Chi tiết rất nhỏ đó nhưng cho thấy sự khác nhau về tính chuyên nghiệp giữa ông thầy Nhật Bản và phần còn lại của BHL.
HLV Miura vẫn như thường lệ, đứng suốt trong cơn mưa, liên tục gào thét chỉ đạo. Lẽ ra, phải có người giúp ông ít nhất là việc tác động đến tinh thần thi đấu của cầu thủ bằng những hành động như đứng lên quan sát tình huống hoặc vỗ tay khích lệ sau mỗi pha bóng trên sân. Việc HLV Miura liên tục thay đổi các trợ lý trong BHL của mình qua mỗi đợt tập trung cho thấy những người chia sẻ công việc với ông dường như không nhiều và cũng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
Đấy là chuyện người ta hay gọi “lặt vặt”, nhưng với HLV Miura rất quan trọng đối với một đội bóng có trình độ giới hạn như Việt Nam. Không thể phát triển nhanh năng lực thi đấu thì chí ít cũng phải có nền tảng thể lực tốt và đặc biệt là tinh thần, khát khao chiến thắng. Không phải tự nhiên mà suốt 2 thập kỷ qua, các đội tuyển của chúng ta luôn “thử kêu, đốt tịt” - đá giao hữu, vòng loại thì thắng nhưng đến trận quyết định lại “rơi xuống vực thẳm” theo kiểu tự thua.
Minh chứng là đến nay, bóng đá Việt Nam chỉ một lần lên ngôi số 1 Đông Nam Á ở AFF Cup 2008 và vô số lần về… nhì. Cũng cần nhớ, tại AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam đi theo quy trình ngược, đá giao hữu không thắng trận nào, nhưng càng đá lại càng mạnh hơn nhờ được tôi luyện bản lĩnh thi đấu.
Không ít lần, HLV Miura không hài lòng khi một vài cầu thủ “kêu ca” với giới truyền thông về các bài tập khá nặng, dẫn đến nhiều chấn thương. Ông cũng không hài lòng về kiểu chơi bóng rê dắt, dựa vào kỹ thuật nhưng không quan tâm đến tính hiệu quả trong phối hợp. Ngay sau trận thắng Olympic Indonesia, HLV Miura tiếp tục phê bình cách đá cá nhân ấy của các học trò.
Thực tế trong trận đấu, từ khi có bàn mở tỷ số đến cuối trận, Olympic Việt Nam không tạo ra thêm bất kỳ cơ hội nào, đặc biệt là Công Phượng quá ham rê dắt, mất bóng nhanh khi bị đối phương kèm chặt. Còn ở hàng phòng ngự, việc chậm đưa bóng lên đã khiến ít nhất 2 lần khung thành Olympic Việt Nam đối diện nguy cơ thủng lưới.
Đó có thể là những chuyện “lặt vặt” mà chỉ có những người trong nghề như ông Miura mới thấy. Tuy nhiên, chính những chi tiết nhỏ như các bài tập thể lực, liệu pháp tinh thần ngoài đường biên, các kết quả thi đấu nghèo nàn… đôi khi chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa một đội bóng chơi hay nhưng dễ thua trận và một đội bóng có bản lĩnh của một nhà vô địch.
Post by Báo Tiền Phong.