Khi người chuyển giới phạm tội và câu chuyện bi hài hậu thi hành án

Gần đây, các vụ phạm tội liên quan đến người đồng tính, chuyển giới hoạt động mại dâm ngày càng gia tăng. Tiếp nhận những vụ việc này, cơ quan chức năng không ít lần gặp phải những tình huống bi hài.
Đối tượng chuyển giới Trần Quang Nhựt

Hotgirl chuyển giới bán dâm khi người yêu vắng nhà

Cuối tháng 5 vừa qua, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tiếp nhận một vụ người chuyển giới đi bán dâm và môi giới mại dâm. Qua quá trình kiểm tra hành chính một nhà nghỉ trên địa bàn, CAP Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm đã đưa về trụ sở cơ quan công an để giải quyết. Đối tượng nữ môi giới tự khai tên mình là Trần Thu Thảo, giá bán dâm là 3,5 triệu đồng.

Khi tiếp nhận hồ sơ, theo quy định thông thường, Trần Thu Thảo được đưa đi siêu âm, kiểm tra nhanh để xác định có mang thai hay không để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lúc đó, cán bộ thụ lý vụ án rất bất ngờ khi phát hiện ẩn sau cơ thể một phụ nữ xinh đẹp là một người đàn ông. Đến lúc này Trần Thu Thảo mới thú nhận mình là người chuyển giới. Thảo khai mình là Trần Quang Nhựt, giới tính nam và có giấy xác nhận chuyển giới do Thái Lan cấp. 

 Trung úy Nguyễn Văn Quyết, cán bộ thụ lý vụ án cho hay, Nhựt là một cô gái hồn nhiên, nhí nhảnh và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Nhựt không hề biết hành vi gọi bạn đi bán dâm cùng và nhận tiền thêm của khách là phạm vào hành vi môi giới mại dâm. Do phạm tội ít nghiêm trọng nên Trần Quang Nhựt đã được Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm khởi tố và áp dụng hình thức tại ngoại.

 Sáng 5/6, chúng tôi gặp lại Nhựt tại cơ quan công an, Nhựt vẫn hồn nhiên như vậy, tuy chỉ có điều tóc đã nhuộm đen. Cô muốn không ai nhận ra mình để vẫn có thể tiếp tục sống ở Hà Nội. Nhựt cho biết, cô ta đang làm tại một cửa hàng cắt tóc gội đầu, tối vẫn đi học và làm DJ cho một quán bar ở Hà Nội để chờ ngày ra tòa. 

 “Trượt dài” tội lỗi chỉ để kiếm tiền tiêm hormone 

 Đó là chuyện của “hotgirl” chuyển giới Hà Phương - Đỗ Thành Kiên (SN 1983) trú tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hà Phương có lẽ là hotgirl chuyển giới có nhiều tiền án nhất trong số những người chuyển giới tính đến thời điểm này. 

 Đêm 30/9/2015, khi Đỗ Thành Kiên, tức “hotgirl” chuyển giới Hà Phương vừa bị tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Nam Từ Liêm đưa về trụ sở, tôi đã gặp Hà Phương. Gục xuống bàn, Hà Phương ngẩng đầu nhìn tôi, vẻ mặt mệt mỏi. So với 2 năm về trước khi bị bắt và đưa về CAQ Ba Đình, Phương già đi trông thấy, các nét thô ráp của người đàn ông cũng hiện lên rõ hơn. Chỉ còn đôi bàn tay vẫn trắng muốt, thon dài khá đẹp.

Đỗ Thành Kiên (tức “hotgirl” chuyển giới Hà Phương).
Các điều tra viên kể, Phương không còn “khoe” thân hình bốc lửa như cách đây 2 năm khi bị đưa về trụ sở CAQ Ba Đình vì hồi đó cô ta vẫn còn rất đẹp. Còn bây giờ, do không được tiêm hormone giới tính nữ, Phương dần trở lại những nét thô cứng của đàn ông. 

 Những ngày trong tù, dù chưa được công nhận về giới tính nhưng với thân hình là nữ giới, Hà Phương vẫn được bố trí vào khu giam giữ của nữ. Do lao động cải tạo tốt, bản án 36 tháng do Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt đã được giảm và Hà Phương được trả tự do vào đầu tháng 9/2015. Với một người chuyển giới như hotgirl Hà Phương, để đảm bảo sức khỏe thì buộc phải thường xuyên tiêm hormone giới tính nữ.

