Kho bạc Nhà nước Quản lý ngân sách hiệu quả, đảm bảo hệ thống ổn đỉnh, thông suốt

Trong 9 tháng năm 2022, công tác quản lý thu, kiểm soát chi ngân sách nhà nước được Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo báo cáo tại “Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2022 của hệ thống KBNN” tổ chức ngày 07/10/2022, trong quý III, toàn hệ thống KBNN tiếp tục mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) đủ điều kiện và có nhu cầu theo lộ trình đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Theo đó, KBNN đã ký thỏa thuận với các NHTM, kết nối thanh toán song phương điện tử NHTM. Đến ngày 30/9/2022, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.330.300 tỷ đồng, bằng 94,23% so với dự toán năm 2022.

Đến hết ngày 30/9/2022, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên 682.066 tỷ đồng, bằng 61,3% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng); lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 đạt 239.778,4 tỷ đồng, bằng 45,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN và bằng 41,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN.

Sau khi nghe các báo cáo đánh giá, ý kiến phát biểu, thảo luận của các đơn vị và KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân ghi nhận, biểu dương và đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được của toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2022. Tổng Giám đốc cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của công chức, viên chức và người lao động, hệ thống KBNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực và nổi bật, đóng góp vào thành tích chung của ngành Tài chính.

Mặc dù vậy, bên cạnh các kết quả tích cực và nổi bật đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vì vậy, Tổng Giám đốc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố sát sao, tập trung chỉ đạo, điều hành để khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc chỉ đạo, hiện nay Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã trình Bộ Tài chính và dự kiến sẽ sớm được ban hành. Tổng Giám đốc yêu cầu sau khi Chương trình hành động được ban hành, các đơn vị và KBNN các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiế'n độ” Tổng Giám đốc cũng lưu ý hai nhiệm vụ quan trọng sắp tới là: Chủ động chuẩn bị các tài liệu có liên quan phục vụ Bộ trưởng tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (dự kiế'n khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 18/11/2022); và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (văn bản hướng dẫn, hạ tầng, đường truyền, ứng dụng,) để phục vụ công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm 2022.

Trong số 9 nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2022, Tổng Giám đốc nhấn mạnh các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Vụ NSNN Bộ Tài chính để bám sát tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật NSNN. Trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN trong dự thảo Luật, tạo nền tảng để củng cố hành lang pháp lý cho các hoạt động nghiệp vụ của hệ thống. Đồng thời tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệmvụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống KBNN; trong đó, nghiên cứu kỹ lưỡng việc triển khai Đề án KBNN khu vực, Đề án thành lập Cục Quản lý thanh toán, Đề án Thanh tra KBNN.

Về công tác kiểm soát chi, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện các quy trình về kiểm soát chi, quy trình tự động thanh toán, liên thông các ứng dụng; đồng thời, nghiên cứu phân loại, phân luồng các nội dung kiểm soát chi theo mức độ rủi ro để rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thuận lợi cho người giao dịch, song vẫn đảm bảo kiểm soát chi, thanh toán đúng quy định.

Đối với công tác thu NSNN, huy động vốn và điều hành ngân quỹ, Tổng Giám đốc đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp với các NHTM để triển khai mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử theo lộ trình được phê duyệt và cần có tổng kết, đánh giá, báo cáo Lãnh đạo Bộ. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, phải bám sát tình hình thực tế, thu, chi NSNN và mặt bằng lãi suất để huy động vốn và điều hành ngân quỹ, đảm bảo luôn chủ động và kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ đối với các nội dung, tình huống phát sinh”, người đứng đầu hệ thống KBNN yêu cầu.