ít lời và khó bán hơn xe mới rất nhiều.

Một năm sau, ngả lưng trên chiếc ghế cao quá đầu, giám đốc chi nhánh Hà Nội của một hãng xe sang chăm chú ngắm màn hình tivi treo trên góc phòng riêng, chia 12 ô hiển thị camera khắp showroom.

"Khách thứ năm trong buổi sáng rồi đấy. Nhân viên không đủ mà tiếp", chỉ tay vào chiếc Morning đang lùi vào chỗ đỗ, ông nói. Khách kín hết các bàn. Nhân viên tất bật, nên sếp đôi lúc phải ra đón thay. "Tháng này có lẽ sẽ là kỷ lục của chúng tôi. Chưa bao giờ trong 5 năm có mặt tại Việt Nam bán hàng lại tốt như bây giờ".

Nguyên nhân cho sự tăng trưởng vượt bậc đó, được lý giải là sự ổn định về thuế, phí và tình hình kinh tế của vẻ tốt hơn 2012.

Ở phía bên kia, các nhà nhập khẩu không chính hãng lại có lý giải khác. Khi Thông tư 20 mới ra, một số doanh nghiệp tận dụng cơ hội cuối đưa xe về. Quãng thời gian sau đó là lúc bán hàng tồn.

"Một năm rưỡi đủ để chúng tôi bán nốt số xe nhập trước lúc thông tư có hiệu lực. Khi hết xe rồi thì tất cả ngồi chơi, nhìn khách đến nhà phân phối chính hãng thôi. Tăng trưởng đó chỉ như chuyển tiền từ túi tôi sang túi họ, còn tổng thị trường thì có thay đổi mấy đâu", ông Nguyễn Minh Tuấn, người nhiều năm làm nhập khẩu ôtô phân tích.

Trong lúc hàng loạt cửa hàng xe sang nhập khẩu không chính hãng treo biển cho thuê lại mặt bằng, giải thể hoặc chuyển tới nơi ít đắt đỏ hơn thì các nhà phân phối chính hãng mở liên tiếp showroom mới. Tháng 2, Audi khai trương gian hàng lớn nhất Việt Nam với diện tích 3.000 mét vuông, tổng đầu tư 2 triệu USD. Đến tháng 6, BMW cũng mở showroom mới tại Hà Nội với kinh phí tới 100 tỷ đồng.

Porsche cũng đang tìm kiếm mặt bằng để có được showroom tương xứng với tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 3 con số. Lexus cũng đang gấp rút chuẩn bị cho 2 showroom ở TP HCM và Hà Nội.

Không tiết lộ cụ thể doanh số nhưng hầu hết các nhà phân phối chính hãng xe sang đang ước chừng con số tăng trưởng vài chục phần trăm so với 2012. BMW trong năm 2012 bán được khoảng 800 xe. Audi thì cho biết chỉ riêng 6 tháng đầu 2013 đã hoàn thành kế hoạch của cả 2013 với doanh thu 1.500 tỷ, tăng 200% so với cùng kỳ. Hãng này kỳ vọng cán mốc 400 xe trong 2013 so với 300 xe của 2012.

"Chính sự ổn định về chính sách là động lực để chúng tôi đầu tư vào Việt Nam bằng việc mở rộng hệ thống đại lý, tăng chất lượng chăm sóc khách hàng. Thông tư 20 có tác dụng sắp xếp lại thị trường, người tiêu dùng yên tâm và được bảo đảm quyền lợi hơn", giám đốc một nhà phân phối chính hãng cho biết.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thông tư đã làm giảm nguồn hàng, tập trung quyền lợi quá lớn vào nhóm nhỏ các nhà phân phối.

"Chính sách nào cũng có hai mặt, lợi cho người này và thiệt cho người kia. Vấn đề là người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi. Thông tư 20 quy định về bảo hành, xưởng là hợp lý. Nhưng yêu cầu phải có giấy ủy quyền là giới hạn nguồn hàng, giảm sức cạnh tranh trên thị trường", ông Tuấn nói.

Để đối phó với Thông tư 20, suốt 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu "không chính hãng" đã phải lách quy định bằng cách đưa xe về theo đường "Việt kiều hồi hương". Bằng cách này, ôtô nhập khẩu được khai dưới dạng tài sàn di chuyển của Việt kiều, không phải nộp thuế nhập khẩu và GTGT, chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy đinh hiện hành.

Chẳng hạn một chiếc Lexus RX250 khai giá 40.000 USD sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 24.000 USD. Tổng giá trị sau khi tính thế là 64.000 USD. Trong khi đó nếu nộp thuế đầy đủ sẽ là 120.000 USD, cao hơn khoảng 56.000 USD. Tuy nhiên, không phải nhà nhập khẩu được hưởng nguyên khoản chênh lệch này mà phải bỏ tiền mua suất Việt kiều hồi hương, vốn dao động trong khoảng 30.000-40.000 USD. Vì thế, để đảm bảo lợi nhuận, giới buôn xe chủ yếu tập trung vào dòng xe sang đắt tiền, giá trị lớn.

Đây cũng là lý do khiến lượng xe dạng "Việt kiều hồi hương" đổ về các cảng ngày một nhiều trong những tháng qua. Tuy nhiên, thực tế không ít trong số này được hải quan chứng minh là xe mới hoặc không đủ điều kiện nhập khẩu. Xe bị ách tại cảng khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Đơn cử trường hợp ông Lương Văn Thanh (William Thanh Lương) - Việt kiều Mỹ, người đứng tên nhập chiếc xe Toyota Sienna LE đang bị ách tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau thời gian bỏ bê do không thể làm thủ tục nhập khẩu, ông Lương viết giấy ủy quyền cho Công ty Phương Nam (TP HCM) - đơn vị cũng đứng tên nhập cả chục chiếc xe khác đang ách tại cảng này - làm thủ tục tái xuất. Tuy nhiên, ủy quyền này cùng với nhiều trường hợp khác không được hải quan chấp nhận do hồ sơ, thủ tục không hợp lệ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 5 vừa rồi có gần 180 xe dạng này đang tồn đọng tại Cảng. Riêng ở cảng Cái Mép, khoảng 20 ôtô tổng trị giá 50 tỷ đồng đã nằm kẹt cứng gần một năm nay.

Theo vnexpress

Theo Đăng lại