 Hà Phương cho biết, trong những ngày ở trại giam, “cô ta” khá khổ sở vì không được tiêm hormone, dẫn đến việc bị phù chân, tức ngực. Và ngay khi ra tù, để kiếm tiền tiêm hormone, Hà Phương lại tiếp tục hành nghề trộm cắp. Năm 2016, Hà Phương lại một lần nữa nhận bản án của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm cho tội danh trộm cắp tài sản. Một cái giá quá đắt cho hành trình trở thành phụ nữ của Đỗ Thành Kiên.

 Vòng vo khi người chuyển giới thi hành án

 Thực tế trong thời gian gần đây, các vụ phạm tội của người chuyển giới liên tiếp gia tăng và quá trình cải tạo, giam giữ với số đối tượng đặc biệt này nhiều khi cũng “làm khó” cơ quan chức năng. 

 Điều 15, Quy chế Tạm giữ, Tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ quy định về việc giam, giữ bố trí theo 8 khu vực tách riêng các nhóm phạm nhân nhưng không đề cập đến chuyện người chuyển giới phạm tội. Cũng chính bởi vậy nên thời gian gần đây, khi người phạm tội là chuyển giới, nhiều đơn vị địa phương đã rất túng túng, thậm chí xảy ra cả những tình huống bi hài trong việc phân loại, giam giữ can phạm nhân.

 Như trường hợp của Nguyễn Văn Ri ở tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã bao phen vất vả vì giới tính của nghi can này trong quá trình tạm giam, tạm giữ. Ri bị Tòa án nhân dân huyện Núi Thành tuyên phạt bản án 15 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Trước đó, người đàn ông này cũng đã 1 tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản. Mặc dù đã chuyển giới thành công, song trên thực tế giấy tờ vẫn mang tên Nguyễn Văn Ri và khi bị tuyên án, Trại tạm giam, Công an tỉnh Quảng Nam quyết định chuyển đối tượng đi thi hành án tại Trại giam An Điềm thuộc Bộ Công an. 

 Phạm nhân này đã gây không ít phiền toái cho cán bộ quản giáo nơi đây vì trại giam chỉ giam giữ, cải tạo phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ, trong khi hồ sơ của Ri tuy thể hiện giới tính là nam giới nhưng hình hài lại là phụ nữ nên chẳng biết giam giữ tại buồng giam nào.

 Nếu đưa Ri về phân trại nữ thì không đúng quy định, nhưng đưa Ri về phân trại nam thì sẽ dẫn đến không ít trở ngại cho phạm nhân và cả công tác quản lý. Sự việc buộc phải phối hợp với cơ quan y tế để tiến hành xác định lại giới tính. Trong lúc chờ kết quả, trại giam đã phải linh động bố trí riêng cho phạm nhân này một buồng giam riêng biệt.

 Để có cơ sở pháp lý, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành giám định pháp y về giới tính cho phạm nhân Nguyễn Văn Ri. Ngay sau đó, “anh” này được đưa đến Sở Y tế Quảng Nam song đơn vị này lắc đầu. Tiếp đó, Ri được chuyển cho Trung tâm pháp y. Để khẳng định chắc chắn là nam hay nữ, ngày 26/9/2014, Ri được đưa đi khám phụ khoa để xác định giới tính.

 Khi Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam có kết luận nêu rõ, quá trình khám lâm sàng và kết luận cận lâm sàng xác định, Nguyễn Văn Ri với lý lịch như trên là nữ giới. Từ kết quả này, Ri được Trại giam An Điềm “trả” về để thụ án nơi khác, buộc Cơ quan Thi hành án hình sự Quảng Nam phải có văn bản đề nghị gửi ra Bộ Công an để xem xét, hướng dẫn bố trí Ri về trại giam khác. 

Giam ở buồng riêng những người chưa xác định được giới tính 

Luật Tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã đề cập đến vấn đề tạm giữ, tạm giam người chưa xác định được giới tính. Theo đó, người đồng tính, người chuyển giới, phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh có thể sẽ được bố trí giam giữ ở buồng riêng. 

Đối tượng đã chuyển đổi một phần hoặc hoàn toàn giới tính thì Thủ trưởng cơ sở giam, giữ đề nghị cơ quan điều tra thụ lý vụ án phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền tiến hành xác định lại giới tính để phân loại giam giữ. Trong thời gian chờ thủ tục xác định lại giới tính thì bố trí giam giữ riêng số đối tượng trên. Khi có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền xác định giới tính cụ thể thì bố trí giam giữ theo giới tính.

Đối với những người bị tạm giữ, người bị tạm giam nếu qua tài liệu, thông tin thu thập được xác định là đối tượng đồng tính, có hành vi đồng tính luyến ái là vi phạm nội quy, quy chế thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật, đồng thời tách những đối tượng có hành vi đồng tính luyến ái để giam, giữ ở những buồng khác nhau.

Theo Theo An ninh Thủ đô